Nhà lãnh đạo huyền thoại Fidel Castro qua đời ở tuổi 90

Nhà lãnh đạo cách mạng huyền thoại Fidel Castro vừa qua đời ở tuổi 90. Cùng với Che Guevara, Fidel là nhà lãnh đạo huyền thoại của phong trào cách mạng các nước Mỹ Latin.
Nhà lãnh đạo huyền thoại Fidel Castro qua đời ở tuổi 90

Nhà lãnh đạo huyền thoại Fidel Castro. Ảnh: QuotesGram.

Truyền thông Cuba vừa thông báo tin nhà lãnh đạo huyền thoại Fidel Castro của nước này đã qua đời ở tuổi 90. 

Fidel Castro là nhà lãnh đạo đã dẫn dắt phong trào cách mạng của nước này lật đổ chế độ độc tài Batista vào năm 1959. Theo Guardian, Chủ tịch Raul Castro thông báo trên truyền hình quốc gia rằng ông Fidel qua đời vào lúc 22h29 ngày 25/11 (giờ địa phương).

Thành lập nhà nước Cuba kể từ năm 1959, ông trở thành thủ tướng Cuba kể từ năm 1959 tới 1976. Kể từ năm 1976 tới 2008, ông là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba.Vượt qua 9 đời tổng thống Mỹ 

Từ năm 1961 tới 2011, ông Castro đồng thời là Bí thư thứ nhất đảng Cộng sản Cuba. Năm 2008, khi sức khoẻ yếu, ông đã trao quyền lãnh đạo đất nước lại cho người em trai Raul Castro của mình.

Fidel đã xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa ngay sát bờ nước Mỹ, nước chống kịch liệt phe xã hội trong những năm Chiến tranh Lạnh kể từ những năm 1950 cho tới đầu 1990.

Suốt 5 thập kỷ, ông đã nhiều lần vượt qua các âm mưu tấn công, ám sát do nhiều đời tổng thống Mỹ tiến hành - ông Fidel đã vượt qua 9 đời tổng thống Mỹ khác nhau. Năm 1961, ông đánh bại âm mưu tấn công Cuba của CIA trong sự kiện Vịnh Con Lợn. 

Ông FIdel và các đồng đội ăn mừng chiến thắng sau khi lật đổ chính quyền độc tài Batista vào tháng 1/1959. Ảnh: CNN.
Ông FIdel và các đồng đội ăn mừng chiến thắng sau khi lật đổ chính quyền độc tài Batista vào tháng 1/1959. Ảnh: CNN.

Nhà cách mạng huyền thoại của các nước Latin 

Những người ủng hộ Fidel đều ca ngợi ông là người đã mang lại độc lập, chủ quyền cho nhân dân. Cùng với Che Guevara, Fidel là nhà lãnh đạo huyền thoại của phong trào cách mạng các nước Latin và đã truyền cảm hứng cho nhiều phong trào giải phóng dân tộc các nước. 

Năm 1953, ông Fidel khởi xướng chống lại chế độ độc tài của Tổng thống Fulgencio Batista. Nung nấu ý định tạo ra một cuộc cách mạng, ngày 26/7, ông dẫn đầu một nhóm khoảng 100 người tấn công doanh trại ở Santiago nhưng thất bại.

Sau sự việc này, ông Fidel và người em trai Raul bị bỏ tù. Ra tù sau 2 năm, FIdel vẫn điều hành phong trào chống đối chính quyền Batista. Ông xây dựng một lực lượng du kích tên là Phong trào 26/7, phát huy những lý tưởng cách mạng ở Cuba bấy giờ.

Ông Fidel hút xì gà bên cạnh người anh hùng cách mạng nổi tiếng khác là Che Guevara trong những ngày chiến đấu du kích Sierra Maestra, Cuba. Ảnh: CNN.
Ông Fidel hút xì gà bên cạnh người anh hùng cách mạng nổi tiếng khác là Che Guevara trong những ngày chiến đấu du kích Sierra Maestra, Cuba. Ảnh: CNN.

Năm 1959, cách mạng Cuba thắng lợi, chính phủ của Tổng thống Batista sụp đổ. Ông Fidel Castro lên nắm quyền và đưa Cuba vào một kỷ nguyên độc lập, tự do mới, tiến lên xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi của cách mạng Cuba đã cổ vũ các cuộc cách mạng đấu tranh giành độc lập khác trên thế giới.

Ngày 18/2/2008, sau gần 50 năm điều hành đất nước, ông Fidel từ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Cuba.

Thường xuyên mặc bộ đồ quân phục rằn ri, Fidel nổi tiếng với những bài diễn văn dài hàng tiếng hùng tráng.

Trong những năm cuối đời, Fidel Castro không còn giữ các vị trí lãnh đạo ở đất nước Caribe này. Nhưng ông thường xuyên viết các bài bình luận về các vấn đề của thế giới và thỉnh thoảng gặp các nhà lãnh đạo nước ngoài khi họ tới thăm.

Nhân vật lịch sử vượt tầm đất nước 

Trên CNN, học giả người Cuba Louis A. Perez Jr. bình luận “Fidel là một nhân vật lịch sử mà tầm ảnh hưởng của ông vượt xa quy mô đất nước do ông lãnh đạo”.

Còn Wayne Smith, nhà ngoại giao Mỹ từng làm việc ở Cuba nhiệm kỳ 1979 - 1982, nhận định rằng “Cuba chưa từng được chú ý về chính trị và lịch sử mãi cho đến thời ông Fidel Castro”.

Trước khi qua đời, ông Fidel đã chứng kiến một trong những sự kiện lịch sử với Cuba là khi quan hệ Cuba - Mỹ được nối lại sau nhiều thập kỷ.

Fidel Castro hút xì gà tại Phủ Chủ tịch ở Havana vào năm Ảnh: AP.
Fidel Castro hút xì gà tại Phủ Chủ tịch ở Havana vào năm Ảnh: AP.

Tháng 12/2015, Tổng thống Obama đã tuyên bố khôi phục lại quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa 2 nước, nhưng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế hoàn toàn đối với quốc đảo Caribe vẫn còn chờ quyết định từ quốc hội Mỹ.

Theo AFP, thi hài ông Fidel sẽ được hoả táng vào ngày 26/11. Một số nhà quan sát nhận định việc ông Fidel qua đời sẽ để lại niềm tiếc thương lớn với nhân dân Cuba, nhưng không gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị lớn do ông Raul Castro đã nắm vững quyền điều hành.

“Sự kiện lớn đối với Cuba là thế hệ kháng chiến sẽ chuyển giao cho thế hệ mới như thế nào, sau khi ông Raul từ chức (vào năm 2018)”, chuyên gia về Cuba Phil Peters tại Viện Lexington (bang Virginia, Mỹ), nói với Reuters.

Bản tin đang cập nhật... 

Theo Zing.vn 

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…