Các đại biểu cùng thảo luận về vấn đề bình đẳng giới tại nơi làm việc tại Việt Nam
Sự kiện được diễn ra bởi sự phối hợp giữa UN Women và Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) trực thuộc VCCI với sự tham gia và chủ trì của bà Elisa Fernanez Saenz, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cùng các doanh nghiệp lớn như KPMG, Nestle, Canon, SAP…cùng 65 doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh lân cận. Diễn đàn đã mở ra một không gian thảo luận cởi mở và đa dạng giữa các CEO và quản lý điều hành cấp cao, đại diện các công ty đã ký kết ủng hộ WEP và các doanh nghiệp tham dự.
Diễn đàn cũng là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu về lợi ích của việc tạo ra môi trường làm việc bình đẳng, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm thực tế của Việt Nam, làm quen với các nguyên tắc và công cụ thúc đẩy bình đẳng giới. Tại diễn đàn, nhiều CEO của các doanh nghiệp đã ký cam kết ủng hộ WEP.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) (bên trái) trao đổi cùng các đại biểu bên lề hội thảo
Trong bài phát biểu khai mạc, bà Elisa Fernandez Saenz nhấn mạnh: “Chúng ta cùng ở đây để thảo luận những phương án cụ thể mà khu vực tư nhân có thể giúp tăng quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, trên thị trường và tại cộng đồng. Những ví dụ tiêu biểu hôm nay từ các doanh nghiệp chứng tỏ rằng bình đẳng giới không phải chỉ là việc tốt cho phụ nữ mà sẽ thực sự mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Với tư cách là Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, chúng tôi tự hào cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam hướng đi để đạt được sự bình đẳng hơn thông qua các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs)”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) cũng khẳng định, thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho lao động năm và nữ trong doanh nghiệp sẽ giúp phát huy thế mạnh, sự sáng tạo của cả hai giới, góp phần tăng năng suất lao động, tăng danh tiếng, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững doanh nghiệp. WEP là một công cụ tốt để các doanh nghiệp đạt được điều đó.
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ một số thực hành tốt về việc tăng quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc
Tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia đầy đủ vào nền kinh tế là điều cần thiết để xây dựng kinh tế vững mạnh, thiết lập một xã hội ổn định và công bằng hơn. Theo nghiên cứu của McKinsey (2015), phụ nữ đóng vai trò bình đẳng trong thị trường lao động có thể giúp GDP hàng năm của toàn cầu tăng thêm tới 28 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Các nghiên cứu hiện nay cũng chứng minh rằng tính đa dạng về giới giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, cho thấy lợi ích cá nhân và lợi ích chung có thể song hành.
Tại Việt Nam, phụ nữ chiếm 48% tổng lực lượng lao động của cả nước (Tổng Cục thống kê Việt Nam, 2017). Tuy nhiên còn nhiều rào cản ảnh hưởng tới sự tham gia và tiếp cận bình đẳng của phụ nữ tới các cơ hội kinh tế như tình trạng phụ nữ thường chịu trách nhiệm về công việc chăm sóc không được trả lương, giờ làm việc không linh hoạt, khoảng cách về giới trong thu nhập cũng như thiếu hụt trong bảo trợ xã hội và bảo hiểm sức khoẻ.
Toàn cảnh hội thảo
Phụ nữ có xu hướng tập trung vào nền kinh tế phi chính thức và ngành nghề có mức thu nhập thấp dễ bị tổn thương, làm việc bán thời gian hoặc rút khỏi lực lượng lao động hoàn toàn. Trong doanh nghiệp tư nhân, phụ nữ ít có khả năng được thăng chức và có khuynh hướng bị thụt lùi trong phát triển sự nghiệp. Theo một nghiên cứu của Deloitte (2017) dựa trên một số mẫu giới hạn, các doanh nghiệp Việt Nam có dưới 18% phụ nữ tham gia trong các ban điều hành và chỉ có 7% công ty được lãnh đạo bởi một CEO nữ.
Trong bối cảnh này, các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ do cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và UN Global Compact giới thiệu là cơ hội để thu hẹp các khoảng cách giới hiện tại bằng cách nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và lồng ghép giới trong quản trị doanh nghiệp. Cho tới nay đã có gần 2.000 công ty cam kết ủng hộ các nguyên tắc này trên toàn cầu, trong đó có 34 công ty điện tử Việt Nam.