Ngân hàng thực hành ESG: Cần đi sớm và đi chậm

Khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện là một trong những yếu tố ghìm chân ngân hàng trong quá trình thực hành ESG...

esg.jpg

Thực hành ESG (môi trường, xã hội và quản trị) là vấn đề nóng, sẽ trở thành xu hướng mới của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh khung pháp lý về tiêu chí xanh vẫn chưa hoàn thiện, việc tiên phong không đồng nghĩa ngân hàng phải đi nhanh.

NỖ LỰC TIÊN PHONG THỰC HÀNH ESG

Theo nghiên cứu của Tổ chức DARA International, Việt Nam là quốc gia có thể chịu tổn thất khoảng 15 tỷ USD/năm do biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 5% GDP.

Vì vậy thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính... Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện cam kết đến năm 2050 sẽ đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0. Trong khi đó, để hiện thực hóa mục tiêu này, thực hành ESG là một yêu cầu bắt buộc.

ha-thu-giang.jpg
Ths. Hà Thu Giang, Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước)

Phát biểu tại hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức, bà Hà Thu Giang, Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhận thức được xu hướng và tầm quan trọng của việc thực hành ESG, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò tiên phong trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư, nâng cao trách nhiệm xã hội hướng tới các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí ESG.

"Nhìn chung, với sự định hướng, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, việc thực thi ESG của ngành ngân hàng đã có những chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động", bà Giang chia nói.

Thực tế, làm việc trong ngân hàng có dư nợ tín dụng xanh lên tới hơn 27.000 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo ESG Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chia sẻ, ngay từ năm 2016, Agribank đã bắt đầu triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ nông nghiệp sạch, công nghệ cao với quy mô vốn lớn. Hay nói cách khác, ngân hàng đã sớm tập trung vào trụ cột môi trường trong 3 trụ cột của ESG.

Sau quá trình triển khai, Agribank nhận thấy việc tích hợp tiêu chuẩn ESG trong chiến lược kinh doanh rất cần thiết ở 4 yếu tố gồm: (i) giúp quản trị danh tiếng của ngân hàng; (ii) nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh; (iii) nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro; (iv) mở rộng thị trường và cơ hội kinh doanh, phát triển sản phẩm dịch vụ mới.

Còn tại SHB, bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Giám đốc Ban quản lý dự án quốc tế, khẳng định, SHB cam kết phát triển bền vững không chỉ bằng khẩu hiệu mà qua từng hành động thực tế. Với tầm nhìn dài hạn, SHB cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện, hỗ trợ khách hàng và cộng đồng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời quản lý hiệu quả các rủi ro về môi trường, xã hội.

“Với vai trò là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, SHB luôn hướng nguồn vốn tín dụng tới các ngành nghề, các doanh nghiệp, các dự án phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường. Hiện nay, tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng cho lĩnh vực xanh của SHB chiếm gần 10% trên tổng dư nợ. Bên cạnh đó, SHB áp dụng các biện pháp quản trị doanh nghiệp minh bạch và có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn, thông lệ tốt nhất, nhằm đảm bảo tính bền vững trong mọi hoạt động của ngân hàng”, bà Hạnh nói

CẦN SỚM HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng việc áp dụng ESG trong hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam vẫn đang gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, ESG đối với nhiều doanh nghiệp vẫn là khái niệm mới, quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải sở hữu tiềm lực tài chính nhất định để đầu tư cho công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu... Và quan trọng hơn cả là hành lang pháp lý cho ESG đang trong quá trình hoàn thiện.

Tại hội thảo trên, khi nêu quan điểm về hành lang pháp lý, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, trước đây, ngân hàng chỉ quan tâm năng lực tài chính, khả năng trả nợ của người đi vay, còn các yếu tố phi tài chính như ESG có thể được xem là vấn đề bổ trợ, thứ yếu. Tuy nhiên, khi trào lưu về tài chính xanh đưa ra thì ngân hàng mới tìm hiểu và nghiên cứu cách để đo lường mức độ "tích cực" của các dự án để có thể có những sản phẩm với mức lãi suất ưu đãi phù hợp.

"Vậy ngân hàng làm thế nào để đo lường được các tiêu chí xanh, ở góc độ môi trường, xã hội hay quản trị, đây là những diễn biến tương đối mới trong toàn bộ thị trường tài chính xanh và ESG nói chung. Và điều này phụ thuộc vào khuôn khổ pháp lý nói chung về các ngành kinh tế và các quy định về tuân thủ pháp luật trong vấn đề quản trị", ông Hùng cho hay.

Lẽ đó, vị chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh khung pháp lý còn thay đổi, "đi sớm và đi chậm" là cách phù hợp hơn với các tổ chức tín dụng. Việc đi sớm sẽ giúp nhận thức rõ hơn và sự chuẩn bị hệ thống tốt hơn để thích ứng với những diễn biến mới từ việc thay đổi của các quy định pháp luật không chỉ trong thị trường Việt Nam mà cả thế giới.

Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”
Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”

Chung quan điểm, ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia Hiệp hội kế toán Anh Quốc (ACCA) Việt Nam cho rằng, các danh mục phân loại xanh sẽ giúp cho các ngân hàng nhận diện dự án như thế nào là "xanh", các dự án đủ điều kiện.

"Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, việc có hay không có danh mục xanh cũng không quá quan trọng trong việc thực hiện ESG, vì họ có nhiều công cụ, dữ liệu để đánh giá. Còn tại thị trường mới nổi như Việt Nam, do thiếu thông tin, yếu tố đánh giá nên các ngân hàng phải trông chờ vào ban hành của chính phủ về danh mục phân loại xanh", ông Hưng nói.

Hiện tại, bên cạnh những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Xem thêm

Toàn cảnh hội thảo

Để ESG dẫn dòng tín dụng

Ngành ngân hàng đang thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh...

Có thể bạn quan tâm

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...