Hãy cùng khám phá một miền cố đô "rất khác" ấy!
Người ta vẫn hay có câu “Huế không chỉ đẹp mà còn thơm”. Chính là đang nói về làng hương Thủy Xuân - làng nghề hương trầm truyền thống nổi tiếng xứ Huế. Nếu bạn muốn tìm một Huế vừa độc đáo, vừa dung dị thì Xuân Thuỷ chính là nơi cất giấu những điều đó.
Đến làng Thủy Xuân, khách du lịch sẽ dễ dàng bị mê hoặc bởi mùi hương, sắc màu xanh, đỏ, vàng, nâu, chàm bắt mắt. Tất cả tạo nên một làng hương nổi bật, nhưng cũng rất đời thường qua nét đẹp con người đất Cố đô.
Ảnh: Trương Tri Trúc Diễm
Hoa hậu Trương Tri Trúc Diễm
Đã bao giờ bạn tự hỏi, để làm nên một cây hương nhỏ cần trải qua những bước nào? Được biết, mỗi cây hương nhỏ sẽ có 3 công đoạn chính gồm tăm hương, bột trầm và se hương.
Tăm hương được làm từ lõi ruột tre già. Màu sắc của chân hương được tạo ra bằng cách nhúng vào các loại bột màu trong nước nóng. Sau đó sẽ đem phơi khô ráo.
Tiếp theo là làm bột hương. Theo các nghệ nhân, hương là sản phẩm tâm linh, ở làng Thủy Xuân người ta thường dùng đến hoa hồi, sả, hoa nhài, bạch đàn, đinh hương, hoa bưởi, quế chi, thảo quả, nụ trầm…đem trộn đều với nước và trộn cho đến khi bột dẻo quánh thì sẽ tiến hành bước se hương.
Ảnh: Trương Tri Trúc Diễm
Se hương là công đoạn cuối cùng. Đây được xem là quy trình khó và quyết định thẩm mỹ của cây hương. Nghệ nhân se hương phải thật khéo léo, khi lăn bột phải thật nhẹ để bột bám vào tăm hương. Se xong phải đem hương phơi đủ nắng để hương không bị mốc khi bảo quản.
Nếu du khách muốn trải nghiệm, có thể tự tay làm ra những cây hương trầm thơm ngát. Ở làng nghề còn có nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm hương, du khách có thể tham quan và mua loại hương mình thích để dâng lên các điểm di tích, du lịch tâm linh trong hành trình khám phá xứ Huế.
Mùa hoa ngô đồng trong Hoàng cung Huế
Tham quan Đại Nội Huế vào tháng 2-3 âm lịch hàng năm, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng hoa ngô đồng nở. Được mệnh danh là loài hoa vương giả, hoa cây ngô đồng gắn với hình ảnh vương triều nhà Nguyễn.
Nguồn: Internet
Ngay từ khi đặt chân đến cổng thành Huế, bạn sẽ trông thấy những cánh hoa ngô đồng màu hồng phấn đẹp mê ly. Bên trong Đại Nội, hình ảnh cây hoa ngô đồng vươn lên thẳng tắp càng nổi bật hơn. Ở cây ngô đồng, khách tham quan sẽ thấy dáng dấp một loài cây khắng khiu, nhưng màu hoa lại toát lên sự dịu dàng, thanh tao như thiếu nữ Huế trong tà áo dài.
Nguồn: Internet
Theo sử liệu, cây ngô đồng trong Hoàng cung do vua Minh Mạng cho người đem giống từ Trung Quốc về trồng. Những địa điểm đầu tiên được chọn trồng cây ngô đồng là điện Thái Hoà, điện Cần Chánh và một số nơi quan trọng khác trong Hoàng cung. Hoa ngô đồng còn được khắc nổi trên Nhân Đỉnh đặt trước Thế Miếu.
Cung An Định
Giữa hàng trăm di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế, cung An Định mang một kiến trúc hoàn toàn khác biệt. Với sự giao thoa kiến trúc Á-Âu, cung An Định được thiết kế xây dựng như một toà lâu đài cổ kính, hoa văn độc đáo mà vẫn thuộc về lối trang trí truyền thống cung đình.
Cung An Định được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới, tiêu biểu cho trường phái kiến trúc tân - cổ điển ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Ảnh: Blogger Mavis Vi Vu Ký
Ấn tượng với du khách lần đầu đến cung An Định chính là các hoạ tiết mang đậm văn hoá phuơng Đông của cống chính như hổ, phượng, rồng. Các cặp trụ giả thì được đắp nổi theo phong cách Roman.
Điểm nhấn nổi bật nhất cung An Định chính là lầu Khải Tường, được ví như một toà lâu đài châu Âu. Hoạ tiết nơi đây trang trí theo phong cách Roman, đan xen cung đình phương Đông.
Nguồn: Internet
Tham quan lầu Khải Tường, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 6 bức tranh tường được đánh giá là kiệt tác nghệ thuật Việt Nam đầu thế kỷ 20. Nội dung những bức tranh này là phác hoạ lại hình ảnh sáu lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn.
Cổng Ngọ Môn
Cổng Ngọ Môn là công trình kiến trúc đặc sắc, một trong những hình ảnh tiêu biểu trong Quần thể di tích cố đô Huế - Di sản văn hoá thế giới.
Nguồn: Internet
Ngọ Môn là cửa chính của Đại Nội, cổng cao hơn 6 mét gồm đài cổng và lầu Ngũ Phụng. Ban ngày cổng Ngọ Môn mang vẻ đẹp uy nghiêm, tráng lệ, ban đêm huyền bí và rực rỡ nhờ hệ thống đèn chiếu.
Ảnh: Mavis Vi Vu Ký
Trường Quốc học Huế
Trường Quốc học Huế (nay là trường THPT chuyên Quốc học – Huế) nổi tiếng có bề dày lịch sử hơn 100 năm, với lối kiến trúc độc đáo giao thoa giữa Đông – Tây. Đây được xem là cái nôi đào tạo nhiều học sinh, giáo viên giỏi.
Nhắc đến trường Quốc học Huế người ta liền nghĩ ngay đến những dãy nhà với gam màu đỏ nâu đầy bắt mắt trường tồn theo thời gian. Ngày nay, trường Quốc học trở thành điểm tham quan, du hút du khách thập phương.
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet
Cổng trường Quốc học được thiết kế hình cái chuông, một trong những biểu tượng văn hoá lâu đời ở phương Đông.
Huế luôn đem đến sự dịu dàng và có lúc cũng "rất khác" như thế đấy. Cổ kính mà vẫn rực rỡ sắc màu, thanh tao nhưng cũng rất cuốn hút.
"Bí kíp" du lịch cố đô Huế
Thời điểm thích hợp nhất đến Huế
Huế là vùng đất chuyển giao thời tiết giữa hai miền Nam - Bắc nên cũng giảm bớt sự khắc nghiệt và tương đối ôn hòa.
Thời điểm lý tưởng nhất đến Huế du lịch là tầm tháng 1 - tháng 5, thời tiết dễ chịu và ít mưa. Còn nếu đi vào dịp hè - tháng 6 đến tháng 8 thì trời ít mưa nhưng sẽ cực kỳ nóng.
Bạn nên hạn chế đi Huế vào tháng 9 - tháng 12 vì sẽ rất dễ gặp mưa dầm, không đi chơi được nhé.
Phương tiện di chuyển
Để di chuyển đến Huế bạn có thể chọn 1 trong 3 phương tiện là máy bay, xe khách hoặc tàu hỏa. Nếu đi bằng máy bay, bạn có thể bay thẳng đến sân bay của Huế luôn. Tuy nhiên, Mavis có một lựa chọn với giá tốt và chill hơn đó chính là bay đến Đà Nẵng, sau đó đi tàu hỏa đến Huế. Vì thường thì bay đến Đà Nẵng giá vé bay sẽ rẻ hơn là đến Huế.
Ngoài ra bạn còn trải nghiệm được chuyến tàu hỏa mà theo Mavis thấy là có view đẹp nhất Việt Nam luôn ấy!Chiều về nếu bạn không muốn đi tàu nữa do trải nghiệm đủ rồi thì có thể đi xe khách/ limousine về Đà Nẵng hoặc bay thẳng từ sân bay Huế về nhé.
Chỗ ở
Ở Huế có nhiều khách sạn, homestay với nhiều phân khúc giá khác nhau. Mavis chọn ở homestay S M L XL - một homestay theo kiến trúc minimalist có nhiều góc chụp ấn tượng. Các bạn nhân viên nhiệt tình, phòng sạch sẽ và rất thuận tiện di chuyển đến các địa điểm ở Huế.
(Theo Blogger Mavis Vi Vu Ký)