Nhật ký chống dịch Covid-19: Bình yên trong bão tố

Bình yên là mỗi người trong chúng ta bình tĩnh, mưu trí, kiên cường vượt qua khó khăn. Những phẩm chất đó không tự nhiên mà có, mà cần sự tôi luyện mỗi ngày.

Ứng phó với thực tế, mỗi người lựa chọn mỗi cách khác nhau, song điểm chung của tất cả chúng ta là đều vươn tới bình yên, an lành, mạnh khỏe, chung tay đẩy lùi cơn bão Covid-19 !

Tôi luyện khắc nghiệt trong bão giông

Không dễ dàng để có thể đến được với Shangri-La, cửa ngõ duy nhất để bước vào khu tự trị Tây Tạng, ngoại trừ những ai thích phiêu lưu, từng bị mê hoặc về một “miền đất hạnh phúc vĩnh hằng” nổi tiếng trong cuốn sách “Đường chân trời đã mất” của nhà văn James Hilton xuất bản năm 1933.

Trên núi tuyết Cáp Ba, Shangri-La. Ảnh: Interner
Trên núi tuyết Cáp Ba, Shangri-La. Ảnh: Interner

Quấn lên người những gì ấm nhất có thể, tôi lạc đến cao nguyên Tây Tạng Shangrila mang theo những ẩn ức khó giãi bày. Trong ngôn ngữ Tây Tạng, “Shangri-La” có nghĩa là “mặt trời và mặt trăng trong trái tim”. Mỗi bước đi trên vùng đất thiêng này, người ta bắt gặp những ngôi chùa cổ kính, những tu viện uy nghi với lối kiến trúc độc đáo.

Với người dân bản xứ, nhiệt độ ban ngày 7 độ C được xem là lúc tiết trời ấm áp nhất. Bình yên quá! Những thung lũng tuyệt đẹp được bao quanh bởi những ngọn đồi xanh thẳm, hồ nước mộng mơ màu ngọc bích. Những áng mây trôi bồng bềnh trên nền thiên thanh, đàn bò trắng nhẩn nha bên suối. Tiếng chuông ngân lên quyện những lời niệm gửi gắm mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tối mù mịt, nhiệt độ xuống âm 8 độ C. Từ tu viện Phật giáo Songzanlin, ngự trên đỉnh núi cao được xây dựng từ năm 1679 theo nguyên mẫu thu nhỏ của cung điện Potala – Lhasa Tây Tạng, những bậc tam cấp mở ra cánh cổng dẫn tới Thành phố cổ thần bí. Đôi bàn chân lạnh tê tái, lọ dầu xanh Singapore là cứu cánh cho việc làm ấm, nhưng nó đã đông cứng thành cục đá từ bao giờ. Tôi bất lực trước cái lạnh, hai hàm răng va lập cập như muốn cắn dập lưỡi, cố giữ để không bật khóc! Lãng mạn và hiện thực, bình yên và khắc nghiệt đôi khi chỉ khác nhau khi mặt trời lặn và mặt trăng lên!

Tác giả ở Shangila
Tác giả ở Shangila

Chang mặc áo bông thổ cẩm, quàng tấm khăn lông cừu, hai má ửng đỏ như quả bồ quân, nắm tay tôi dắt vào trong căn nhà bé xinh treo đầy hoa cỏ khô, tỏa mùi hương nồng nồng của quế, hồi, ớt, chanh, sả thảo nguyên, nhoẻn cười hiền lành. Nồi nước sôi để nấu thịt bò YJắc đã nghi ngút khói. Tôi đón bát canh hầm sâm nóng hổi, cảm giác một luồng hơi ấm lan tỏa khắp người.

Rất nhiều lữ khách đến đây vì nhiều lý do, trong đó vì có cả những ẩn ức chuyện tình cảm và muốn tìm sự bình yên. Nhưng Shangrila không bình yên như thế, bất chợt có mưa đá, có bão tố, lốc xoáy làm chết người, đói và lạnh cũng có thể làm con người giã từ cuộc sống. Nhưng cha, anh của Chang vẫn dũng mãnh phi ngựa vượt qua thảo nguyên mù mịt đầy bão tố, và những người phụ nữ Tây Tạng vẫn dầm mình trong lạnh, gạt mưa đá băng rừng núi tìm cha, anh. Họ đều dũng mãnh như thế.

Đến đây mới hiểu, người dân Shangri-La cũng chẳng bất tử như trong tiểu thuyết. Nhưng họ mạnh mẽ, điềm tĩnh, họ an nhiên tự tại chính là nhờ vào một quá trình được tôi luyện trong khắc nghiệt và bão giông.

Sài Gòn - “Nơi mặt trăng và mặt trời ở trong tim”

Shangrila đã trở thành dĩ vãng, Sài Gòn thân thương mới là thực tại!

Không có mưa đá, không lốc xoáy, nhưng cơn bão Covid-19 đã cướp đi bao sinh mệnh, khắc nghiệt đỉnh điểm, vậy mà biết bao người quanh ta đang nở những nụ cười an nhiên, đang bình tĩnh đi giữa tâm dịch để cùng đưa thành phố vượt qua bão Covid-19.

Cặp vợ chồng mắc Covid-19 cùng con gái mới chào đời đã được xuất viện. Ảnh: Nhân dân
Cặp vợ chồng mắc Covid-19 cùng con gái mới chào đời đã được xuất viện. Ảnh: Nhân dân

Đó là hàng ngàn y bác sỹ đang ngày đêm chăm sóc sức khỏe, giành giật sự sống cho bệnh nhân. Lực lượng y bác sỹ nòng cốt đến từ 3 bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt, gồm Việt Đức, Bạch Mai và Trung ương Huế đã sẵn sàng đón bệnh nhân. Các trung tâm này đều được trang bị các trang thiết bị hiện đại như máy thở, máy lọc máu, hệ thống ECMO…, đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân nặng. Hôm nay, bệnh viện Dã chiến số 16 của y bác sỹ bệnh viện Bạch Mai đảm trách và bệnh viện dã chiến số 13 do y bác sỹ bệnh viện Việt Đức về cơ bản đã xong. Biết bao bệnh nhân nặng đang mong chờ phép màu từ những trung tâm hồi sức cấp cứu hàng đầu như vậy.

Tình nguyện viên nhóm “Trao oxy-Trao sự sống" vượt mưa gió vận chuyển oxy miễn phí đến BV dã chiến quận 11
Tình nguyện viên nhóm “Trao oxy-Trao sự sống" vượt mưa gió vận chuyển oxy miễn phí đến BV dã chiến quận 11

Đó là hơn 11 nghìn tình nguyện viên đang ngày đêm chung tay cùng các lực lượng y tế, không ngại ngần lao vào vùng dịch, lao vào các bệnh viện dã chiến với bao hiểm nguy gian khó. Đó là bạn bè tôi trong nhóm “Trao oxy - Trao sự sống”, những người dù chưa tiêm đủ hai mũi vắc-xin phòng dịch, vẫn ngày đêm vận chuyển hàng trăm bình ô-xy miễn phí mỗi ngày cung cấp cho những bệnh viện đang thiếu trầm trọng ô-xy, chạy đua với thời gian cứu sống bệnh nhân. Đó là bạn bè tôi, những doanh nhân, kiến trúc sư, nghệ sỹ, nhà báo…trong nhóm “Sài Gòn thương nhau”, hàng ngày ngược xuôi chở hàng hóa, thiết bị y tế, thiết bị nội thất để chung tay hoàn thiện nhanh nhất có thể cho các bệnh viện dã chiến. Hỏi họ mệt không, vất vả, khó khăn không? Câu trả lời là có, nhưng tất cả đều thấy hạnh phúc, vui vẻ, may mắn khi được sẻ chia với lực lượng tuyến đầu, với thành phố và nhất là với những bệnh nhân đang ngày đêm mong muốn được khỏe mạnh trở về an yên với gia đình.

Hôm nay toàn thành phố đã tổ chức tiêm được 3.430.990 mũi tiêm trong tổng số 4.111.040 liều vắc xin đã được nhận. Tốc độ tiêm chủng tăng nhanh, mỗi ngày hàng nghìn y tá trung bình đã tiêm được hơn 200.000 mũi và có thể tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm 250.000-300.000 mũi/ngày.

Thành phố tiếp tục mở rộng các gói hỗ trợ cho người dân khó khăn, thực hiện tiếp gói hỗ trợ đợt 3 với 900 tỷ cho 3 nhóm đối tượng. Đặc biệt hỗ trợ 1,5 triệu/hộ (1,2 triệu tiền mặt cùng quà tặng trị giá 300 nghìn đồng) cho 174.000 hộ lao động gặp khó khăn không phân biệt thường trú hay tạm trú, để hàng chục nghìn hộ lao động nghèo yên tâm ở lại thành phố thân thương này.

Không cần phải tới Shangrila, mà Sài Gòn, giờ đây mới chính là “miền đất hạnh phúc”, nơi " mặt trời và mặt trăng luôn ở trong tim". Bởi hạnh phúc là khi chúng ta lâm nạn, đều nhìn thấy được rất nhiều cánh tay nắm chặt bàn tay mình. Hạnh phúc là khi chúng ta còn khỏe, mỗi ngày đều cho đi và nhân rộng tình yêu thương!

Hoàng Anh

Xem thêm

Nhật ký chống dịch Covid-19: Khi hơi thở hóa thinh không

Nhật ký chống dịch Covid-19: Khi hơi thở hóa thinh không

Chứng kiến những khó khăn vất vả để giành giật sự sống cho bệnh nhân không phải để chúng ta sợ hãi mà chúng ta có thể nhận ra cuộc sống này đáng giá và đáng quý đến nhường nào, chúng ta biết cách sẽ phải sống như thế nào…
Nhật ký chống dịch Covid-19: Tình quê trong đại dịch

Nhật ký chống dịch Covid-19: Tình quê trong đại dịch

Chiều nay, như thường lệ, sau khi hoàn tất việc đưa gần 100 suất cơm ra cho khu cách ly tại trạm xá xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu, Nghệ An), tôi lấy xe ra về. Bất chợt điện thoại réo vang: Alo, chị Thu à! Chị đang ở mô đó (đâu đấy)?

Có thể bạn quan tâm

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Hồi trung tuần tháng 7, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp lại khoảnh khắc một nhóm tình nguyện viên mặc áo xanh trong trang phục bảo hộ kín mít, ngồi choàng vai nhau trên thùng chiếc xe bán tải, dưới cơn mưa tầm tã như trút nước.