Cụ thể, tiền gửi vào ngân hàngcủa nhóm khách hàng tổ chức kinh tế tăng tăng mạnh thêm gần 105 nghìn tỷ đồng và đạt 5,78 triệu tỷ đồng. Dù vậy, mức tăng này vẫn chưa bù lại được mức sụt giảm hơn 170.000 tỷ đồng của 2 tháng trước đó.
Tiếp đến là tiền gửi của dân cư vẫn tăng trưởng dương nhưng tốc độ đã chậm lại đáng kể. Cụ thể, tính đến cuối tháng 9, nhóm khách hàng này đã tăng thêm 1.436 tỷ so với cuối tháng 8, đạt 5,63 triệu tỷ đồng. Trong khi, trước đó, trong tháng 7, tháng 8, tiền gửi dân cư tăng thêm hơn 17.500 tỷ đồng.
Dù có diễn biến tích cực, nhưng tiền gửi của toàn hệ thống ngân hàng cuối tháng 9 vẫn còn thấp hơn so với mức đỉnh đạt được hồi cuối tháng 6 (hơn 11,46 triệu tỷ đồng).
Tính từ đầu năm đến nay, tiền gửi của toàn hệ thống ngân hàng tăng hơn 475 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 4,33%. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng cao nhất 6,38%, trong khi các doanh nghiệp tăng 2,43%.
Được biết, tốc độ tăng trưởng tiền gửi vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng tới 11,05%, đạt hơn 11,57 triệu tỷ đồng.
Và mức chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng đã chuyển sang trạng thái âm kể từ tháng 7, gây sức ép lên thanh khoản của nhiều nhà băng.
Để thu hút người gửi tiền, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành từ cuối tháng 9. Cùng với đó các ngân hàng thương mại cũng bắt đầu bước vào “cuộc đua” tăng lãi suất huy động với mức tăng rất mạnh.
Đến hiện tại, nhiều ngân hàng đã tăng thêm 3-3,5%/năm cho các kỳ hạn dài và các kỳ hạn ngắn cũng đã tăng thêm khoảng 2%/năm.
Hiện, những ngân hàng lớn như Sacombank, Techcombank, VPBank, SHB,…đã niêm yết lãi suất huy động trên 9%/năm.
Trong khi ở nhóm ngân hàng nhỏ để mức lãi suất cao hơn khoảng 10%/năm. Nổi bật như tại GPBank, khi khách hàng gửi tiền tại quầy và đáp ứng một số điều kiện về số dư tối thiểu, là khách hàng hạng vàng có thể được nhận lãi suất tới 10%/năm.
Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng khác cũng có lãi suất trên 9,5%/năm, như Kienlongbank, SCB, MSB, VIB, Oceanbank,…