Ngành thép vẫn chưa thoát “cơn bĩ cực”

Tốc độ sản xuất thép thô của các nhà máy tại Việt Nam đang chững lại trong vài tháng gần đây, dù cao hơn mức đáy cuối năm ngoái nhưng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
CDE-963209.jpg
Ngành thép vẫn chưa thấy ánh sáng

Mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới nhưng VDSC dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023.

GIÁ THÉP CÀI SỐ LÙI

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thô đạt 9 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ đạt 9 triệu tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu thép thô đạt 940 ngàn tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 5, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,1 triệu tấn thép, tăng 16,43% so với tháng 4/2023 và tăng 52,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 931 triệu USD, tăng 14,53% so với tháng trước và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong tháng 5/2023 là: Khu vực ASEAN (29,9%), khu vực EU (25,98%), Brazil (7,22%), Mỹ (4,55%), và Đài Loan (3,29%).

Việc phát triển đa dạng xuất khẩu sản phẩm là một mặt nhưng đồng thời cơ cấu thị trường xuất khẩu các sản phẩm thép Việt Nam cũng có thay đổi, điều này cho thấy sự linh hoạt thích ứng của các doanh nghiệp thép Việt Nam.

Về nhập khẩu, trong tháng 5, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam hơn 837 ngàn tấn với trị giá hơn 772 triệu USD, giảm lần lượt 18,9% về lượng và 13,5% về giá trị so với tháng 4/2023, giảm lần lượt 34,5% về lượng và 45,01% về giá trị so với cùng kỳ 2022. Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam trong tháng 5/2023 bao gồm Trung Quốc (51,76%), Nhật Bản (15,28%), Đài Loan (8,95%), Hàn Quốc (8,08%), và Ấn Độ (7,39%).

Bên cạnh đó, theo VSA, trong quý 2, giá thép xây dựng trong nước cũng như nhu cầu thép yếu tại hầu hết các khu vực thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Riêng trong tháng 5/2023, các đơn vị đã điều chỉnh giá bán thép xây dựng 5 lần, với tần suất giảm 1 lần/1 tuần, với các mức giảm từ 100-200 đồng/kg tùy chủng loại sản phẩm, nhưng sức tiêu thụ của thị trường vẫn rất yếu.

BÀI TOÁN XANH HÓA

Bên cạnh các mục tiêu tài chính, thực hiện phát triển một cách bền vững, bảo vệ môi trường cũng là một vấn đề thiết yếu đối với nền kinh tế nước ta nói chung và ngành thép nói riêng, nhất là khi Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh vấn đề bảo vệ môi trường phải đi trước, là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển kinh tế hài hòa với tự nhiên. Quy hoạch phải có tư duy, tầm nhìn giúp các ngành kinh tế phát triển, đồng thời phòng, ngừa từ xa tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong thập kỷ qua, tổng lượng khí thải CO₂ từ ngành sắt thép đã tăng lên, phần lớn là do nhu cầu thép tăng lên. Cường độ CO2 trực tiếp từ quá trình sản xuất thép thô đã giảm nhẹ trong vài năm qua, nhưng các nỗ lực cần phải được đẩy nhanh để có thể đáp ứng lộ trình trong kịch bản không phát thải ròng của ngành vào năm 2050.

Nhiều quốc gia sản xuất thép lớn như Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã chú trọng vào việc cải tiến các công nghệ, tăng cường tái chế thép phế liệu để giảm thiểu tác động lên môi trường.

Cũng theo IEA, ngành thép có thể đạt được mức giảm phát thải CO₂ ngắn hạn chủ yếu thông qua cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng cường thu gom phế liệu để cho phép sản xuất dựa trên phế liệu nhiều hơn. Tuy nhiên, tiềm năng kỹ thuật để cải thiện hiệu quả năng lượng còn hạn chế và nguồn cung cấp sắt thép phế liệu hữu hạn. Vì thế, việc giảm cường độ phát sẽ yêu cầu áp dụng các công nghệ mới, như sản xuất dựa trên điện, khí hydrogen và quá trình thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).

Quá trình xanh hóa ngành thép là một công cuộc nhiều thử thách nhưng vô cùng quan trọng để Việt Nam có thể đạt được sự phát triển bền vững, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm tin tức MXV đánh giá.

BỨC TRANH BỊ PHỦ BỞI GAM MÀU XÁM

Trong mùa đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, hầu hết ban lãnh đạo nhóm công ty thép niêm yết đều đưa ra thông điệp tích cực hơn và nhận định những gì khó khăn nhất đối với ngành thép đã diễn ra trong nửa cuối năm 2022, tình hình đã được cải thiện trong quý 1/2023 và gần như chắc chắn sẽ có lãi trong quý 2. Song nhu cầu tiêu thụ yếu vẫn sẽ phủ bóng lên triển vọng phục hồi của các công ty thép nửa cuối năm 2023.

Có thể nhìn vào bức tranh kinh doanh của “vua thép”, Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) trong quý 2/2023 doanh thu đạt 29.800 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 1.448 tỷ đồng, tương ứng giảm 64% so với cùng kỳ năm trước. Điểm tích cực là số lãi này đã cao gấp 3,78 lần so với con số của quý 1 liền trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 56.665 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.830 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 30% và 85% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch cả năm nay, công ty đã hoàn thành 23% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trong bối cảnh nhu cầu thị trường trong và ngoài nước còn yếu, Hòa Phát sản xuất 2,86 triệu tấn thép thô, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 2,9 triệu tấn, giảm 27% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Đứng sau Hòa Phát Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group, mã chứng khoán: HSG) có bức tranh vô cùng ảm đạm khi vẫn chưa thoát lỗ. Lũy kế 9 tháng niên độ 2022 – 2023 ( tính cho khoảng thời gian từ 1/10/2022 – 30/6/2023), Hoa Sen Group ghi nhận doanh thu 23.544 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ niên độ trước.

Sau khi trừ các chi phí, công ty vẫn lỗ sau thuế hơn 410 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 1.100 tỷ đồng. Doanh nghiệp hiện vẫn còn ở rất xa so với mục tiêu lãi 300 tỷ đồng trong niên độ này.

Liên quan tới kết quả kinh doanh, trong một báo cáo mới đây của SSI Research dự báo lợi nhuận quý 2 của Hoa Sen có thể giảm hơn 10% so với cùng kỳ do giá thép trong khu vực giảm. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là sản lượng tiêu thụ có dấu hiệu phục hồi nhờ kênh xuất khẩu.

Có thể bạn quan tâm