Người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng

Đại diện ngành công thương và ngành truyền thông đều nhất trí đánh giá cao mức độ phát triển của hoạt động thương mại điện tử ở nước ta cả về quy mô thị trường và tốc độ tăng trưởng…

chuyen-doi-so.png
Hoạt động bán buôn - bán lẻ trên sàn thương mại điện tử tăng trưởng cực mạnh

Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, hoạt động thương mại điện tử nói riêng và kinh tế số nói chung đang diễn ra sôi động. Đây cũng là thời điểm ngành công thương tập trung xây dựng những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng công nghệ số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp và tổ chức.

NỖ LỰC THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ

Ngày 21/11, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cùng các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương năm 2024 với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hưởng tới phát triển bền vững".

Số liệu thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, đến tháng 9/2024, đa số các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế của năm 2024, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt khoảng 3,2%. Các hoạt động dịch vụ đang trên đà sôi động trở lại và tăng cao hơn so với khu vực công nghiệp.

Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024" do Google - Temasek công bố ngày 5/11 vừa qua, ước tính quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet.

thu-truong-bct.png
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhận định, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội

Theo đơn vị nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam dự kiến tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, cũng như xuất khẩu. Đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường (GMV) có thể dao động từ 90-200 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhận định, năm 2024 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng chính là thời điểm để chúng ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp và tổ chức trong bối cảnh mới.

Cũng theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, trong những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành công thương, triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó tập trung vào các nội dung: Tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Công Thương; Thúc đẩy phát triển Kinh tế số ngành công thương theo ba lĩnh vực ưu tiên là thương mại, công nghiệp – năng lượng, và dịch vụ logistics.

Lãnh đạo ngành công thương kỳ vọng, diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương sẽ phát huy vai trò kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các sở công thương địa phương, các hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số, nhằm đưa ra các đề xuất chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và kinh tế số ngành công thương hiệu quả, bền vững.

VẬN DỤNG KINH NGHIỆM QUỐC TẾ THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Tại Diễn đàn Chuyển đổi số ngành công thương với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hưởng tới phát triển bền vững”, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu dẫn chứng rõ hơn ghi nhận sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử ở nước ta. Theo ông Tuấn, bình quân mỗi tháng 1 người tiêu dùng Việt Nam sẽ thực hiện 4 đơn hàng trực tuyến. Với quy mô 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường thương mại điện tử tiềm năng, cạnh tranh với các thị trường dẫn đầu như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN.

Báo cáo “Thương mại điện tử Đông Nam Á 2024” đã công bố tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam trong 2023 đã tăng 52,9% so với năm trước đó. Mức tăng của thị trường Thái Lan là 34,1%. Cùng với mức tăng này, Việt Nam đã vượt qua Philippines, trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba khu vực. Trong khi đó, Indonesia vẫn là thị trường thương mại điện tử lớn nhất.

Tuy vậy, lãnh đạo Vụ Kinh tế số và Xã hội số cũng đã chỉ ra thách thức của hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam khi đối diện với những “gã khổng lồ” trong lĩnh vực này như: Trung Quốc, Mỹ, EU… Đặc biệt là các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới xuất phát từ Trung Quốc như: TEMU, Alibaba, Shein.

Từ kinh nghiệm của nhiều nước đã áp dụng chuyển đổi số, ông Tuấn nhấn mạnh 5 bước vận dụng vào Việt Nam nhằm đánh giá mức độ chuyển đổi số, từ đó dễ dàng đưa ra giải pháp hỗ trợ hiệu quả gồm: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số; xây dựng hệ sinh thái các giải pháp phù hợp với bộ tiêu chí; xây dựng công cụ để đánh giá theo bộ tiêu chí; đánh giá trực tuyến mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ; kết nối doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ với các giải pháp.

z6054448933362-9fabbf760262915ba4d17c0f8e694e8f.jpg
Got It mang đến một hệ sinh thái giải pháp toàn diện cho doanh nghiệp

Tham gia sự kiện của Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/11, Got It giới thiệu một hệ sinh thái giải pháp toàn diện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời đại kinh tế số với những giải pháp giúp doanh nghiệp dễ dàng kết nối, tương tác, tặng quà và chăm sóc khách hàng trên mọi điểm chạm gồm: Scan It – giải pháp campaign ứng dụng công nghệ AI trong triển khai các chiến dịch activation, gamification, trade marketing…; Buzz It - nền tảng Loyalty toàn diện với khả năng tùy chỉnh tối đa; Got It - quà tặng điện tử cho mọi nhu cầu.

Nói về hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp của Got It, bà Trần Nguyễn Uyên Vi, Giám đốc Kinh doanh Got It chia sẻ: "Các giải pháp của Got It sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn mang lại giá trị cộng thêm hơn các giải pháp quà tặng truyền thống cho người nhận. Chúng tôi có những dữ liệu và kinh nghiệm để hiểu khách hàng ở mỗi lĩnh vực sẽ có những khó khăn gì trong việc triển khai các chương trình khuyến mại, các dịp tặng quà cho khách hàng của mình, cho nhân viên của họ để từ đó cung cấp các giải pháp may đo cho từng ngành nghề".

"Với sự phát triển của nền tảng số kết hợp kinh nghiệm của đối tác tại Thái Lan với hơn 12 năm kinh nghiệm, Got It kỳ vọng các giải pháp sẽ mang đến sự hỗ trợ tối ưu cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình chuyển mình thích nghi với thời đại kinh tế số", bà Uyên Vi bày tỏ thêm.

Xem thêm

Giá vàng tăng phiên thứ 3 liên tiếp

Giá vàng tăng phiên thứ 3 liên tiếp

Giá vàng thế giới tăng cao nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine tiếp tục leo thang. Trong nước, giá vàng miếng và vàng nhẫn đều vượt ngưỡng 86 triệu đồng/lượng…

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng tiếp tục tăng

Giá vàng tiếp tục tăng

Giá vàng thế giới vẫn tăng mạnh dù đồng USD leo thang, trong nước, vàng miếng SJC thêm nửa triệu đồng/lượng ở cả chiều mua - bán...