Năm 2027 mới tăng thuế với mặt hàng bia?

Việc tăng thuế đối với rượu, bia được nhận định, dù mang lại những lợi ích nhất định về mặt xã hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp và người lao động trong ngành…

Việc tăng thuế với mặt hàng bia, rượu cần thực hiện theo lộ trình
Việc tăng thuế với mặt hàng bia, rượu cần thực hiện theo lộ trình

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11 Quốc hội nghe Tờ trình và tiến hành thảo luận tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Tại phiên thảo luận tổ, hầu hết các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng rượu, bia như đề xuất của Chính phủ.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để mở rộng cơ sở thu (như bổ sung vào đối tượng chịu thuế đối với nước giải khát có đường, áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia...), bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước, đảm bảo ổn định nguồn thu.

Dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có 4 chương và 12 điều (bao gồm các quy định chung; căn cứ tính thuế; hoàn/khấu trừ thuế và điều khoản thi hành). Về thuế suất, dự thảo quy định tăng thuế theo lộ trình đối với thuốc lá, rượu, bia từ giai đoạn năm 2026-2030 để giảm tiêu thụ, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; bổ sung thuế suất 10% với nước giải khát có đường.

Với nội dung trên, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, một số ý kiến đề nghị cân nhắc tính toán, đề xuất mức tăng hợp lý để có thể đạt được các mục tiêu đặt ra. Có ý kiến cho rằng, việc quy định thuế suất đối với bia bằng thuế suất đối với rượu trên 20 độ là chưa thực sự phù hợp vì tác hại của rượu hay bia phụ thuộc chính vào nồng độ cồn.

Trong phiên thảo luận tổ ở TP.HCM, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nhận định rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia cần đảm bảo hài hòa giữa việc tăng thu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu, cũng như đảm bảo các vấn đề về công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế.

Dẫn số liệu ngành bia đóng góp cho ngân sách khoảng 56.000 tỷ đồng/năm, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết con số này giảm vào năm 2023, xuống còn hơn 50.000 tỷ đồng trước hàng loạt khó khăn, thách thức của ngành.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động trực tiếp trong ngành bia cũng giảm hơn 6.000 người trong giai đoạn vừa qua. "Số lao động giảm chưa tính tới các ngành gián tiếp như bán lẻ, dịch vụ ăn uống…", đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ.

Do đó, vị đại biểu đoàn TP.HCM đề nghị việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia cần có lộ trình phù hợp. Với mức thuế suất 65% như hiện nay, ông Ngân kiến nghị giữ ổn định đến hết năm 2026, đến năm 2027 mới thực hiện tăng.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cũng nhất trí với việc cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, thuốc lá. Tuy nhiên, ông cũng kiến nghị cần cân nhắc lộ trình. Việc đánh thuế là đánh vào hành vi, đánh thuế cao sẽ giảm hành vi hút thuốc và uống rượu bia.

"Cần có lộ trình cho phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa nhà nước - doanh nghiệp - người dân"- đại biểu Tạ Văn hạ nêu quan điểm.

Liên quan đến dự thảo luật, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội còn đưa ra vấn đề áp thuế đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ. Theo đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ vì hiện nay. Bởi lẽ việc sử dụng điều hòa nhiệt độ đã trở nên phổ biến, không còn là mặt hàng xa xỉ như trước đây.

Do đó, trong trường hợp vẫn tiếp tục thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ thì chỉ thu thuế đối với các loại điều hòa sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC để khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường hoặc phân loại theo công suất thiết kế và không thu thuế đối với loại điều hòa có công suất thiết kế được sử dụng phổ biến, phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh còn nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về các nội dung khác như: Đối tượng không chịu thuế; thuế suất…

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...