OCB lên kế hoạch tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng, chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14,2%
OCB cũng đặt mục tiêu sẽ đạt 2.000 tỷ lợi nhuận trước thuế trong năm nay, cao gấp đôi năm ngoái, đồng thời sẽ tiếp tục triển khai việc thành lập hoặc mua lại công ty tài chính, thành lập công ty quản lý nợ.
Ngày 31/3/2018, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) sẽ tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2018 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án tăng vốn điều lệ, chia cổ phiếu thưởng…
Theo tài liệu họp vừa công bố, năm 2018, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn. Cụ thể, phấn đấu lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi năm trước, đạt mốc 2.000 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 37%, đạt 115.700 tỷ đồng. Tổng huy động vốn tăng trưởng 36%, dư nợ cho vay thị trường 1 (không bao gồm trái phiếu VAMC) mục tiêu tăng 25%.
Báo cáo về kết quả kinh doanh năm 2017, OCB cho biết ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 110% so với năm trước, đạt 1.018 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng thị trường 1 tăng 25%, nợ xấu kiểm soát ở mức thấp 1,48%. Huy động thị trường 1 tăng 30,5%.
Trong năm 2017, ngân hàng đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên mức 5.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2016. Dù vậy, mức vốn của OCB hiện còn quá khiêm tốn so với các ngân hàng cùng nhóm. Do đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2018, HĐQT dự kiến trình lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng thông qua 2 đợt phát hành cổ phần.
Đợt 1, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ lên 6.699 tỷ đồng, bao gồm chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14,2% cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến 31/12/2017, tương ứng giá trị dự kiến là 695 tỷ đồng. Đồng thời, OCB sẽ phát hành thêm 20,5% cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu với giá bằng mệnh giá (10.000 đồng/CP), tổng giá trị dự kiến là 1.004 tỷ đồng.
Đợt 2, ngân hàng tăng vốn điều lệ từ 6.699 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng bằng phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc. Trong đó đối tượng chọn lọc bên ngoài và cổ đông hiện hữu tham gia đợt phát hành riêng lẻ không bao gồm các cổ đông sở hữu mức cổ phần trọng yếu, thành viên HĐQT, thành viên BKS và Tổng Giám đốc.
Cùng với kế hoạch tăng vốn, OCB cũng trình kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE và thành lập công ty tài chính, công ty quản lý tài sản. Đến thời điểm này, OCB đã có Khối khách hàng Đại chúng hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng; đang hoạt động hiệu quả, quy mô phát triển nhanh… đòi hỏi phải tách thành công ty tài chính độc lập để thuận lợi cho quản lý kinh doanh và quản trị rủi ro. Trường hợp mua lại một Công ty tài chính khác thì mức tối thiểu sở hữu của OCB là 70% vốn điều lệ của công ty này.
Đồng thời, ngân hàng cũng có dự tính sẽ thành lập công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, là công ty TNHH một thành viên do ngân hàng sở hữu 100% vốn điều lệ (vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng).
Thời gian qua, trên sàn chứng khoán OCB gây chú ý khi cổ đông lớn Vietcombank buộc phải thực hiện thoái vốn tại OCB. Cuối tháng 12/2017, Vietcombank cũng đã đấu giá gần 18,9 triệu cổ phần OCB với giá khởi điểm cũng 13.000 đồng/CP, song chỉ có 13,16 triệu cổ phiếu được đăng ký mua với giá cao nhất là 14.500 đồng và thấp nhất là 13.000 đồng. Sau đợt thoái vốn này, tỷ lệ sở hữu của Vietcombank tại OCB đã giảm từ 4,72% xuống 3,97%.
Tháng 3/2018, Vietcombank tiếp tục đăng kí bán hơn 6.672.444 cổ phần OCB. Giá khởi điểm mà Vietcombank đưa ra là 13.000 đồng/CP. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến là 10h00 ngày 17/4/2018.