Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam (NHNN) vừa phát đi thông báo về việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Theo đó, từ ngày 16/9/2019, lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Ngay sau khi thông tin giảm lãi suất, nhóm cổ phiếu ngân hàngđã tăng trưởng mạnh, đặc việt là VCB (Vietcombank) đã thiết lập mức đỉnh mới khi tăng lên 2.400 đồng, tương đương 3% lên 81.900 đồng/cp. Tại mức giá này, VCB đã tăng 53% so với đầu năm, nâng mức vốn hoá thị trường của Vietcombank đã lên tới 303.757 tỷ đồng (12,9 tỷ USD).
Đà tăng của VCB có thể đến từ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 11.303 tỷ đồng, tăng tới 41% so với cùng kỳ. Theo đó, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí số một về lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng. Lãi từ hoạt động dịch vụ của Vietcombank tăng gần 24% đạt 2.145 tỷ đồng và thuộc top đầu trong hệ thống.
Ngoài ra, thông tin Prudential và FWD là 2 trong số các doanh nghiệp đang tìm cách giành quyền phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm thông qua mạng lưới của Vietcombank cũng là yếu tố hỗ trợ đà tăng cổ phiếu. Vietcombank được cho sẽ nhận khoản thanh toán ban đầu khoảng 400 triệu USD và con số có thể cao hơn dựa trên hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, VCB hiện nằm trong các rổ chỉ số lớn như VN30 Index, FTSE Vietnam Index, MVIS Vietnam Index, MSCI Frontier Index…và điều này cũng là yếu tố thu hút dòng tiền vào cổ phiếu.
Tương tự VCB, cổ phiếu BID (BIDV) cũng tăng 3,1% lên 39.850 đồng/cp, tăng gần 16% so với đầu năm; TCB (Techcombank) tăng 3,2% lên 22.650 đồng/cp; cổ phiếu CTG (Vietinbank) tăng 3,5% lên 20.850 đồng/cp; VPB (VPBank) tăng 1% lên 20.700 đồng/cp; MBB tăng 1% lên 23.300 đồng/cp; các cổ phiếu ngân hàng khác như ACB, TPB, VIB...cũng ghi nhận mức tăng trên 1%.
Về động thái của NHNN, các nhà phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng và nhiều NHTW các nước khác trên thế giới đã cắt giảm lãi suất, NHNN Việt Nam cũng không muốn đứng ngoài xu hướng trên.
Tuy vậy, ở góc độ thực tế, tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu...Việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2).
Thêm vào đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ NHNN khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng. Ngay cả đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 mới đây cũng có tác động rất hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.
>> NHNN bất ngờ công bố giảm một loạt lãi suất điều hành từ 16/9