Ngân sách sẽ giảm thu 25.000 tỷ nếu giảm 2% thuế VAT trong nửa năm 2025

Việc giảm thuế giá trị gia tăng VAT đang được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tạo động lực cho nền kinh tế…

Bộ Tài chính đề xuất giảm tiếp thuế VAT đến giữa năm 2025
Bộ Tài chính đề xuất giảm tiếp thuế VAT đến giữa năm 2025

Bộ Tài chính đang có động thái tích cực nhằm giảm gánh nặng thuế cho người dân và doanh nghiệp thông qua việc đề xuất giảm thuế VAT. Mặc dù vậy, để đảm bảo sự ổn định của thị trường và phân bổ nguồn lực hợp lý, một số ngành nghề tiếp tục không nằm trong diện được đề xuất giảm thuế.

Hiện, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng VAT trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng Nghị quyết nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước cũng như nền kinh tế.

Theo đề xuất của lãnh đạo ngành tài chính, chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT sẽ áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).

Đề xuất của Bộ Tài chính tiếp tục đưa một số ngành nghề vào diện "ngoại lệ" của chính sách giảm thuế VAT gồm : Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trước đó, từ 1/7, thuế VAT đã giảm 2% với hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10% và kéo dài tới hết năm nay, theo Nghị quyết của Quốc hội. Khác với các loại thuế khác, VAT có đặc điểm là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, nên khi giảm, cả hai đối tượng này sẽ cùng được hưởng lợi. Chính sách giảm thuế VAT đã được thực hiện trong các năm qua, góp phần giảm giá thành thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân.

Chính sách giảm thuế VAT được thực hiện từ 2022 đến nay, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19. Ba năm qua, giá trị khoản hỗ trợ từ chính sách này lên tới 123.800 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 51.400 tỷ đồng, đã góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021.

Năm 2023, việc giảm thuế trong 6 tháng cuối năm 2023 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 23.400 tỷ đồng. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022.

Năm 2024, số thuế VAT được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ước khoảng 49.000 tỷ đồng.

Việc kéo dài thời gian giảm thuế này tới hết tháng 6/2025 dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 25.000 tỷ đồng (tương đương 4.175 tỷ đồng một tháng). Trong đó, giảm ở khâu nội địa dự kiến 2.500 tỷ mỗi tháng và khâu nhập khẩu khoảng 1.500 tỷ đồng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm