Nhật ký chống dịch Covid-19: Thầm lặng nơi tâm dịch

Những tin nhắn gửi đến bạn bè là bác sĩ đang công tác trong vùng tâm dịch mấy khi được hồi âm ngay lập tức. Vì họ không có thời gian nào cho riêng mình.

Tin nhắn trả lời thường được gửi lại trong giờ nghỉ trưa hay chập choạng tối, khi mọi người tranh thủ ngả lưng nghỉ lấy sức. Và sẽ là “Em ổn mà”, “Cháu khoẻ và vẫn ổn”.

Bác sĩ Lưu Anh Minh
Bác sĩ Lưu Anh Minh

Lưu Anh Minh, cậu thanh niên 26 tuổi, là bác sĩ khoa ngoại tại bệnh viện điều trị Covid-19 ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh đã nói với tôi như thế. Những lúc ấy, tôi luôn hình dung cậu bác sĩ trẻ, đeo kính cận và nụ cười sáng đang rất lạc quan và vui vẻ.

Tôi đã nghĩ về những điều Minh nói. Như thể các bác sĩ đã chuẩn bị tinh thần cho sự cam go mà cuộc chiến với giặc Covid-19 đang diễn ra. Như sự hiển nhiên rằng việc mỗi sớm mai đúng 6 giờ sáng, các bác sĩ và điều dưỡng trong kíp trực tại bệnh viện điều trị Covid huyện Củ Chi có mặt ở nơi mang quần áo bảo hộ để bắt đầu một ngày làm việc của mình. Lần lượt. Áo quần bảo hộ, khẩu trang, mặt nạ, tấm che giọt bắn, găng tay. Cẩn thận từng chút một. Muốn đủ sức khoẻ và bền bỉ để chiến đấu thì phải tự bảo vệ mình.

Quả thật. Đợt đầu tiên khi dịch bùng phát ở Vũ Hán rồi nhanh chóng dịch lây lan toàn thế giới, tấn công đến Việt Nam, khi mà trang thiết bị chống dịch còn thiếu thốn, kinh nghiệm điều trị chưa nhiều; Minh và đồng nghiệp đã có mặt trong khu điều trị bệnh nhân nhiễm Covid, làm việc không kể thời gian. Những lúc nửa đêm, khi bệnh nhân trở nặng, thở ôxi vì suy hô hấp, những khi vừa bàn giao ca trực, về đến phòng nghỉ, chưa kịp cởi bỏ bộ đồ bảo hộ kín mít thì đã nằm lăn ra giường vì kiệt sức…

Những ngày như hôm nay, thông tin về số bệnh nhân F0 tại TP. Hồ Chí Minh và cả nước tăng không ngừng, hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày. Số bệnh nhân dương tính Covid-19 luôn chạm mốc đỉnh ở con số hàng ngàn ca. Bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh đều phải tăng thêm giường. Bệnh viện mà Minh đang công tác tăng quy mô từ 300 giường lên 500 giường, hiện nay đã kín bệnh nhân. Bác sĩ, điều dưỡng phải ghép phòng ở, nhường dãy nhà công vụ để làm khu điều trị.

Nhưng những bác sĩ trẻ tôi biết, như Minh, rất bình tĩnh. Cháu có lo lắng không? Có chứ cô. Nhưng đó là những ngày mới thực hiện nhiệm vụ trong khu điều trị bệnh nhân nhiễm Covid thôi. Những ngày tiếp theo, rồi trong tình hình như lúc này thì bác sĩ phải là những người bình tĩnh nhất. Để chữa trị cho tốt. Để động viên bệnh nhân hãy lạc quan.

Luu A Minh và các bác sĩ tại bệnh viện Củ Chi
Luu A Minh và các bác sĩ tại bệnh viện Củ Chi

Đồng nghiệp của Minh, họ đều rất lạc quan. Ai cũng tin tưởng sớm hết dịch. Cho dù ngay thời điểm này, dịch vẫn chưa dấu hiệu hạ nhiệt, bệnh nhân ngày một tăng, khu điều trị và khu cách ly đang hoạt động hết công suất. Bác sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên làm gấp đôi thời gian và công việc. Có chăng thêm sự lo lắng, yêu thương và động viên bệnh nhân lấy lại tinh thần. Không có cuộc chiến nào như cuộc chiến với Covid, bác sĩ vừa điều trị bệnh nhân cũng vừa chăm sóc bệnh nhân như người nhà. Vì ở trong những bệnh viện đặc biệt này, không có người nhà đi theo chăm sóc bệnh nhân. Rồi cả việc bệnh nhân thường nhập viện trong tình trạng hoang mang, sợ hãi do bị dư luận hàng xóm trách móc, đổ tội lây nhiễm trong cộng đồng… bác sĩ và điều dưỡng phải là người kiêm luôn việc động viên tinh thần.

Minh chỉ kể về những đồng đội mình. Rằng họ rất giỏi và nhất định không chịu nói gì về mình. Minh bảo mình chưa làm được điều gì to lớn. Minh chỉ làm việc của một người bác sĩ nên làm trong thời điểm đất nước khó khăn, khi người dân cần tới bác sĩ nhiều hơn. Lúc này, khi TP. Hồ Chí Minh đang trong cuộc chiến gay go nhất của dịch bệnh hoành hành, khi mà số ca nhiễm mỗi ngày lên đến hàng ngàn thì việc Minh và những đồng nghiệp đang làm cũng là điều hiển nhiên mà thôi.

Cuộc trò chuyện thường ngắt quãng, thậm chí khi không phải là trong ca trực. Vì Lưu Anh Minh phải gấp rút đi hỗ trợ đồng đội, có khi lúc nửa đêm, có khi mờ sáng. Minh luôn kết thúc cuộc trò chuyện với tôi bằng sự dặn dò, rằng cô nhớ cẩn thận, bảo trọng, bình an. Lời nói ấm áp và yêu thương từ người đang ở giữa tâm dịch làm tôi xúc động biết mấy. Và cứ thao thức mãi khi Minh nói: Chỉ mong hết dịch, mọi việc sẽ quay trở lại những ngày bình thường. Cháu sẽ về Buôn Ma Thuột để được ăn bữa cơm nóng sốt của mẹ nấu.

Ước ao bình dị đến cảm động của Minh. Và cả thế giới này. Rồi sẽ sớm thôi, những bình an sẽ đến với chúng ta.

Niê Thanh Mai

Có thể bạn quan tâm