Nên tạm dừng thu phí, rà soát BOT Cai Lậy

Đại biểu Trần Quang Chiểu cho rằng trước mắt phải tạm dừng thu phí ở BOT Cai Lậy, sau đó rà soát lại toàn bộ trạm BOT trên cả nước.
Nên tạm dừng thu phí, rà soát BOT Cai Lậy

Chiều 4/12, trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) vẫn tục phải xả trạm để tránh ùn tắc giao thông. Sự việc này đang khiến các cơ quan chức năng và chủ đầu tư bối rối. Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang thì thừa nhận diễn biến ở trạm thu phí đã vượt khỏi tầm kiểm soát của địa phương. Vấn đề được đặt ra, trước mắt các cơ quan chức năng cần làm gì để giảm bớt “nhiệt” ở trạm BOT này.

Tạm dừng thu phí

Đại biểu Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cho rằng để hạ nhiệt sự việc BOT Cai Lậy giải pháp trước mắt là tạm dừng thu phí.

Người dân, lái xe ngày càng phản đối ngày một quyết liệt và khó đoán. Nếu để sự việc dai dẳng chắc chắn sẽ xảy ra hậu quả.

“Rõ ràng vị trí trạm đã đặt sai. Tất nhiên di dời trạm về đúng nơi là điều bắt buộc phải làm. Nhưng để yên dân, cần phải tạm dừng thu phí”, đại biểu Chiểu nói.

Vị này cho rằng việc sau khi hạ nhiệt BOT Cai Lậy, Nhà nước phải rà soát lại toàn bộ trạm BOT trên cả nước. Những trạm đặt sai quy hoạch cần phải loại bỏ. Còn đối với trạm Cai Lậy, Nhà nước nên mua lại để quản lý công khai, minh bạch hơn.

Bộ GTVT nên xin lỗi người dân

Đó là khẳng định của chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức (chuyên gia của JICA).

Ông Đức khẳng định để giảm sức nóng tại trạm BOT Cai Lậy trước hết Bộ GTVT cần phải ra ngay quyết định tạm dừng thu phí. Việc sử dụng “điệp khúc” xả - thu chỉ là biện pháp tình thế và không giải quyết được vấn đề.

“Sau khi dừng thu phí, Bộ GTVT cần xin lỗi người dân về việc đặt trạm thu phí này sai vị trí. Ai sai người đó phải sửa, phải xin lỗi”, ông Đức nói.

Để hạ nhiệt ở trạm BOT Cai Lậy, giải pháp trước mắt là tạm dừng thu phí. Đồ họa: Minh Trí

Theo ông Đức, có 3 phương án để xử lý triệt để “khủng hoảng” tại BOT Cai Lậy.

Thứ nhất, dời trạm sang đường tránh. Ngân hàng có chính sách hỗ trợ chủ đầu tư.

Thứ hai, Nhà nước mua lại trạm BOT Cai Lậy để quản lý.

Thứ ba, lập hai trạm thu phí. Một trạm ở đường tránh thu phí hoàn vốn cho chủ đầu tư xây dựng tuyến tránh. Một trạm trên quốc lộ 1 để thu phí hoàn vốn cho cải tao đường quốc lộ 1. Dĩ nhiên mức phí sẽ căn cứ vào mức đầu tư để có quyết định hợp lý.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng với tư cách là tư lệnh ngành, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nên xuống BOT Cai Lậy gặp các lái xe, người dân. Sự xuất hiện của Bộ trưởng sẽ giúp tình hình tại BOT Cai Lậy bớt nóng.

“Bộ trưởng hãy lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân và có đề xuất Chính phủ hướng giải quyết. Đó là việc cần phải làm trong thời điểm hiện tại. Còn xả trạm, giảm phí ở BOT Cai Lậy không phát huy được tác dụng”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

Vị này cũng cho hay sự việc ở Cai Lậy đã xảy ra nhiều tháng. Nếu lãnh đạo Bộ GTVT xuống đối thoại sớm với lái xe, người dân thì diễn biến sẽ không phức tạp như hiện tại.

Dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 qua đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường theo hình thức hợp đồng BOT được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2009.

Dự án này bao gồm xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy 12 km và cải tạo mặt đường quốc lộ 1 dài 26,5 km với tổng kinh phí trên 1.300 tỷ đồng.

Trong đó, phần xây mới tuyến tránh có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng. Phần cải tạo quốc lộ 1 là trên 300 tỷ đồng.

Dự án được khởi công vào năm 2014, hoàn thành 7/2017. Để hoàn vốn, nhà đầu tư được lập trạm thu phí tại km1999+900 để thu phí trong vòng 7 năm 5 tháng.

Trạm BOT Cai Lậy chính thức thu phí từ ngày 1/8. Sau hai tuần hoạt động, ngày 15/8, BOT Cai Lậy cho xả trạm, ngừng thu phí. Các tài xế cho rằng trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1 là không hợp lý, mức phí quá cao nên phản đối bằng cách đưa tiền lẻ, gây kẹt xe, buộc chủ đầu tư phải nhiều lần phải xả trạm.

Sau đó, Bộ GTVT đã họp, thống nhất giảm giá vé cho tất cả các phương tiện. Cụ thể, mức phí thấp nhất với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 25.000 đồng/lượt (trước 35.000 đồng), mức cao nhất 140.000 đồng (trước 180.000 đồng) với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe đầu kéo container trên 40 feet.

Theo chủ đầu tư, mức phí sẽ giảm 30% so với trước đây. Người dân tại 4 xã, gồm Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An (huyện Cai Lậy) được miễn phí qua trạm nếu như không kinh doanh vận tải.

Theo Zing

news.zing.vn/nen-tam-dung-thu-phi-ra-soat-bot-cai- https://news.zing.vn/nen-tam-dung-thu-phi-ra-soat-bot-cai-lay-post801285.html

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…