Nhật ký chống dịch Covid-19: Ôm chặt em nhé anh!

18h tối, mình chầm chậm đi qua những con đường sành điệu nhất của Sài Gòn, chờ bác sỹ Lanh trong đoàn 400 bác sỹ vào chia lửa với lực lượng y tế của TP. Đêm qua em và các bạn đáp Tân Sơn Nhất thì hôm nay đã quần quật với công việc ở BV dã chiến số 16.
Hết dịch, chúng mình sẽ ôm nhau thật chặt... Giờ phải chào Suối Tiên để về Bệnh viện dã chiến Bình Chánh
Hết dịch, chúng mình sẽ ôm nhau thật chặt... Giờ phải chào Suối Tiên để về Bệnh viện dã chiến Bình Chánh

Như cuộc chia tay đã lâu mà vết thương chưa lành, phố Đồng Khởi im lìm trong u buồn, ai đó đặt một bó hoa hồng nhỏ trên bậc thềm quán café, như muốn tìm kiếm những ngày tháng yêu đương mặn nồng sôi nổi và kiêu hãnh mang tên Sài Gòn. Không gian tĩnh lặng như muốn ứa mi mắt. Bất chợt trên ban công, tiếng dương cầm dừng lại, hắt từ ánh điện vàng ấm có giàn ti-gôn, cô gái thốt nho nhỏ nhưng nghe trong âm thanh trong vắt, rõ tiếng sóng trào vừa nhớ nhung,vừa bất lực tha thiết: “Ôm chặt em nhé anh”….

Đã bao ngày rồi, chúng ta không thể ôm nhau?

Vậy mà đã hơn 90 ngày, chúng ta chỉ có thể chào nhau qua song cửa, hay bậc thềm, hay vỉa hè góc phố. Ngày 22/6, bọn trẻ con nhà mình bị lockdown tuốt ở quận Bình Tân, mấy mẹ con chỉ có thể vẫy tay hôn gió, khoảng cách 30 bước chân bị ngăn bởi những hàng rào chằng dây mà sao xa như nghìn trùng. Mình đặt bịch đồ thực phẩm nặng trĩu sữa ở điểm canh gác chằng chịt dây, chợt một chiếc xe cấp cứu rà tới. Thằng bé cỡ 9 tuổi, mặc quần áo bảo hộ thùng thình, hốt hoảng choàng ôm chân mình mếu máo: “Cô ơi, cô ơi cứu con”.

Hai y tá lao tới. “Đừng, đừng chị để em ôm cháu nhé chị, em có đồ bảo hộ”…. Chiếc xe lao vút qua mặt mang theo cả thằng bé làm mình nghẹn tim. Khi ấy, nghĩ đơn giản, phường An Lạc chắc cũng chỉ chăng dây vài ngày, thật không ngờ thêm 28 đêm trắng. Quận Bình Tân từ 50 ca F0 lên tới 5 nghìn F0, dịch giã đổ xuống như một cơn sóng thần. Thế rồi, không chỉ còn là Bình Tân, mà khắp Sài Gòn thân thương này, nơi nào sóng thần cũng ập tới khốn khó. Sẽ có bao nhiêu thằng bé mắt tròn xoe, cần một vòng tay ôm?

Chào Bệnh viện Bình Thạnh, phi cơ đã đáp!
Chào Bệnh viện Bình Thạnh, phi cơ đã đáp!

Thương từ kiếp nào?

Yêu như một cơn sóng, còn thương là cả một dòng sông miên man vương vọng trân trọng. Tình thương, gồm cả niềm tin, sự gắn bó sắt son, thâm sâu, bền chặt. Nó là tình cảm, như là món nợ lớn nhất của đời người, là gánh vác những vui buồn, thất bại hay thành công, vinh quang hay cay đắng của người ta đã trót thương. Chúng ta dù ở đâu, nghìn trùng mà không xa cách, đều thương Sài Gòn từ kiếp nào.

Sáng nay dậy sớm, đón giọt nắng ấm áp luồn qua rèm, cay mắt khi khoảng sân rợp bóng cây xanh đã lâu lắm không một bàn chân qua lại.

Chị tạp vụ chung cư thít chặt 2 khẩu trang, trùm đầu tóc kín mít, e dè, chậm rãi quét lá rơi. Mình cũng thít chặt hai khẩu trang, phi như tên xuống điểm tập kết oxy ở Suối Tiên quận 9, lặng nghe cả một không gian mênh mông xào xạc. 5 giám đốc trẻ, 5 tình nguyện viên kín mít trong bộ đồ bảo hộ mầu trắng hối hả 100 bình lên xe. Mồ hôi túa ra ướt đẫm lưng áo. Hôm nay, gần 500 bình đã được giao cho 15 bệnh viện, có cả Trung tâm y tế quận 4, nơi có tới 6 điểm thu dung bệnh nhân F0, nơi một nữ nhà thơ cùng gia đình bị F0 đã từng thốt lên, nếu không có o xy, tôi và biết bao người chắc đã lặng lẽ ra đi.

Thương, là khi y sỹ Trúc ở quận 4 hớt hải đi cấp cứu bệnh nhân F0 về, rung rưng khóc vì sung sướng khi nhận được oxy. Thương, là khi em lấp lánh nụ cười, nhiều bệnh nhân đã sống và bảo không thể ngờ các anh chị là giám đốc, là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, mà lại làm thợ khuân vác cừ thế, bệnh viện quận nghèo lắm, chả có gì đền đáp. Thương là thế, là cho đi tự nguyện mà không mong gì nhận lại, em ạ!

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đêm nay bình yên nhé!
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đêm nay bình yên nhé!

Chiều nghe anh em Bệnh viện Y học Cổ truyền nhận được 40 bình oxy mà không có đồng hồ, khốn khổ vì không thể cho bệnh nhân thở được, chúng mình hối hả tìm đến nhà “tình nguyện viên vàng” Tuấn Anh. Con phố thanh bình nhất của quận 5 chìm trong tĩnh lặng, lá vàng rơi đầy những dãy nhà đơn côi. Duy nhất chỉ còn nhà anh là ấm cúng tiếng cười của bọn trẻ đáng yêu đang tung bóng.

20 bộ đồng hồ quý như vàng đã được Tuấn Anh cẩn thận giao không tính đếm gì cả, thôi cứu người là trên hết. Mình tức tốc quay trở lại Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền mừng quá trịnh trọng xuống nhận, chụp vội kiểu ảnh với anh em. Thương, vì sự sống của bệnh nhân mà ban lãnh đạo các bệnh viện và các y bác sỹ luôn phải lặn lội đi tìm trang thiết bị, một việc chưa từng có tiền lệ. Thương, vì sợ y bác sỹ thiếu thốn vất vả, sợ bệnh nhân khốn khó, nguy kịch mà các tình nguyện viên cũng trăn trở đi kiếm tìm.

Trao xong 20 hộp đồng hồ, thấm mệt, than chút vậy mà chị Nga, một mạnh thường quân trong nhóm Trao oxy vội vàng gọi, qua quận 7 chị cho thuốc quý. Hai chị em chưa từng biết mặt nhau, chị thương mình, cho hẳn bịch thuốc nặng cả 5kg, thôi cứ khỏe lại lên đường tiền nong chị lo. Thuốc đông y của chị hay ghê ấy, uống vào mát lịm, dễ thở, khỏe người, mũi không còn ngạt ngạt khó chịu.

Thành phố ngủ bình yên nhé!

Ba chiếc xe ca chở y bác sỹ bệnh viện Bạch Mai về tới Hai Bà Trưng đã muộn, ai nấy đều phờ phạc, nhưng Lanh vẫn cười trao cho mình hộp khẩu trang quý giá để chuyển cho bác sĩ Hùng của đoàn Bệnh viện Việt Đức. “Em sợ bác sĩ Hùng phải đi trực gấp vào ca đêm, khẩu trang này không thể thiếu, giờ này chỉ có chị ra đường đuoc thôi, em cảm ơn chị”.

Không cần phải cảm ơn em ạ, Sài Gòn tri ân các em. Mình ôm bọc khẩu trang quý giá và chỉ có thể nói chuyện với bác sĩ Hùng vài câu trước khi anh trở vào Bệnh viện dã chiến số 13 Bình Chánh. Hộp cơm trên tay các anh em bác sỹ không còn nóng, nhưng quanh đó, những thùng mỳ tôm, những túi trái cây, những túi sữa nhỏ xinh, là tình cảm của nhóm “Sài Gòn thương nhau” gửi tới các bác sỹ từ Thủ đô đã sẵn sàng.

Toàn nữ bác sỹ hả? Thôi để chúng tôi tự tìm cách lăn bình xuống nhé.
Toàn nữ bác sỹ hả? Thôi để chúng tôi tự tìm cách lăn bình xuống nhé.

Đêm nay, 300 y bác sỹ của Việt Đức và hàng nghìn y bác sỹ lại trắng đêm giành giật sự sống cho bệnh nhân nặng để rồi chắc chắn ngày mai tin nhắn lại rổn rảng khắp các group: “Mẹ em tưởng chết ở nhà vậy mà giờ đã ăn cháo được”, “Ba em đã sống nhờ được chăm sóc ở phòng ICU”, “Anh ruột em đã cai thở máy…”.

Tôi và bác sĩ Hùng chia tay giữa đêm Sài Gòn hoa lệ, những tòa nhà kiêu hãnh không sáng đèn. Mong thành phố ngủ yên, thức đêm đã có chúng em!

Khuya, một tình nguyện viên trong nhóm gửi màn hình chụp có dòng tin: “Anh từng hứa sẽ không rời xa em, vậy mà sao bão táp mưa sa, anh lại để em một mình”. Rồi người con trai trả lời: “

Đã giao xong 50 bình cho cả cơ sở 1 và 2 Bệnh viện Đại học Y Dược. Đêm nay chúng mình cùng chúc nhau bình an cho tất cả!
 Đã giao xong 50 bình cho cả cơ sở 1 và 2 Bệnh viện Đại học Y Dược. Đêm nay chúng mình cùng chúc nhau bình an cho tất cả!

Anh mãi luôn bên em, chỉ vì dịch bệnh mà cách trở, hết dịch sẽ ôm em thật chặt”.

Hôm nay, thành phố đã có hơn 2,5 nghìn bệnh nhân xuất viện rồi, hơn 5 triệu người dân được tiêm phòng rồi, sắp có 1.000 ATM o xy, hàng chục nghìn túi thuốc an sinh miễn phí và dự án “Trao oxy- Trao sự sống” dự định sẽ tặng thành phố khoảng 1.000 chiếc bình oxy quý giá để tăng cường cho các trạm y tế phường cấp cứu F0, nơi cực kỳ thiếu thốn.

Tình yêu, hay tình thương thì cũng đều là món nợ tình cảm trân quý. Nhưng thương, thì ngoài yêu ra còn bao gồm cả hiến dâng và cho đi, là không tính toán thiệt hơn, không nề hà khốn khó. Thương còn là trách nhiệm và muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho người mình yêu. Thương, nhưng chưa thể ôm nhau thật chặt. Hẹn hết dịch, chúng mình ôm nhau thật chặt, nhé anh!

Chia sẻ từ nhà báo Hoàng Anh

Xem thêm

Nhật ký chống dịch Covid-19: Khi hơi thở hóa thinh không

Nhật ký chống dịch Covid-19: Khi hơi thở hóa thinh không

Chứng kiến những khó khăn vất vả để giành giật sự sống cho bệnh nhân không phải để chúng ta sợ hãi mà chúng ta có thể nhận ra cuộc sống này đáng giá và đáng quý đến nhường nào, chúng ta biết cách sẽ phải sống như thế nào…
Nhật ký chống dịch Covid-19: Trao bữa cơm - Ấm niềm tin

Nhật ký chống dịch Covid-19: Trao bữa cơm - Ấm niềm tin

Xã Quỳnh Văn (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) - Một miền quê bấy lâu sống trong cảnh thanh bình, không ồn ào khói bụi, không tấp nập xe cộ bất chợt “dậy sóng” khi loa phóng thanh xã thông báo có trường hợp dương tính với Covid-19.

Có thể bạn quan tâm

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Hồi trung tuần tháng 7, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp lại khoảnh khắc một nhóm tình nguyện viên mặc áo xanh trong trang phục bảo hộ kín mít, ngồi choàng vai nhau trên thùng chiếc xe bán tải, dưới cơn mưa tầm tã như trút nước.