Để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, gấp đôi chỉ tiêu tăng trưởng GDP.
Đồng thời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Theo đó, nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được chủ động kiểm soát chỉ tiêu này năm nay.
Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận tín dụng như ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản thủ tục vay vốn, triển khai nhiều chương trình ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Nhà điều hành cũng chỉ đạo các nhà băng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, các đối tượng được tạo điều kiện vay vốn có cả chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà, nhà thầu xây dựng và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản.
Theo đó, ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói cho vay phù hợp với mỗi nhóm khách hàng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đơn cử như chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã tăng từ 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng và hiện đạt 100.000 tỷ đồng. Tương tự, chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long cũng đang được triển khai rộng rãi.
Hay như chương trình tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP hiện đã nâng quy mô lên 145 nghìn tỷ đồng.
Chia sẻ tại một sự kiện mới đây, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ngân hàng ACB cho biết, ngân hàng đã triển khai gói hỗ trợ tổng quy mô 40.000 tỷ đồng, trong đó 20.000 tỷ dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, 20.000 tỷ dành cho các doanh nghiệp lớn đầu tư hạ tầng, công nghệ số để thúc đẩy tín dụng theo chuỗi. Lãi suất của gói tín dụng này thấp hơn lãi suất thông thường từ 2% trở lên.
Ngân hàng HDBank cũng đã tung ra gói tín dụng 20.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp hiện hữu và khách hàng mới. Trong đó, ưu tiên dành cho các doanh nghiệp thuộc danh sách do Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố - những đơn vị có chiến lược phát triển bền vững và tiềm năng dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.
HDBank cho biết, mục tiêu của gói tín dụng này là giúp doanh nghiệp chủ động triển khai kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng và đẩy mạnh chuyển đổi số. Từ đó, thúc đẩy đầu tư hạ tầng và công nghệ số - 2 động lực tăng trưởng chiến lược của giai đoạn 2025 - 2030.
Thông tin tại họp báo Chính phủ ngày 6/5, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước và các nhà băng đang chuẩn bị để triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD) cho vay lĩnh vực hạ tầng và công nghệ số.
Gói tín dụng quy mô lớn này nhằm tạo nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào dự án hạ tầng trọng điểm và công nghệ số, sản xuất thông minh - tiền đề để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hai chữ số trong giai đoạn tới.
Theo Phó thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với 21 ngân hàng thương mại, lên kế hoạch triển khai gói này. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) đăng ký tham gia 240.000 tỷ đồng, tương đương mỗi nhà băng 60.000 tỷ. Ngoài ra, 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký 20.000 tỷ đồng mỗi đơn vị; 5 nhà băng khác tham gia khoảng 4.000 tỷ đồng mỗi đơn vị.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, gói tín dụng 500.000 tỷ đồng sẽ hoàn toàn không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước hay vốn vay nước ngoài.
Việc để các ngân hàng thương mại sử dụng nguồn vốn huy động của mình để cấp tín dụng, kết hợp với việc cơ cấu lại khoản vay, kéo dài thời hạn cho vay và tham gia đồng tài trợ các dự án lớn, không chỉ giúp nâng cao tính linh hoạt trong cung ứng vốn mà còn góp phần giảm áp lực lên ngân sách nhà nước. Đồng thời, cách làm này vẫn đảm bảo hỗ trợ hiệu quả cho các lĩnh vực đang có nhu cầu vốn trung và dài hạn.
Trong báo cáo trình Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 15/4/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024 và tăng 18,19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thời gian qua là mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 10/4, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản giải ngân mới của các ngân hàng ở mức 6,34%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.