Đây là công sức vất vả của các anh em tình nguyện viên trong nhóm, ngược xuôi đặt mua và vận chuyển từ Hà Nội vào.
Giá bình chứa oxy trong hai tuần gần đây tăng chóng mặt, từ 1 triệu đồng lên tới 5 triệu đồng/1 bình loại 40L, còn bình loại 10L thì tăng từ 500 nghìn đồng lên tới 1,5 triệu đồng/bình. Bên cạnh đó, giá đồng hồ đo áp lắp riêng cho từng bình riêng cũng tăng chóng mặt, từ 250 nghìn đồng/bộ có lúc tăng tới 1,3 triệu đồng/ bộ. Đã đắt đỏ lại còn khan hiếm. Các bác sỹ than trời gì thiếu bình oxy, các bệnh nhân thì giành giật từng hơi thở... Vậy nên mọi thành viên trong nhóm lại hối hả đi tìm mua. Khó khăn nữa là việc tìm mua oxy tinh khiết 99% đạt chất lượng tiêu chuẩn.
Nhưng hình như tình yêu thương là những mạch ngầm lan tỏa trong từng trái tim người Việt mình. Đúng như lời động viên của con gái một chị tình nguyện viên trong nhóm, cháu đang làm nghiên cứu sinh về ngành Xã hội học ở Mỹ: “Con ở châu Âu nhiều, ở Mỹ cũng lâu, con thấy truyền thống tương thân tương ái của người Việt mình thì không ở đâu bằng”.
Quả thật, đang khó khăn tìm nguồn oxy để mua thì giám đốc một nhà máy ở Đồng Nai sẵn sàng tài trợ 100%. “Cứu người mà em, ban lãnh đạo chả tính toán tiền nong gì lúc này”. Anh còn hỗ trợ người bốc vác đỡ đần cho tình nguyện viên.
Giám đốc một công ty kinh doanh thiết bị y tế khi nghe mình trình bày công việc hàng ngày của nhóm, anh ngạc nhiên khi trong một thời gian quá ngắn mà cả nhóm đã huy động được tới trên 2 nghìn bình loại 40L để xoay vòng thiện nguyện cứu người. Anh tức tốc tìm nguồn đồng hồ đo áp và thông báo không lấy lãi với giá chỉ 400 nghìn đồng/bộ (bằng 1/3 giá thị trường). “Cứu người mà em, làm ăn thì để lúc khác, lúc này tình người trên hết có đức mặc sức mà ăn em ạ”.
Mình sung sướng vô cùng, nhờ vậy nhóm đã ký hợp đồng với công ty của anh, và mua được tới 200 bộ. Vậy mà vẫn như muối bỏ biển vậy, mua tới đâu thì bệnh viện xin tới đó... "Không sao đâu, nhiệm vụ của các bác sỹ là cứu người, bình và đồng hồ các anh yên tâm" - mình nói vậy thôi nhưng mà vẫn lo ngay ngáy.
Hôm qua có nhiều bạn là sinh viên, họa sỹ, nhân viên kinh doanh xin làm tình nguyện viên tiếp sức chương trình. Mình hỏi các em tiêm chưa, các em bảo: “Bọn em miễn dịch hoàn toàn rồi, toàn F0 xuất viện cả, bọn em chiến thắng tử thần về với cuộc sống nên muốn giúp mọi người”. Hôm qua có một anh giám đốc công ty du lịch cũng nói anh sẵn sàng làm tình nguyện viên, làm việc gì cũng được. “Anh còn mỗi ba thôi mà ba anh mới qua đời ở bệnh viện dã chiến rồi, giờ anh đã tiêm đủ 2 mũi, may mắn hơn người khác nên anh muốn giúp những ai cần anh”.
Mình gọi điện hỏi thăm xóm “f0” ở phố Nguyễn Khoái, quận 4 (một quận đang là điểm nóng F0), trước mình và tình nguyện viên gửi thực phẩm ở xóm này. Lên nhóm hỏi thăm thì có đến 30 F0 ở xóm đã khỏe mạnh trở về nhà từ bệnh viện dã chiến. Có bạn nhắn: “Mẹ em 53 tuổi, đã hoàn toàn hôn mê, chờ chết ở nhà, vậy mà thật kỳ diệu khi được may mắn cấp cứu ở bệnh viện 115, giờ khỏe mạnh”. “Gia đình em cả nhà 5 F0 đã khỏe mạnh về nhà, không tốn một đồng chi phí nào, luôn được y bác sỹ ở bệnh viện dã chiến Thủ Đức chăm sóc tận tình, suất ăn nóng hổi, em xin xung phong vào đội phản ứng nhanh của phường rồi ạ”. “Gia đình em 4 người F0 tự chiến đấu ở nhà, y bác sỹ thăm khám qua online tận tình lắm, giờ khỏe cả rồi ạ, cả nhà đi nấu cơm thiện nguyện hết rồi chị”.
Hòa mình vào mạch ngầm yêu thương lan tỏa của nhóm thiện nguyện, mình mới cảm nhận hết được tình yêu thương có một sức mạnh lớn lao đến nhường nào. Nhiều thành viên không biết mặt nhau, nhưng chúng mình cùng chung một tâm huyết là góp sức lực nhỏ bé của mình chung tay cứu người.
Các bệnh viện cứ cần gì thì chúng mình lại tự giác lên đường. Thế rồi gia đình nhà ai có F0, cả nhóm lại lăn xả vào lo toan như người thân của gia đình mình, xin đủ mọi bệnh viện để lo cấp cứu bằng được, ai có thuốc thì hỗ trợ mang thuốc đến, để rồi mỗi sớm lại hoan hỉ báo tin, người thân em khỏe rồi, khỏe rồi. Thật hạnh phúc khi lâm nạn, lại có những cánh tay nắm lấy bàn tay mình giống như choáng váng vì bị sóng thần vùi thì lại có người khác nâng mình lên khỏi mặt nước.
Đi làm tình nguyện viên mùa dịch, để đảm bảo 5K, thì lái xe, bốc xếp, bê vác nhiều lắm cũng chỉ có hai bạn, đói cồn cào chạy mấy chục km chỉ nhai lương khô và uống nước qua bữa. Vậy mà các tình nguyện viên nhắn thấy thương: “Tính than vãn vài câu mà tới bệnh viện thấy y bác sỹ và bệnh nhân còn cực khổ hơn mình, nên lại cười tươi”. “khi bình oxy được chở đến, nhìn những bệnh nhân đang thoi thóp, sắc mặc hồng hào trở lại, mỏi mệt mỏi tan biến”. “Hôm chở tới, thấy một người mẹ kêu thất thanh, bác sỹ ơi con tôi đứng tròng rồi, ấy vậy mà chụp bình vô, 15 phút sau, con cô ấy hết co rút, hôm sau tới bệnh viện lấy vỏ thấy nói con cô đã qua cơn nguy kịch, ăn được cháo rồi, đúng thời điểm vàng, nên vui không tả xiết”.
Cứ mải miết đi như thế, bố mẹ anh em, gia đình, bạn bè lo lắng nhiều lắm, nhưng cũng tin tưởng, tự hào và động viên nhiều lắm.
Hai ngày qua bận ngập đầu, mở mắt ra thấy tin nhắn ting ting thì xúc động vô cùng. Bố mẹ và một số gia đình bạn bố mẹ trong nhóm “Cúc họa mi”, ở xứ Thanh quê mình, nhóm các anh chị biên tập viên, phóng viên của Tạp chí Thương Gia, nhóm các anh chị phóng viên của một tòa soạn khác, nhóm bạn bè hồi phổ thông... gửi tiền ủng hộ dự án “Trao oxy- Trao sự sống” và vòng đeo tay cho bệnh nhân.
Nhân đây em cũng thông báo tin vui là có một chủ doanh nghiệp ngành nhựa, nhờ sự lan tỏa của anh Thanh, phó TBT Tạp chí Việt Mỹ mà chị đã cho công ty làm khuôn và sản xuất khẩn cấp nên vòng đeo tay chị sẽ tặng hoàn toàn đủ số lượng bệnh viện cần.
Em xin phép tập hợp số kinh phí mà em nhận được và gửi mua vỏ bình hoặc đồng hồ đo áp gắn cho bình o xy, những trang thiết bị mà các bệnh viện cực kỳ thiếu. Những sản phẩm này sẽ được trao lại cho ban điều hành dự án để nhóm lại tiếp tục đi xin oxy tinh khiết và trao cho các bệnh viện bất kể ngày đêm.
Đêm hôm qua có rất nhiều tình nguyện viên không về nhà, cứ mải miết đi giao o xy cho các bệnh viện, các bạn không đành lòng ngủ yên khi nghe những lời kêu cứu khẩn cấp. Đi chiến dịch cực khổ mà vui, đúng là “Ở đồn Mang Cá, thích hơn ở nhà”!
Chia sẻ của nhà báo Hoàng Anh