Mới đây, Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam Hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE) đã tổ chức sự kiện Member Networking - Chào năm mới 2024 với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp thành viên và tiềm năng của VBCWE. Sự kiện được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, với hơn 20 đại diện của các công ty.
Chương trình là cơ hội để các doanh nghiệp thành viên cùng kết nối, chia sẻ những kế hoạch đầy giá trị của năm mới, tìm kiếm và thúc đẩy cơ hội hợp tác hiệu quả cùng VBCWE vì sự phát triển không chỉ của ba giá trị D, E&I (Đa dạng - Bình đẳng - Bao trùm), mà còn là để gia tăng cơ hội cùng thảo luận, chia sẻ về chủ đề việc làm, chất lượng việc làm cho nữ công nhân, người khuyết tật, đặc biệt là nữ sinh khuyết tật.
NÂNG CAO QUYỀN NĂNG CỦA PHỤ NỮ
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VBCWE cho biết, với vai trò là một thành viên trong mạng lưới 4 quốc gia của chương trình Investing in Women do Chính phủ Úc thành lập bao gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia và Myanmar, trong giai đoạn 5 năm đầu, VBCWE đã tập trung vào làm một trong chương trình mà lần đầu tiên có tại Việt Nam – Chương trình xây dựng bình đẳng giới tại nơi làm việc cho khu vực kinh tế tư nhân.
“Khi nói đến bình đẳng giới, trong tiềm thức của mọi người nghĩ rằng, đây là chuyện của Chính phủ, của các tổ chức xã hội. Trên thực tế, khi các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân phát triển, họ cũng đang làm rất nhiều công việc, giá trị liên quan đến bình đẳng giới. Trong bối cảnh cộng đồng nữ doanh nhân phát triển liên tục trong 15 năm vừa qua, các nữ lãnh đạo ở cấp trung và cao của các doanh nghiệp cũng đã được gia tăng theo tỷ lệ của nữ lãnh đạo. Vai trò thực sự của người phụ nữ được tham gia, được đóng góp vào sự phát triển của rất nhiều doanh nghiệp tư nhân - nơi tài năng của họ được ghi nhận, cơ hội thăng tiến được bình đẳng và các giá trị cống hiến của họ cũng được công nhận”, bà Hà Thu Thanh bày tỏ.
“Bước sang giai đoạn thứ 2, chúng tôi gọi là Kỷ nguyên ESG phát triển bền vững , thì chữ S nghĩa là Social (xã hội) hướng đến mục đích kiến tạo giá trị xã hội và tập trung vào những người yếu thế. Phụ nữ là người yếu thế hơn nam giới, đặc biệt tập trung vào các nữ công nhân trong khu công nghiệp. Đó là những người cơ hội việc làm ít, bấp bênh, chất lượng việc làm không ổn định, thu nhập cũng thấp và điều kiện sống chưa được đảm bảo. Việc tham gia vào cùng nhau hỗ trợ, xây dựng chính sách về Đa dạng - Bình đẳng - Bao trùm để tạo ra tác động xã hội nhiều thêm. Đó chính là mục đích của VBCWE”, Chủ tịch VBCWE nhấn mạnh.
Bà Hà Thu Thanh khẳng định, việc các thành viên tham gia vào mạng lưới của VBCWE không phải để có lợi ích mà để thể hiện các cam kết của từng doanh nghiệp trong việc tiên phong tạo ra giá trị bình đẳng cho phụ nữ trong công việc, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, mạng lưới thành viên của VBCWE là mạng lưới của những công ty đi đầu trong việc xây dựng giá trị Đa dạng - Bình đẳng - Bao trùm; đó là 3 trụ cột của chữ S trong kỷ nguyên ESG.
XÂY DỰNG BÌNH ĐẲNG GIỚI TẠI NƠI LÀM VIỆC
Tại sự kiện, bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý Đối ngoại cấp cao tại Nestlé Việt Nam đã chia sẻ về những kinh nghiệm triển khai và thúc đẩy D, E&I tại Nestlé với chủ đề “Hoạt động trao quyền cho phụ nữ - Nestlé đang làm gì để đảm bảo sự bình đẳng trong công ty?”.
Bà Thương dẫn lời của ông Paul Bulcke, Chủ tịch Tập đoàn Nestlé: “Đa dạng và hòa nhập là một phần không tách rời trong văn hóa của Nestlé, thông qua sự hiện diện tại hơn 189 quốc gia trên thế giới, bao gồm nhà máy sản xuất đặt tại 85 quốc gia và nhân viên từ hơn 100 quốc tịch, Nestlé Việt Nam đặt mục tiêu đảm bảo sự bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ trong môi trường làm việc”.
Trong suốt quá trình hoạt động, Nestlé Việt Nam đã thực hiện các chương trình thúc đẩy cân bằng giới và đã đo lường và công khai hoá kết quả thông qua báo cáo bền vững thường niên. Nestlé Việt Nam đã cam kết nâng cao quyền năng của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi hoạt động hàng ngày của mình.
Cũng tại sự kiện, bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc phát triển nhân tài, Deloitte Việt Nam - một trong những doanh nghiệp sáng lập của VBCWE đã có những chia sẻ về chủ đề "Chiến lược quản trị nhân tài dựa trên D, E&I". Theo đó, Deloitte áp dụng chiến lược Đa dạng và Bao trùm “ALL IN”, và thực hiện nguyên tắc 6C của nhà lãnh đạo hòa nhập: Sự cam kết - Lòng can đảm - Nhận thức về sự thiên vị - Tò mò - Sự hiểu biết văn hóa - Sự hợp tác (Commitment – Courage - Cognizance of Bias – Curiosity - Cultural Intelligence - Collaboration). Deloitte cũng cam kết đảm bảo (D, E&I) gắn liền với toàn bộ trải nghiệm của nhân viên và chia sẻ trong công ty.
Một ý kiến khác, bà Lê Thanh Hằng, Giám đốc điều hành VBCWE đã chia sẻ về mục tiêu và định hướng phát triển của VBCWE, nhằm tăng cường sự đa dạng và bình đẳng trong khối doanh nghiệp. Đồng thời, VBCWE cung cấp các giải pháp hỗ trợ như đào tạo, tư vấn và công cụ đánh giá bình đẳng giới để kết nối doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp tham gia VBCWE sẽ nhận được các giá trị như thể hiện sự tiên phong trong việc hướng tới phát triển bền vững, được công nhận và tôn vinh với các thành tựu và cam kết của mình trong việc thúc đẩy đa dạng, công bằng và hòa nhập. Hơn nữa, VBCWE còn mở ra cơ hội hợp tác trong nước và quốc tế thông qua việc kết nối với Đại sứ quán Úc và các doanh nghiệp của Úc.
Sự kiện Member Networking - Chào năm mới 2024 cũng đã diễn ra lễ Vinh danh 5 doanh nghiệp đạt giải Đa dạng, Bình đẳng và Hòa nhập, giải thưởng do VBCWE kết hợp với VBCSD trong trong khuôn khổ chương trình CSI 2023 bao gồm PNJ, SASCO, Regina Miracle, PAIHO, và Ngói Bê Tông SCG (Việt Nam).
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (VBCSD), đã trình bày tôn vinh 5 doanh nghiệp này và nhấn mạnh tầm quan trọng của Đa dạng, Bình đẳng và Hòa nhập trong phát triển bền vững, cũng như sự hợp tác giữa VBCSD và VBCWE.
Đặc biệt, sự kiện cũng đã chào đón các thành viên mới của VBCWE, gồm có Tập đoàn Đại Dũng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty Cổ phần Thương mại Xăng dầu Tân Sơn Nhất, và Tổng Công ty PISICO Bình Định.
Sự kiện đã kết thúc bằng lời chia sẻ của bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VBCWE, nhấn mạnh một lần nữa sứ mệnh của VBCWE là kết nối, chia sẻ và lan tỏa các giá trị về bình đẳng giới, văn hóa đa dạng và hòa nhập đến cộng đồng doanh nghiệp.
Được thành lập từ tháng 1/2018 trong khuôn khổ dự án Investing in Women - Đầu tư cho sự phát triển phụ nữ được tài trợ bộ Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam Hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE) là tổ chức tiên phong và chuyên nghiệp trong việc kết nối, hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng văn hóa đa dạng, hòa nhập gắn với bình đẳng giới tại nơi làm việc – nền tảng quan trọng của sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.