Nhật ký chống dịch Covid-19: “Không ai trong chúng ta giỏi bằng tất cả chúng ta”

Nếu hỏi trong những ngày dịch giã này, tiếng động nào là âm thanh buồn bã nhất, mình sẽ trả lời, đó là tiếng xe cấp cứu. Và âm thanh nào mình yêu nhất, đó là tin nhắn ting ting nhẹ lòng: “Chị ơi, bố mẹ em âm tính rồi”. “Chị ơi, con em một vạch rồi"…
Thêm nhiều bệnh nhân từ bệnh viện dã chiến 13 do các y bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đảm trách đã xuất viện
Thêm nhiều bệnh nhân từ bệnh viện dã chiến 13 do các y bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đảm trách đã xuất viện

Ngày sinh viên, âm thanh mà mình thích nhất là tiếng đàn violon của mẹ và tiếng đàn ghi ta của một chàng sinh viên Nhạc viện Quốc Gia. Cứ chiều cuối tuần, sau buổi hòa nhạc, bạn ấy thường tìm xuống KTX, ôm đàn hàng giờ chờ đợi mình… Nhưng chúng mình đã không trở thành một cặp đôi, lý do duy nhất là mỗi khi chúng mình hòa nhạc, bạn hay để âm thanh cây đàn của bạn vượt trội, lấn át hết cả những âm thanh khác trong band. Mình thích sự cộng hưởng.

Mấy chục năm trôi qua, tưởng người cũ đã xa, tình cũng phôi pha, vậy mà trong một màn mưa giăng mắc mịt mù chiều tối qua ở quận 3, khi mình từ nơi họp báo đang căng mắt tìm đường về nhà do nhiều tuyến phố đã chăng dây thì mình gặp lại “người cũ”. Đơn thuốc mình xin cho một đồng nghiệp là F0 đăng trên nhóm thiện nguyện cách đó chỉ 30 phút, bất ngờ “người cũ” là một trong những tình nguyện viên chuyển thuốc cho các bệnh nhân F0 tại nhà.

Bạn là F0 đã khỏi bệnh, để qua nổi các chốt công an do chưa xin được giấy đi đường, bạn khoác lên vai chiếc đàn ghi-ta, và cũng để lúc rảnh thì vào các khu cách ly điều trị F0, bạn hát cho bệnh nhân F0 nghe. Mình nhận ra bạn, bởi thời thanh xuân, bạn vẫn thường khoác trên vai cây đàn như vậy đi tìm mình. Trong giây phút ấy, bất giác, mong mưa thôi giăng mắc, để ít nhất, chúng mình nhìn thấy rõ hơn ánh mắt của nhau, và để những túi thuốc và cả chiếc đàn của bạn mình không ướt. Không kịp nói với nhau câu nào, vì đưa thuốc cho các F0 là công việc khẩn cấp, bạn phóng vụt xe máy, xé tan màn mưa.

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai ở Bệnh viện dã chiến 16 quận 7 căng sức cấp cứu bệnh nhân
Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai ở Bệnh viện dã chiến 16 quận 7 căng sức cấp cứu bệnh nhân

Thanh xuân trôi qua, phải chăng những thăng trầm đã cho người ta lớn lên, cảm ơn “người cũ” đã cho mình hình dung rõ hơn về ý nghĩa của một sự Cộng Hưởng - một yếu tố vô cùng quan trọng không chỉ trong hòa nhạc mà trong bất kỳ thử thách nào của cuộc sống, nhất là trong đại dịch.

Sự cộng hưởng, đã giúp cho công cuộc chống dịch của TP.HCM trong 7 ngày xiết chặt hơn việc giãn cách vừa qua thu được nhiều kết quả khả quan, mà điển hình nhất là giảm số bệnh nhân tử vong (nếu ngày 22/8 là 340 ca tử vong, thì ngày 29/8 chỉ còn là 245 ca).

Thứ nhất, đó là việc thành lập 411 trạm y tế lưu động trong đó có sự tăng cường của lực lượng quân y, đây là một quyết sách kịp thời tuyệt vời. Nhiều bệnh nhân đã khóc khi qua cơn nguy kịch và cảm ơn các bác sỹ quân y trong đó có nhiều bệnh nhân mắc các bệnh thông thường khác.

Thứ hai, thuốc đã đến tận tay F0 điều trị tại nhà rất nhanh chóng. Cách đây 5 hôm, một số người quen của mình trong đó có cả đồng nghiệp dính F0, mình đã rất lo lắng trong việc đi tìm nguồn thuốc chữa trị, thậm chí sau đó nghĩ tới sẽ phải xin cả thuốc dự trữ cho anh em phóng viên đi làm thời sự. Nhưng, vài hôm nay, chỉ cần kết nối với nhiều nhóm thiện nguyện là mình đã nhận được sự giúp đỡ hảo tâm về thuốc.

Ở Sài Gòn, không lo thiếu thuốc
Ở Sài Gòn, không lo thiếu thuốc

Hiện Sở Y tế đã chuẩn bị được 150.000 túi thuốc A, B, sẵn sàng phục vụ nhu cầu. Gọi điện cho một đồng nghiệp ở quận 7, em nói túi thuốc y tế phường chuyển đến tận nhà gồm túi A (thuốc hạ sốt và các loại thuốc nâng cao thể trạng bệnh nhân), túi B (thuốc kháng viêm, kháng đông) và túi C (thuốc kháng virus Molnupiravir).

Thứ ba, các cán bộ y tế đã hướng dẫn cách sử dụng các túi thuốc cặn kẽ hơn, rõ ràng hơn, nhất là cách sử dụng thuốc kháng viêm và kháng đông. Hai loại thuốc này chỉ sử dụng khi bệnh chuyển sang giai đoạn chờ gọi xe cấp cứu mà chưa có, khi vào đến viện thì bác sĩ sẽ chỉ định tiếp, chứ không sử dụng bừa bãi, càng không sử dụng khi mới phát hiện là F0. Tin vui hôm nay là dự kiến 1-2 ngày nữa, TP sẽ được cung ứng thêm 34.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir, hy vọng đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân F0, giảm tỷ lệ chuyển nặng.

Bởi vậy, các bạn đừng lo Sài Gòn không có thuốc nhé, quan trọng là năng động tìm hiểu thông tin để biết cách thức xin thuốc ở đâu, và xin lưu ý cố gắng không tích trữ nhiều thuốc, để nhường cơ hội chữa trị cho các bệnh nhân F0 khác.

Thứ tư, việc giảm tỷ lệ tử vong trong 1 tuần gần đây còn có một yếu tố tích cực khác mà cánh phóng viên chiến trường chúng mình vô cùng ghi nhận và đa tạ đó là sự hoạt động hết công suất, sức lực của các Trung tâm hồi sức tích cực vừa mới bổ sung thêm cho TP.HCM. Điển hình như Trung tâm hồi sức tích cực của y bác sỹ Bệnh viện Việt Đức ở Bệnh viện dã chiến 13, Bệnh viện Bạch Mai ở Bệnh viện dã chiến 16, Bệnh viện dã chiến 14 của các y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế. Mừng lắm luôn là, bệnh viện đa tầng đầu tiên của TP.HCM tại quận Tân Bình, do các y bác sỹ của Bệnh viện Thống Nhất đảm trách, đã hoạt động được 10 ngày, mà ở đó bệnh nhân trở nặng được kịp thời chữa trị luôn.

Một học sinh tiểu học ở quận 6 cộng hưởng niềm tin đẩy lùi đại dịch bằng một bức tranh cảm ơn các cô chú y bác sỹ
Một học sinh tiểu học ở quận 6 cộng hưởng niềm tin đẩy lùi đại dịch bằng một bức tranh cảm ơn các cô chú y bác sỹ

Thứ năm, việc thần tốc phủ sóng vắc- xin là một điều quan trọng. Tính đến hôm nay, tổng số mũi vắc- xin đã triển khai tiêm là 6 triệu người. Các mũi vắc- xin đã bắt đầu đủ thời gian phát huy tác dụng, nên tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng chắc chắn giảm. Khi bạn bè, đồng nghiệp dính F0, hầu hết mình đều hỏi, đã tiêm vắc- xin chưa, mấy mũi rồi. Kết quả thu thập được những bạn đã tiêm một mũi thì 5 ngày sau đã nhắn tin thèm phở gà, lòng lợn, bún măng ngan... Còn những bạn tiêm hai mũi thì chưa ngày nào cảm thấy chán ăn cả, không có triệu chứng gì hết.

Tất nhiên, với việc tổng xét nghiệm trên địa bàn TP thì số ca mắc vẫn đang tăng, bệnh nhân nặng nguy kịch và số ca tử vong vẫn đang là thách thức đối với ngành y tế nhưng ít nhất, sự cộng hưởng giữa quân và dân trong những ngày qua cho chúng ta cái nhìn tích cực về chống dịch ở TP.HCM.

Trong tiếng Anh cộng hưởng là “together”, để dễ nhớ cũng có thể nghĩ tới ba từ “to get there”, nghĩa là cùng đến đích.

Thành thật mà nói thì cách đây 6 năm, khi chưa vào Sài gòn, mình có thói quen làm việc độc lập. Nhưng đất và người Sài Gòn đã thay đổi rất nhiều con người mình, mà đặc điểm rõ nhất là sự cộng hưởng trong làm việc. Giờ đây mình cảm thấy hạnh phúc khi tất cả đều nắm tay nhau, cùng lan tỏa yêu thương, nhờ vậy đại dịch không còn là nỗi ám ảnh.

Hãy là một nốt nhạc đẹp trong một bản hòa ca...
Hãy là một nốt nhạc đẹp trong một bản hòa ca...

Lại nhớ câu chuyện một doanh nhân trong những lúc cà kê ở café Dinh Độc lập, anh thường nói, ở Sài Gòn “không cần biết em là ai, không cần biết em từ đâu”, miễn là em năng động, em sẵn lòng hòa nhập, thì em không cô đơn.

Trong đại dịch, ý nghĩa của sự KHÔNG CÔ ĐƠN càng quan trọng nữa. Thay vì ngồi đó lo lắng và than vãn, bạn hãy vui vẻ kiếm tìm nhau bởi “Không ai trong chúng ta giỏi bằng tất cả chúng ta”.

Sự cộng hưởng giúp mỗi người tăng cường nội lực ở bản thân và tăng cường sức mạnh với mọi người xung quanh.

Cảm ơn cơn mưa chiều qua để mình tìm lại người bạn thời thanh xuân, khoác trên vai cây đàn để đi trao thuốc, bạn đã cho mình tin rằng, khi tất cả chúng ta đều là những nốt nhạc bay bổng trong một bản hòa ca mạnh mẽ và hùng tráng, rồi đây cả Sài Gòn sẽ vượt qua đau thương để đẩy lùi đại dịch. Nếu cho ra đời một dự án thiện nguyện khác sau “Trao oxy - Trao Sự sống”, chắn chắn mình sẽ lấy tên dự án là TOGETHER - cùng nhau đi đến đích!

Chia sẻ của Nhà báo Hoàng Anh

Có thể bạn quan tâm