Ngành ngân hàng hỗ trợ người dân khôi phục lại sản xuất, kinh doanh bị thiệt hại do mưa lũ
Theo đó, các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng được vay mới khôi phục sản xuất sau lũ; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng theo các quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh chịu thiệt hại do lũ phối hợp với các Sở, ban, ngành trên địa bàn chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho người dân, đồng thời báo cáo định kỳ hàng tháng kết quả triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ của ngành trên địa bàn về NHNN.
Hưởng ứng sự vận động của Thống đốc NHNN, cán bộ, viên chức ngành ngân hàng và các NHTM nhà nước ngay lập tức tổ chức kêu gọi, vận động ủng hộ trong toàn ngành để tổ chức thăm hỏi đối với các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để động viên người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất; thực hiện công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Tổng số tiền ủng hộ tính đến thời điểm hiện tại là hơn 12,3 tỷ đồng. Trong đó, 4 tỷ đồng xây dựng trường tiểu học xã Nặm Păm huyện Mường La, Sơn La; 3 tỷ đồng xây dựng trường Tiểu học và Trung học Võ Thị Sáu, thị trấn Mù Cang Chải, Yên Bái là những ngôi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lũ; bên cạnh đó, hơn 3 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ gia đình có nhà bị sập, các hộ gia đình có người chết, mất tích. Hơn 2 tỷ đồng còn lại hỗ trợ giống cây trồng để khôi phục sản xuất; hỗ trợ sách vở, nhu yếu phẩm cho 15 điểm trường và cho học sinh trước kỳ khai giảng năm học mới./.
>> Sacombank không thiệt hại, vì sao ông Trầm Bê bị bắt?