Ngày 2/4, trong bối cảnh, giá Pi có nhiều biến động trên các sàn giao dịch tiền mã hóa, Pi Core Team dường như vẫn tập trung vào những hoạt động phát triển dự án. Theo đó, nhóm đã cập nhật thông tin về sự kiện Open Network PiFest đầu tiên của Pi Network vừa khép lại. Đây là sự kiện thương mại được phát động đúng ngày kỷ niệm 6 năm ra mắt của dự án Pi Network.
Theo thống kế từ đội ngũ phát triển, trong 6 ngày diễn ra sự kiện (từ 14-21/3), Open Network PiFest đã thu hút những người tiên phong và thương nhân địa phương trên toàn thế giới, tận dụng kết nối Open Network để mở rộng việc áp dụng các giao dịch kỹ thuật số trong thương mại địa phương thông qua chuỗi khối Pi Mainnet.
Sự kiện thương mại năm 2025 của Pi đã có 125.000 người bán đã đăng ký, bao gồm 58.000 người bán đang hoạt động, số lượng người dùng đăng ký tham dự nhiều hơn hẳn so với năm 2024.
Hơn 1,8 triệu Người tiên phong đã sử dụng bản đồ Pi và hơn 45.000 bài đánh giá đã được người tiên phong gửi, giúp xây dựng lòng tin và khả năng hiển thị trong hệ sinh thái thương mại Pi do cộng đồng lãnh đạo.
Thông tin từ nhóm cốt lõi cho biết thêm, những người tiên phong tham gia vào các giao dịch thực tế từ nhu yếu phẩm hàng ngày đến dịch vụ chuyên nghiệp, phản ánh phạm vi mở rộng và ứng dụng thực tế của Pi.
Bên cạnh việc trao đổi, mua bán, sự kiện này còn giới thiệu sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, bao gồm một quán cà phê ấm cúng, một cửa hàng thời trang, một cửa hàng ô tô, một nhà thiết kế tự do… mỗi loại đều sử dụng ví Pi để thanh toán và áp dụng Pi làm phương thức thanh toán.
“PiFest không chỉ là một lễ kỷ niệm mà còn minh họa và chứng minh tiện ích thực tế của Pi. Với Open Network hoàn toàn trực tiếp, PiFest cho thấy Pi có thể hỗ trợ thương mại thực sự và trao quyền cho các nền kinh tế địa phương trên toàn thế giới như thế nào”, đội ngũ phát triển bày tỏ.
Từ những ngày đầu tiên, đội ngũ phát triển Pi Network đã thể hiện rõ ràng tầm nhìn khác biệt của mình. Thay vì đi theo con đường truyền thống của nhiều đồng tiền mã hóa khác, tập trung vào việc niêm yết và giao dịch trên các sàn giao dịch, Pi Network hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái độc lập, nơi đồng Pi có thể được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày.

Quan điểm này được thể hiện qua việc Pi Network chú trọng vào việc phát triển các ứng dụng và tiện ích thực tế, tạo ra một mạng lưới người dùng và doanh nghiệp có thể sử dụng đồng Pi để mua bán hàng hóa và dịch vụ. Mục tiêu của họ không chỉ là tạo ra một loại tiền tệ kỹ thuật số, mà là xây dựng một nền kinh tế phi tập trung, nơi người dùng có thể kiểm soát tài chính của mình và tham gia vào các giao dịch ngang hàng một cách dễ dàng và an toàn.
Tuy nhiên, một bộ phần người dùng Pi vẫn rất quan tâm đến giá Pi lên xuống trên các sàn giao dịch, bởi lẽ, ở một góc độ khác, nhiều người vẫn kỳ vọng vào giá trị vật chất Pi Coin mang lại qua việc giao dịch trên sàn.
Cập nhật giá Pi giao dịch trên sàn OKX ngày 2/4 đang quanh vùng 0,68-0,69 USD/Pi, giảm 5% trong 24 giờ qua. Trong 30 ngày vừa rồi, Pi đã đánh mất 58% giá trị giao dịch.
Sự kỳ vọng này xuất phát từ tâm lý chung của những người tham gia thị trường tiền điện tử, nơi giá cả có thể biến động mạnh mẽ và mang lại lợi nhuận lớn. Mặc dù Pi Network nhấn mạnh vào việc sử dụng đồng Pi trong các giao dịch thực tế, nhưng tiềm năng niêm yết trên các sàn giao dịch vẫn là một yếu tố hấp dẫn đối với nhiều người.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng giá trị của đồng Pi trên các sàn giao dịch sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cung và cầu, sự phát triển của hệ sinh thái Pi Network, và tình hình thị trường tiền điện tử nói chung. Do đó, việc đầu tư vào đồng Pi cần được thực hiện một cách thận trọng và có trách nhiệm.
Đồng thời cũng phải nhấn mạnh rằng, dù đã có rất nhiều người dùng, nhiều quốc gia đồng ý cho trao đổi hàng hoá bằng đồng Pi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, người dân vẫn chưa được phép dùng Pi trong giao dịch hàng ngày.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Do đó, bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng đồng tiền ảo, bao gồm đồng Pi, trong các hoạt động thanh toán sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng, theo quy định tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP và Nghị định 143/2021/NĐ-CP.