Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm

Ngày 15/1, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong báo cáo giải trình của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều, tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Về tổ chức, quản trị điều hành của tổ chức tín dụng (chương IV), có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “đủ điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước” trong đoạn “lựa chọn một tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước” tại khoản 1 điều 59 của dự thảo luật.

Chính phủ đề xuất chỉnh lý điều 47, 48 theo hướng tăng nghĩa vụ của người quản lý, người điều hành và quyền đình chỉ, tạm đình chỉ của Ngân hàng Nhà nước; đề xuất chỉnh lý khoản 2 điều 51 theo hướng tăng số lượng thành viên ban kiểm soát của ngân hàng thương mại tối thiểu từ 3 thành viên lên 5 thành viên.

Đối với khoản 1 điều 59, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý như sau: “Trước khi kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập đáp ứng yêu cầu theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán hoạt động kiểm soát nội bộ đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính trong năm tài chính tiếp theo”.

Về nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý (điều 113), Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định tại khoản 2 điều 113 và tương tự tại các điều tương ứng với từng loại hình tổ chức tín dụng như sau: “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”.

Đối với quy định về giới hạn cấp tín dụng (điều 136), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định lộ trình cụ thể tại khoản 1 điều 136 với thời hạn giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm từ khi luật có hiệu lực đến năm 2029.

Tiếp thu ý kiến đối với quy định về dự phòng rủi ro (điều 147), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý theo hướng Chính phủ quy định mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khoản 3 điều 147) do các nội dung này có liên quan đến các quy định về chế độ kế toán, thuế thu nhập doanh nghiệp... Vì vậy cần có ý kiến tham gia của các bộ, ngành khác, đối với việc phân loại tài sản là nội dung chuyên môn của lĩnh vực ngân hàng thì thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Về can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (chương IX), giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp.

Về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng (chương X), Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc các trường hợp được quy định cụ thể trong dự thảo luật.

Để có cơ sở xử lý các tình huống đặc biệt có thể phát sinh, kế thừa Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, dự thảo luật quy định trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất".

Về chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng (chương XIII), Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với quy định về điều khoản thi hành (chương XV), dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 quy định luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng dự thảo luật có nhiều nội dung giao hướng dẫn, quy định chi tiết, cụ thể Chính phủ gồm 9 nội dung, Thủ tướng Chính phủ với 1 nội dung, Ngân hàng Nhà nước với 28 nội dung.

Đồng thời, để các tổ chức tín dụng có thời gian chuẩn bị các nội dung về quản trị, điều hành, hoạt động phù hợp với quy định của luật này sau khi được ban hành và đồng bộ với hiệu lực thi hành của một số luật liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý hiệu lực thi hành của luật từ ngày 1/1/2025.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt (chương XI); xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (chương XII); quy định chuyển tiếp đối với nghị quyết số 42/2017/QH14 (điều 210)…

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...