Ngổn ngang cổ phần hóa doanh nghiệp xây dựng

Mặc dù lộ trình đã được chốt nhưng phương án cổ phần hóa các doanh nghiệp xây dựng vẫn còn ngổn ngang.
Ngổn ngang cổ phần hóa doanh nghiệp xây dựng

Chậm tiến độ

Tiến độ cổ phần hóa tại nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng liên tục “lỡ hẹn” trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân có nhiều, nhưng đáng kể nhất là tranh cãi về tỷ lệ sở hữu sau cổ phần hóa.

Bộ Xây dựng từng nhiều lần bày tỏ cả trực tiếp lên lãnh đạo Chính phủ lẫn gián tiếp thông qua văn bản, kế hoạch cổ phần hóa mong muốn được giữ cổ phần chi phối sau cổ phần hóa tại các doanh nghiệp thuộc bộ này, đặc biệt là với 4 doanh nghiệp gồm Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) và Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD).

Trong khi đó, cả 4 doanh nghiệp trên đều thuộc diện Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ giai đoạn 2016 – 2020 theo Nghị định 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hồi tháng 2/2017, tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Xây dựng đã đề xuất giữ cổ phần chi phối 51% đến hết năm 2020 tại 5 tổng công ty, trong đó có 3 tổng công ty TNHH MTV nằm trong danh sách giữ dưới 50% vốn điều lệ giai đoạn 2016 -2020 là Vicem, Sông Đà và HUD; 2 tổng công ty còn lại là Lilama và Viglacera. Từ năm 2021, Bộ này mới thoái vốn tiếp theo quy định và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.

Trong một văn bản mới đây, Bộ Xây dựng đã kiến nghị phương án cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà theo hướng Nhà nước nắm giữ là 51% vốn điều lệ tại công ty mẹ khi cổ phần hóa đến hết năm 2019. Năm 2020, điều chỉnh tỷ lệ vốn này xuống còn dưới 50% theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Lý do mà Bộ Xây dựng đưa ra lý giải cho kiến nghị này là Tổng công ty Sông Đà là doanh nghiệp có quy mô lớn, đứng đầu thị trường xây dựng, lắp đặt trong một số lĩnh vực như EPC, thủy điện, công trình hầm, ngầm,...; vừa sản xuất kinh doanh vừa góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Tài chính lẫn Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại rất trái ngược. Bộ Tài chính đề nghị tỷ lệ nắm giữ vốn Nhà nước tại Tổng công ty Sông Đà từ 49% vốn điều lệ trở xuống trong cơ cấu phát hành cổ phần lần đầu.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Đà về Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thuộc Bộ Tài chính. Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ này còn mạnh tay kiến nghị bán toàn bộ phần vốn Nhà nước ở Tổng công ty Sông Đà. Trường hợp không bán hết cổ phần, Bộ Xây dựng điều chỉnh lại cơ cấu vốn điều lệ, tiếp tục thoái vốn theo lộ trình và tiến tới thoái toàn bộ vốn Nhà nước.

Một “bom tấn” khác có quy mô còn lớn hơnTổng công ty Sông Đà là Vicem thậm chí còn “lỡ hẹn” cổ phần hóa nhiều lần hơn. Bên cạnh nguyên nhân đến từ vấn đề tỷ lệ sở hữu, khó khăn của Vicem còn đến từ 2 “cục nợ” Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao.

Theo ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem, cổ phần hoá Công ty mẹ Vicem phải kèm tái cơ cấu hai nhà máy xi măng là Xi măng Hạ Long (từ Tổng Sông Đà, Tập đoàn Dầu khí) và Xi măng Sông Thao (từ HUD, LiLaMa). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quyết định chuyển vốn từ các “chủ cũ” nên tiến độ cổ phần hóa bị chậm.

Đối với nhóm 10 tổng công ty đã cổ phần hóa gồm Vật liệu xây dựng số 1, Xây dựng số 1, Sông Hồng, Đầu tư và Phát triển xây dựng, Xây dựng Hà Nội, Xây dựng Bạch Đằng, Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam, Tư vấn xây dựng Việt Nam, Cơ khí xây dựng và Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Bộ Xây dựng vẫn muốn kéo dài thời gian nắm giữ cổ phần.

Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết sẽ cổ phần hóa, thoái vốn về mức 36% hoặc Nhà nước không nắm giữ và chuyển giao về SCIC hoặc cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước trong các năm 2018-2019.

Chốt lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn

Ngổn ngang cổ phần hóa doanh nghiệp xây dựng ảnh 1

Sau nhiều đề xuất, kiến nghị thì mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chốt lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại 12 tổng công ty đã cổ phần hóa và 4 tổng công ty chưa cổ phần hóa, phân thành 3 nhóm.

Cụ thể, nhóm 1, giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước 40,71% vốn điều lệ tại Tổng công ty LICOGI-CTCP và chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này về SCIC trong quý I năm 2017, như kiến nghị trước đây của Bộ Xây dựng.

Nhóm 2, thực hiện thoái vốn nhà nước theo lộ trình đến hết năm 2018 về mức 0%, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước vềSCIC đối với 10 tổng công ty đã cổ phần hóa.

Nhóm 3, thực hiện cổ phần hóa, bán bớt phần vốn Nhà nước, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019 tại 5 tổng công ty gồm: Tổng công ty Sông Đà, Vicem, HUD, Lilama và Viglacera. Năm 2020, điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại các tổng công ty này xuống dưới 50% theo đúng quy định.

Đối với Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long và Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao, hoàn thiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước 65,76% tại Xi măng Hạ Long từ Tổng công ty Sông Đà về Vicem; chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước 80,79% tại Xi măng Sông Thao từ HUD về Vicem.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng Vicem thực hiện tái cơ cấu toàn diện các Công ty cổ phần Xi măng: Hạ Long, Sông Thao, bảo đảm các Công ty ổn định và phát triển, cân nhắc, tính toán về nguồn vốn cho phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long, trách nhiệm trả nợ vay của công ty này, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ đạo 4 tổng công ty gồmTổng công ty Sông Đà, HUD, IDICO và Vicem phải tiến hành cổ phần hóa ngay trong năm 2017.

Có thể thấy nhiều kiến nghị mang tính đặc thù của Bộ Xây dựng đã không được lãnh đạo Chính phủ đồng thuận, như kiến nghị từ năm 2021 mới điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại 5 tổng công ty xuống dưới 50%, hay kiến nghị kéo dài thời gian nắm giữ cổ phần tại 10 tổng công ty đã cổ phần hóa.

Dù tín hiệu chung khá tích cực, nhưng tín hiệu riêng từ từng tổng công ty vẫn đang còn bỏ ngỏ, như phương án cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà đến nay vẫn còn tranh cãi lớn từ các Bộ, thậm chí quan điểm có tính trái ngược; hay phương án cổ phần hóa Vicem vẫn còn vướng mắc ở Xi măng Sông Thao và Xi măng Hạ Long.

Ngổn ngang là vậy, nên việc cổ phần hóa 4 tổng công ty ngay trong năm 2017 liệu có thực hiện được không vẫn còn có nghi ngại, nhất là khi nhiều lần tiến độ cổ phần hóa đã bị chậm lại, nhưng lần nào các doanh nghiệp cũng đưa ra lý do và cơ bản chưa có lãnh đạo cấp cao nào nhận hình phạt thích đáng.

Theo Tùng Lâm/Vietnamfinance.vn

>> Cổ phần hóa Vietracimex và câu chuyện doanh nghiệp nhà nước dễ dàng rơi vào tay cá nhân

Có thể bạn quan tâm