Nhật ký chống dịch Covid-19: Con mơ thành Thánh Gióng!

"Học bổng Thánh Gióng" đã được các cán bộ của Thành đoàn TP Thủ Đức và các tình nguyện viên nhóm "Trao oxy-Trao Sự sống" trao tới từng nhà cho 30 em nhỏ có hoàn cảnh mồ côi cha, mẹ do đại dịch Covid!

Vào hạ tuần tháng 8, sau một lần cùng các tình nguyện viên đi giao oxy ở Bệnh viện quận 4, khi nhìn thấy bệnh nhân nhiễm Covid-19 nằm thở oxy, kiệt sức dưới sân của bệnh viện, giữa trời mưa như trút nước, mình đã bị sốc. Về nhà trong tâm trạng nặng nề, mình tự trấn tĩnh bằng một ấm trà sen nóng, đọc sách của Hoàng Tuyết Hạnh gửi và ngắm bức tranh Sen trắng, món quà kỷ niệm của họa sỹ Phạm Hà Hải.

Cứ mỗi lần buồn, tiêu cực là ngắm tranh Sen, ngắm xong thấy lòng lắng lại, thanh thản, bình yên hơn! Làm bạn với nhau hơn 15 năm, chưa một lần thấy Hà Hải nổi nóng, bực dọc, tiêu cực hay chỉ trích ai cả. Khó khăn thì anh lẳng lặng vượt qua, lẳng lặng làm, anh luôn là tấm gương của mình về một thời mà nghệ sỹ, họa sỹ, nhà văn, nhà báo thế hệ 7x đều phải vượt khó.

Có thể cùng ngồi cafe im lặng ngắm mây bay gió thổi mùa thu Hà Nội, có thể trút giận về ai đó, có thể khóc cười, kể lể đủ thứ thăng trầm của tình cảm riêng tư, Hà Hải...vẫn bình lặng nghe, bình lặng an ủi.

Anh rất gần, gần tới mức có cảm giác chạm tay là đến, nhưng khi chạm rồi thì thấy anh rất thận trọng, rất tĩnh lặng xa xôi. Ừ thì bạn mình là một người ưa bình yên, luôn gói ghém cảm xúc đẹp, luôn tiết chế nhịp đập của trái tim, để tạo những hòa ca của sự hài hòa, đẹp đẽ, tròn trịa. Nhưng rút cục, sự kìm nén nào cũng có lúc chạm tới đỉnh điểm của bùng nổ, lạ thay cái mà anh bùng nổ luôn là niềm tin, sự hy vọng, là cuộc sống sẽ xanh tươi, hồi sinh đến mãnh liệt.

Sau nỗi buồn ở Bệnh viện Quận 4, chứng kiến sự ra đi thương tâm của các bệnh nhân mắc Covid-19, và phải chia sẻ với nhiều bạn bè mất người thân vào khoảng cuối tháng 8, thì mình gọi điện cho Hà Hải, bảo anh vẽ cái gì đấy đi, để em bán đấu giá lấy tiền làm thiện nguyện. Nói rồi, lại hớt hải với công việc tình nguyện viên, và nghĩ rằng, anh sẽ quên!

Vậy mà hôm qua, khuya, anh nhắn tin rằng anh đã hoàn thành xong, sau 1 tháng, tác phẩm “Gióng Xanh”, được tạo ra bởi một kỹ thuật hoàn toàn mới “Acrylic trên giấy giang”. Giấy giang là giấy thủ công truyền thống bản địa do người H’Mong Hoà Bình làm từ cây giang. Kỹ thuật mài với vật liệu acrylic thực sự là một kết quả thể hiện với kỹ thuật rất riêng, cho đến nay chỉ riêng mình anh triển khai ở Việt Nam.

Mình biết, anh theo đuổi mạch đề tài huyền sử đã 5 năm nay, với các huyền tích Mẹ Âu Cơ, Lạc Long Quân & Âu Cơ, Tiên Dung & Chử Đồng Tử và nay là Thánh Gióng. Điều mình thán phục nhất ở anh là sự kiên nhẫn theo đuổi kỹ thuật mới. Ý thức đổi mới chất liệu thể hiện, phát hiện và hoàn thiện những kỹ thuật sáng tạo cá nhân vừa là quan niệm thẩm mỹ, tâm niệm sống của cá nhân hoạ sỹ và cũng nhằm cho thấy những chiều kích mới của tác phẩm nghệ thuật thị giác.

Phù Đổng Thiên Vương - Đức Thánh Gióng, một trong bốn vị thánh bất tử của tâm thức người Việt, biểu tượng cao đẹp cho sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc, hào hùng, nhân văn. Sức mạnh của Thánh Gióng là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố: Tinh thần và vật chất, con người và vũ khí, cá nhân và cộng đồng. Một dân tộc kết hợp được các yếu tố trên thì chúng ta sẽ có sức mạnh vượt trội để chiến thắng.

Cảm ơn anh, một người bạn bền bỉ suốt 15 năm qua đã tặng tôi và các tình nguyện viên một bức tranh mang thông điệp đầy ý nghĩa vào một thời khắc thật khốc liệt của Sài Gòn: vượt qua đại dịch, ngoài ý chí, sức mạnh, sự quả cảm, không thể thiếu một trái tim tràn đầy tình yêu thương, nhân văn. Dẹp giặc ngoại xâm xong thì bay về trời, không màng danh lợi, ngai vàng, chả tính đếm vật chất, một tinh thần yêu thương con người tới đỉnh cao của Thánh Gióng.

“Với mình, đây là một lời bày tỏ, chia sẻ những đau xót khi đại dịch diễn ra quá bất ngờ và mình muốn thắp mãi sức mạnh, niềm hy vọng mãnh liệt, lan tỏa tình yêu thương nhân văn, cầu chúc tất cả sớm vượt qua khó khăn thực sự lớn này”, họa sỹ Phạm Hà Hải bày tỏ.

Phạm Hà Hải không chỉ là một họa sỹ đầy nội lực, tài năng, luôn chuyển tải những triết lý sống sâu sắc, nhưng không kém phần lãng mạn, bay bổng mà còn là một người bạn đầy tin cậy, dù rất gần, hay rất xa, dù bình yên hay bão tố, vẫn mãi đi bên đời, với vẻ ngoài trầm tĩnh nhưng trái tim tràn đầy tình yêu thương, sự sẻ chia với mọi người.

Chân thành cảm ơn nhà sưu tập Khổng Phan Đức tham gia ủng hộ đấu giá và sở hữu bức tranh này. Chân thành cảm ơn họa sỹ Phạm Hà Hải đã dành toàn bộ số tiền bán đấu giá bức tranh để hôm nay nhóm tình nguyện viên “Trao oxy-Trao Sự sống” và Thành đoàn Thủ Đức trao học bổng mang tên “Thánh Gióng” cho 30 em học sinh mồ côi cha, mẹ do đại dịch Covid 19. Cảm ơn tấm lòng thiện tâm của chuyên gia tài chính ngân hàng Hoàng Tuyết Hạnh đã trao 30 phần quà gồm sữa, sách truyện, vở, dụng cụ học tập cho các em.

“Con sẽ cao to khỏe mạnh và dũng cảm như ông Gióng”. “Con sẽ học giỏi và học vẽ đẹp để vẽ bức tranh về ba của con”… Vết thương nào rồi cũng sẽ lành, sự sống sẽ hồi sinh, niềm vui hạnh phúc sẽ đến với các em nhỏ, khi chúng ta cùng nối vòng tay yêu thương!

Chia sẻ củaNhà báo Hoàng Anh

Xem thêm

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Hồi trung tuần tháng 7, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp lại khoảnh khắc một nhóm tình nguyện viên mặc áo xanh trong trang phục bảo hộ kín mít, ngồi choàng vai nhau trên thùng chiếc xe bán tải, dưới cơn mưa tầm tã như trút nước.

Có thể bạn quan tâm

Nhật ký chống dịch Covid-19: Nên chăng...?

Nhật ký chống dịch Covid-19: Nên chăng...?

Đợt bùng phát đại dịch Covid lần thứ 4 từ 27/4/2021 đã qua 121 ngày. Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền các tỉnh thành trực thuộc trung ương đã và đang triển khai, thay đổi nhiều phương án, cách thức để chỉ đạo người dân và các cấp các ngành thực hiện.
Nhật ký chống dịch Covid-19: Để người nghèo vợi bớt những âu lo

Nhật ký chống dịch Covid-19: Để người nghèo vợi bớt những âu lo

Đợt dịch lần thứ tư này đã khiến người nghèo và người dễ bị tổn thương tại Sài Gòn ngày càng kiệt quệ, vật vã trong khó khăn. Và một trong những vấn đề tồi tệ nhất mà họ phải đối mặt đó chính là chẳng may qua đời không có khả năng để mai táng