Mình cũng thường chứng kiến ông bà ngoại bắt mạch kê đơn cho bà con nghèo. Và dù lúc ấy rất nhỏ, nhưng không thể nào quên ánh mắt hạnh phúc của những nông dân nghèo được ông bà cắt thuốc chữa khỏi bệnh.
Không có duyên theo ngành y, lại vào nghề viết lách, nhưng có lẽ do có chút gen, mình rất hay tìm hiểu cách chữa bệnh kể cả cách dùng thuốc tây y sao cho đúng và kết hợp cùng thuốc đông y. Nhiều năm gần đây, mình tập luyện nhiều môn trong đó có khí công và thiền tịnh, thì hoàn toàn không sử dụng tây y mà chỉ dùng đông y thôi.
Đại dịch ở Sài Gòn, việc sử dụng đông y rất sớm đã giúp huyện Củ Chi điều trị khỏi rất nhanh nhiều ca bệnh, và đặc biệt không có trường hợp chết. Nhiều bác sĩ tây y nắm vị trí cao ngành y tế không chấp nhận sức mạnh của đông y. Họ hầu như không quan tâm và chịu khó tìm hiểu về Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông cùng giá trị của y học cổ truyền. Không ai phủ nhận vai trò rất quan trọng của y học phương tây khi chữa bệnh, đặc biệt khi bệnh trở nặng.
Nhưng đông và tây y là hai cấp độ khác nhau. Ở đó đông y phải đi trước vì các bài thuốc đông y từ thảo dược và các phương pháp dân gian rất hiệu quả cho phòng và dập bệnh tức thời khi bệnh vừa nhiễm thể nhẹ. Đông y là bức thành, lá chắn quyết định để dịch bệnh không trở nặng vì tạo đề kháng phòng dịch và ngăn dịch ngay khi vừa phát.
Huyện Củ Chi có một cách làm xé rào, đó là chăm sóc F0 nhưng “không coi F0 là người bệnh”, đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng, pha nước chanh - sả cho F0 uống, cấp thuốc, vitamin C, xuyên tâm liên và tăng cường dùng một số dược liệu. Huyện phát muối cho F0 rồi hướng dẫn pha để súc rửa mũi, họng nhằm giảm sự sinh sôi, nảy nở của virus trong cơ thể của F0. Bệnh nhân khỏi bệnh rất nhanh.
Một số điểm cách ly ở Trung tâm y tế quận 4 cũng thế. Các y, bác sỹ tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho F0 bằng việc mỗi sáng đều mở nhạc, hướng dẫn họ tập thể dục, phơi nắng; dùng bài thuốc đông y, dân gian. Tối thì tổ chức đi dạo, một thời điểm chỉ cho 3-4 phòng cùng ra ngoài, đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang, kích thích sự yêu đời, tinh thần sảng khoái. Mình vào mấy điểm ở đây tặng quà, thấy tinh thần bệnh rất thoải mái, vẫy tay chào nói vui vẻ, y bác sỹ cũng không rườm rà quần áo bảo hộ che chắn mặt mày, họ gần gũi xinh đẹp và tinh thần khá phấn chấn, trong khi rất nhiều điểm khác thì coi bệnh nhân chả khác gì tù giam lỏng. Nhận quà là thuốc đông y, các y bác sỹ không ngần ngại cho bệnh nhân dùng luôn và bày tỏ giá như có sớm thuốc thì đỡ quá.
Thuốc đông y được huyện Củ Chi đưa vào sử dụng từ giữa tháng 7. Từ khi dùng thuốc này, bệnh nhân xuất viện rất nhanh và tỷ lệ trở nặng thấp. Ví dụ trước đây, F0 phải mất 14-20 ngày mới âm tính. Sau khi uống thuốc, thời gian giảm chỉ còn 7 ngày, có trường hợp 3 ngày đã sạch virus.
Chân thành cảm ơn đại gia đình Đông y Phạm Gia đã lan tỏa tinh thần yêu thương tới tâm dịch Sài Gòn. Hôm qua đi từ gà gáy, khuya mới về, mình mẩy đau nhừ, nhưng xông xong thì sảng khoái, khỏe như chưa từng. Sáng nay chào Sài Gòn, chúng mình đi trao bình oxy cho Kiên Giang rồi tiếp tục quay trở về lan tỏa yêu thương cho Sài Gòn.
Nhớ thật nhiều Hà Nội, và cảm ơn những tình cảm bạn bè Thủ đô dành cho chúng mình. Hẹn gặp nhau sớm nhé Thủ đô! Cảm ơn đồng đội mình đã không quản mưa nắng đi trao yêu thương.
Chia sẻ củaNhà báo Hoàng Anh