Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn tiếp tục kéo dài tại các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, nhiều tỉnh miền núi như Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ, Thái Nguyên… đang phải hứng chịu tình trạng sạt lở, lũ quét nghiêm trọng.
Tại tỉnh Phú Thọ, vào khoảng 10h ngày 9/9, do ảnh hưởng của mưa lũ tại vùng hạ lưu sông Hồng, cầu Phong Châu đã bị sập. Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông, Phú Thọ.
Theo chia sẻ của người dân tại hiện trường, thời điểm cầu sập, có nhiều phương tiện đang lưu thông. “Trước mắt là 1 container, 3 ô tô con trên cầu lúc đó và xe máy thì chưa thống kê được”, người dân xót xa chia sẻ.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để điều tiết phân luồng giao thông, căng dây hiện trường, thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn. Hiện tình hình thiệt hại về người và tài sản vẫn chưa thể thống kê.
Tình hình mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc. Tại Quảng Ninh, khu vực xã Đông Hải (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) xảy ra vỡ đê, nhiều thôn chìm trong biển nước, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, đến sáng 8/9, về tài sản, thống kê bước đầu từ các địa phương có 2.083 nhà bị tốc mái; 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tầu du lịch, 18 tầu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 254 cột điện, 70% cây xanh tại các địa phương Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên bị gãy đổ; có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi; gần 400ha lúa bị đổ, ngập úng. Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng.
Tại Lào Cai, trước tình hình thiên tai nghiêm trọng ở địa phương, sáng 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với tình hình lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên địa bàn tỉnh.
Từ đêm 7/9 đến ngày 8/9 trên địa bàn tỉnh có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to trên diện rộng. Hiện nay, lũ trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang lên nhanh. Thiên tai đã làm chết 6 người, bị thương 9 người (do sạt lở); 50 nhà ở bị ảnh hưởng, thiệt hại (Sa Pa 19 nhà, Bảo Thắng 13, Văn Bàn 18 nhà); hơn 248 ha sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại (thuộc các huyện Văn Bàn, Bảo Thắng, Bảo Yên); nhiều vị trí thuộc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị sạt lở; một số công trình thủy lợi tại huyện Văn Bàn bị hư hỏng… Ước thiệt hại sơ bộ ban đầu khoảng trên 7 tỷ đồng.
Anh Lê Hà Khương Anh, Bí thư Huyện đoàn Bát Xát, Lào Cai thông tin, hiện tình hình mưa lũ trên địa bàn rất phức tạp, tại thôn Phìn Chải 2, xã A Lù có 4 hộ bị sạt lở trong đó có 7 khẩu hiện tại đang mất tích. Lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm nạn nhân mất tích khác là ông Lý A Giấy, trưởng thôn Trung Hồ, xã Trung Lèng Hồ bị vùi lấp khi đi hỗ trợ người dân di chuyển khỏi điểm sạt lở.
Chính quyền địa phương vẫn đang tích cực vận động, hỗ trợ người dân di chuyển ra khỏi vùng sạt lở về nơi tránh trú an toàn.
Trong những ngày vừa qua trên địa bàn tỉnh Điện Biên liên tục mưa lớn kéo dài gây sạt lở nghiêm trọng trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Nhiều khu vực giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Vào khoảng 5h ngày 9/9 mưa lớn đã gây ra sạt lở bùn đất xuống mặt đường gây ách tắc tại Km113+240 trên tuyến quốc lộ 12, đoạn qua xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà).
Để ứng phó với diễn biến bất thường của mưa lũ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên thông báo cho trẻ em mầm non, học sinh, học viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn nghỉ học 2 ngày 9-10/9.
Tại tỉnh Lai Châu, vào khoảng 2h00, ngày 9/9, tại Km 85+700 Quốc lộ 4D (gần điểm du lịch Cầu kính Rồng Mây), một lượng đất đá lớn từ trên ta luy sạt lở xuống đường, các phương tiện không thể lưu thông, hiện các cơ quan chức năng đang phối hợp đang xử lý.
Tại Km 218+80 trên tuyến Quốc lộ 4H, từ xã Mù Cả, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) đi huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) vẫn tắc đường hoàn toàn do khối lượng rất lớn đất đá sạt lở tràn xuống mặt đường.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, mưa lớn gây ngập úng cục bộ, nguy cơ sạt lở tại một số khu dân cư ở các xã Văn Lăng, Hóa Trung, Văn Hán, Khe Mo, Nam Hòa, thị trấn Hóa Thượng, các địa phương đã di dời 102 hộ đến nơi an toàn (trong đó 20 hộ có nguy cơ sạt lở đất, 81 hộ bị ngập úng). Hàng trăm người gồm bộ đội, công an, dân quân, đoàn viên thanh niên, lực lượng xung kích đã tham gia hỗ trợ nhân dân di dời người, tài sản. Tổng thiệt hại do thiên tai ước khoảng 826 triệu đồng..
Mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 tại khu vực thượng nguồn khiến nước sông Cầu dâng lên cao mức báo động 3. Theo Đài khí tượng thủy văn Thái Nguyên, mực nước tại trạm thủy văn Gia Bẩy lúc 4h sáng ngày 9/9 đạt 2.791cm, cao hơn báo động 3 là 91cm.
Để đảm bảo an toàn, khắc phục hậu quả sau bão, UBND thành phố Thái Nguyên thông báo cho học sinh nghỉ học trong ngày 9/9.
Ở Cao Bằng, sạt lở khiến nhiều người mất tích. Thông tin sơ bộ từ UBND tỉnh Cao Bằng, trong đêm 8, sáng 9/9 đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng trên địa bàn. Vào khoảng 4h ngày 9/9 tại xóm Lũng Nọi, xã Vũ Nông, sạt lở đất đã khiến cháu T.C.C (sinh năm 2020 bị thương nặng, tử vong trên đường đi cấp cứu). Có 3 người khác bị thương do sạt lở đất là cháu Vừ Thị L. (năm sinh 2017, thường trú tại xã Hưng Thịnh, huyện Bảo Lạc) và 2 người chưa xác định được danh tính, cùng trú tại xóm Lũng Súng (xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình).
Đặc biệt nghiêm trọng, sạt lở đất đã khiến cho 20 người mất tích (chưa xác định được danh tính), trong đó có 11 người tại xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc; 9 người tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình. Hiện nay, các tuyến đường tiếp cận hiện trường vụ sạt lở đều đã bị ách tắc nên phương tiện cứu hộ không thể tiếp cận, thông tin liên lạc cũng bị gián đoạn.
Bước đầu xác định toàn tỉnh có 391 nhà bị thiệt hại, trong đó 12 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 11 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 326 bị ngập nước, 42 nhà bị tốc mái, hàng trăm ha hoa màu bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tỉnh Cao Bằng đang huy động phương tiện, nhân lực hỗ trợ nhân dân sơ tán khỏi vùng nguy hiểm và lên phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.