Thế nhưng, khác biệt lớn nhất va chạm hàng ngày của sứ mệnh đầy “tủi thân” - đem hàng Việt đến với EU - không liên quan gì đến sản phẩm, quy trình sản xuất, chất lượng... mà là sự khác biệt về… văn hóa.
Khác từ suy nghĩ
Chúng tôi dẫn và hỗ trợ một đoàn DN Việt Nam đi từ Frankfurt (Đức) sang Rimini (Ý) thăm dự hội chợ triển lãm về rau và hoa quả tại đây. “Hỗ trợ” là một chức danh rất “to” nhưng mắt thường không nhìn thấy với vô số công việc không tên tuổi và chuyến đi phụ thuộc rất nhiều vào “văn hóa” của đoàn và các thành viên doanh nghiệp cùng đồng hành.
Vì mang nhiều hàng mẫu tham dự hội chợ nên đoàn quyết định thuê một chiếc xe bus 46 chỗ thay vì bay nội địa sẽ rất tốn kém. Lựa chọn xe bus nào là một quyết định quan trọng. Khi phải lựa chọn giữa xe bus coach 46 chỗ ngồi hay xe coach 25 chỗ ngồi, ban tổ chức đoàn đã lựa chọn xe 46 chỗ ngồi cho nhóm 13 thành viên vì cùng giá tiền đi xe “to” để mọi người thoải mái nghỉ ngơi.
Lựa chọn này nhanh chóng cho thấy không phải là lựa chọn tốt nhất. Tại rất nhiều thành phố ở Châu Âu, xe to 46 chỗ không được đi vào khu trung tâm. Ngoài ra, xe bus 46 chỗ chịu quy chế khắt khe hơn về an toàn, về thời gian làm việc của lái xe và vô cùng khó khăn di chuyển tại nhiều con đường đẹp nhưng rất nhỏ tại Italy. Chưa kể, vấn đề đỗ xe cũng rất phiền phức. Rất may một trong hai bác tài xế tài nghệ tuyệt đỉnh nên xe mới thoát nhẹ nhàng qua được nhiều những con đường nhỏ, cua đường vô cùng khó khăn. Không chỉ tại trung tâm các thành phố, xe bus to cũng bị hạn chế không đi tới được nhiều nơi khác nhau.
Khác biệt tiếp là những yêu cầu chặt chẽ cho lái xe tại các nước Châu Âu. Vì an toàn cho hành khách và bản thân. Lái xe ở đây không được lái liên tục quá 4 tiếng, trong mỗi chu kỳ 4 tiếng họ phải nghỉ ít nhất 45 phút (có thể nghỉ liền 45 phút hay nghỉ làm 2 lần 30 phút và 15 phút). Và lái xe không được lái quá 11 tiếng trong ngày (bắt buộc phải nghỉ vì lý do an toàn). Mỗi lái xe đều có một thẻ từ riêng, khi lái phải cắm vào máy đặt trên xe để có thể ghi lại thời gian và diễn biến của lái xe.
Hợp đồng của chúng tôi là xe sẽ đón đoàn tại sân bay Frankfurt và chạy thẳng về thành phố nhỏ Rimini, phục vụ đưa đón tham dự triển lãm trong 3 ngày và sau đó quay lại Frankfurt. Trên đường có thể dừng ở 2 thành phố lớn để thăm quan. Tuy nhiên, chương trình lập ra chỉ để có vì nó bị thay đổi liên tục, đến nỗi toàn bộ chuyến đi của chúng tôi luôn có chương trình mới hàng ngày. Đối với hai bác lái xe người gốc Trung Quốc, dù rất chuyên nghiệp và đã từng gặp đủ nhóm khách khác nhau nhưng đây vẫn là một chuyến đi “khủng khiếp” bởi những sự thay đổi liên tục đó.
Hai bác tài sáng nào và chiều nào cũng liên tục hỏi chúng tôi “Kế hoạch hôm nay thế nào, sẽ làm việc ở đâu, ăn ở đâu, khách sạn nào v.v.” để họ sắp xếp đường, tính giờ và cả tìm chỗ đỗ chiếc xe to hoành tráng. Nhưng câu trả lời thường xuyên là: “Tạm thời chưa biết, để chúng tôi trao đổi thêm .”
Liều hay không?
Khác biệt văn hóa đã nhanh chóng xuất hiện. Thay vì chạy thẳng về Italy và tranh thủ ăn trên đường, đoàn chúng tôi dừng lại tại một nhà hàng ở trung tâm Frankfurt để mọi người ăn uống một bữa đàng hoàng sau chuyến bay dài từ Việt Nam.
Vì không chuẩn bị trước và không ai có ý kiến gì (những lúc cần nhất, như thường lệ sẽ không ai có ý kiến gì) nên các bác tài đưa chúng tôi vào một nhà hàng Trung Quốc tại gần nhà ga Frankfurt. Tại đây, do bất đồng ngôn ngữ (chúng tôi không biết tiếng Hoa hay tiếng Đức và chủ quán không biết tiếng Anh) đã ngốn của chúng tôi hơn 4 tiếng để thưởng thức xong bữa chiều.
Chạy thẳng xuyên đêm đến khu triển lãm Rimini và bất ngờ nối tiếp bất ngờ chờ đón chúng tôi ở Rimini. Xe to quá không thể vào bên trong khu triển lãm để chuyển hàng mẫu xuống. Chưa hết, các bác tài còn thông báo, họ đã “cạn” thời gian được phép lái xe của cả 2 trong 24 giờ vì mất 4 tiếng di chuyển từ Praha đến sân bay Frankfurt và 4 tiếng ăn uống. Bây giờ chỉ có lựa chọn đổ hàng xuống và về khách sạn hoặc nếu về khách sạn thì sẽ không thể dùng xe buýt để quay lại nơi triển lãm vì không được phép lái xe và chúng tôi sẽ phải tự vận chuyển hàng mẫu ra nơi triển lãm.
Một cuộc trao đổi mạnh mẽ diễn ra giữa các đại gia trong đoàn, ban tổ chức và các bác tài. Một số đại gia trong đoàn tuyên bố sẵn sàng trả tiền phạt thay các bác tài (nếu bị phạt). Các bác tài sau khi trao đổi, gọi về văn phòng hãng xe và để chiều lòng chấp nhận sẽ tiếp tục lái xe theo yêu cầu và có thể bị phạt (và họ bị đánh dấu trừ điểm vào thẻ). Nhưng khi được biết số tiền phạt nếu xảy ra là 2.500 Euro thì cả nhóm 13 người trên xe im lặng. Ai sẽ trả?
Các bài tài đưa chúng tôi về thẳng khách sạn và ban tổ chức tự lo việc chuyển hàng mẫu tham dự ra hội chợ.
Bất định
Ăn gì, ở đâu? Sẽ ngủ tiếp ở khách sạn nào là những chuyện chúng tôi thường xuyên phải trao đổi và quyết định trong suốt chuyến đi. Chúng tôi kéo theo các bác tài vào tình trạng “không định trước”. Các bác tài chuyên nghiệp luôn muốn biết trước để họ dự tính đường đi vì quả thật nhiều lần ngồi trên xe to chúng tôi mới thấy khó khăn khi phải di chuyển trên những con phố hẹp ở thành phố Rimini. Mỗi lần chúng tôi tạm dừng xuống xe là một dãy dài những xe khác hai chiều phải cùng đứng lại vì chiếc xe buýt khổng lồ đã chiếm trọn lòng đường.
Nhưng trong sự “bất định” đó có những điều hay… cho ai đó: Chúng tôi được ăn uống ngon, thoảỉ mái và chắc chắn vượt qua tiêu chuẩn tối đa 15 euro/bữa. Thế là Ban tổ chức vừa bị bội chi ngân sách vừa luôn sợ mang tiếng không chăm lo chu đáo cho các thành viên của đoàn.
Đặt khách sạn cũng là vấn đề. Do kế hoạch thay đổi nên chúng tôi thường chỉ có trước 1-2 ngày để đặt khách sạn. Và ở Châu Âu bạn sẽ không dễ tìm thấy khách sạn cho 13-16 người với giá phù hợp. Chưa kể, nhiều lúc không thể tìm thấy hay đặt được khách sạn ở những thành phố nhỏ.
Gian hàng của đoàn Việt Nam là gian hàng chung nên mang nhiều màu sắc phong phú về sản phẩm và các dịch vụ khác nhau. Nhiều khi rất đông người tại đó nhưng khách thăm quan vẫn phải tự chăm sóc và mò mẫm. Chưa kể, hạn chế về ngôn ngữ là một giới hạn lớn cho cơ hội cho sản phẩm (nông sản) Việt Nam thuyết phục được khách tham dự.
Sau triển lãm, do có sự thay đổi về các điểm dừng tham quan theo yêu cầu của các thành viên trong đoàn, chương trình lại tiếp tục “bất định”.
Chúng tôi được ông Sandro Pasquali - Thị trưởng một thành phố thị trấn nhỏ Passignano sul Trasimeno mời tham dự một cuộc đón tiếp nhỏ trang trọng tại Tòa thị chính. Sau đó là một buổi tiệc nhẹ trên di tích một tòa lâu đài cổ gần 9.000 năm với quang cảnh nhìn ra biển hùng vĩ tuyệt đẹp. Hôm đó, trên lâu đài, chúng tôi được giới thiệu chi tiết về dầu Oliu và rượu vang sản xuất trong vùng. Đích thân ông Thị trưởng tự tay rót rượu hỗ trợ quảng bá cho sản phẩm.
Chúng tôi được gặp anh Giulio Maccarelli, chủ nhân hầm rượu vang mới 29 tuổi của gia đình Morami (đã trồng và sản xuất rượu vang từ thế kỷ 17) đầy đam mê và nhận lời mời lên ăn tối tại nhà hàng của anh trên một ngọn đồi tuyệt vời.
Chiếc xe bus to không thể lên đồi được nên anh Giulio phải rất vất cả để tìm được 2 chiếc xe ô tô nhờ chở từng đợt đoàn chúng tôi lên nhà hàng nhỏ nhưng tuyệt đẹp trên đồi. Các món ăn cũng rất ngon với sự khó tính trong ẩm thực của người Việt. Chưa nói tới không khí thân thiện, môi trường tạo cảm giác như đang ở cảnh giới khác. Chắc chắn nếu có cơ hội quay lai Châu Âu các bạn phải đưa vợ hay người yêu lên thưởng thức bữa tối ở một trong những nhà hàng như vậy.
Sau một buổi tối tuyệt vời, cả đoàn quay lại với những thú vui khác của mình và tiếp tục làm khổ các bác tài. Quyết định lại thay đổi chương trình vào thăm thành phố thời trang Milan, chúng tôi buộc phải xuống xe đi bộ hay taxi vì xe buýt không được vào trong khu trung tâm. Và khi quay ra xe buýt cũng là một sự mệt mỏi vì đoàn không thống nhất được phương thức đi và bị lạc trong buổi tối giữa Milan đang vắng vẻ.
Phải mua đấy !
Chiếc xe chở chúng tôi về lại Frankfurt để làm việc với phòng thương mại. Trên đường xe dừng ở Basel, Thụy Sĩ. Các thành viên trong đoàn tranh thủ mua xì gà và những sản phẩm nổi tiếng và lại “bức xúc” với văn hóa “khác”. Đầu tiên là việc cô bán hàng cũng dứt khoát không cho quá 3 người vào phòng trưng bày bán xì gà.
Tiếp theo, dù mua rất nhiều hàng nhưng các thành viên trong đoàn không được tặng túi miễn phí và phải trả tiền mua thêm túi để đựng. Anh Chí Nhân, một đại gia phố cổ cũng bức xúc vì những nguyên tắc “máy móc” ở đây. Anh than phiền: “Cứ như họ không cần bán hàng vậy.”
Sau một chút bức xúc với “văn hóa bán hàng” tại Thụy Sĩ, chúng tôi đến được khách sạn bên bờ sông Ryn ở Frankfurt và lại tiếp tục bực mình vì những quy định máy móc ở Châu Âu này. Không thể đỗ chiếc xe bus to trước cửa khách sạn (vì sẽ chặn dãy dài các xe đi sau lại) để mọi người mang rất nhiều đồ đạc xuống. Sau một hồi trao đổi với lễ tân khách sạn, bác tài lại phải quyết định “làm liều” – đánh vài vòng lượn quanh khách sạn, đỗ đại gần đó và tất cả vội vàng mang những thùng hàng, vali xuống.
Qua chuyến đi ngắn 10 ngày với rất nhiều những khác biệt văn hóa, chúng tôi chợt nhận ra là con đường đưa nông sản Việt Nam vào Châu Âu sẽ dài và rất gian truân. Không chỉ tham gia hội chợ, mang hàng mẫu sang là đủ mà quan trọng hơn chúng ta sẽ phải hòa nhập phần nào để hiểu văn hóa, lối sống của người dân ở đây thì may ra mới có cơ hội để sản phầm của mình phù hợp với họ.
Rất may, người Châu Âu đã quen thuộc với cả thế giới (họ đã đi và từng chinh phục cả thế giới) nên họ thông thoáng hơn với mọi nền văn hóa khác. Tuy nhiên, các bạn cũng đừng quên, người Italy sẽ “dễ tính” hơn người Đức trong nhiều chuyện và nếu đến Basel, Thụy Sĩ dù bạn có trả hàng nghìn Euro mua xì-gà họ cũng sẽ không tặng miễn phí thêm túi xách cho bạn nhé. Phải mua đấy.
Vì bất kỳ vấn đề gì đều có chìa khóa, lời giải cho nó nên nếu chúng ta thật sự quyết tâm tìm hiểu, thay đổi những gì cần thiết thì cơ hội cho hàng hóa Việt Nam đến với người Châu Âu vẫn còn không nhỏ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Châu Âu không tìm kiếm một vài đơn hàng nhỏ lẻ, họ tìm kiếm đối tác để hợp tác lâu dài.