Nhật ký chống dịch Covid-19: Tình quê trong đại dịch

Chiều nay, như thường lệ, sau khi hoàn tất việc đưa gần 100 suất cơm ra cho khu cách ly tại trạm xá xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu, Nghệ An), tôi lấy xe ra về. Bất chợt điện thoại réo vang: Alo, chị Thu à! Chị đang ở mô đó (đâu đấy)?

- Chị đang đưa cơm cho bà con khu cách ly ở trạm xá.

- Thế cho em ủng hộ ít rau ngót và 200 nghìn chị nhé. Để lúc nữa chị về, em đưa sang nhà cho chị nhé.

Cuộc hội thoại rất ngắn ngủi nhưng đã làm tôi vui suốt quãng đường về.

Hai bà cháu hái rau trong vườn ủng hộ bà con ở khu cách ly
Hai bà cháu hái rau trong vườn ủng hộ bà con ở khu cách ly

Sau khi nhận rau và tiền ủng hộ từ bạn ấy, tôi tiếp tục đi vào làng để xin thêm rau bởi nhà bếp báo không còn rau củ để nấu cho ngày mai. Đặt chân xuống xóm 10 cách nhà hơn tầm cây số, nhìn trẻ con đang reo vui vì chiến thắng trong trận đá bóng chỉ có hai người mà thấy thương thay. Đã lâu rồi chúng không được tụ tập với bạn bè, trận bóng vì thế cũng bớt sôi nổi khi thiếu đi rất nhiều “cầu thủ” so với quy định.

Đang miên man suy nghĩ chợt có bà cụ đi ngang qua hỏi:

- Cô đi mô mà xuống đây Thu? (Cô đi đâu mà xuống đây Thu?)

- Cháu đi xin rau để mai nấu ăn cho khu cách ly xã nhà bà ạ.

- Rứa à. Rứa cồ lấy gạo không? (Thế à. Thế có lấy gạo không?)

Thấy tôi vui sướng gật đầu, bà đi vội về nhà và dặn với: Cháu ở đó chờ bà, bà về bà chở yến gạo nha. Biết tôi rảo bước theo sau, bà dừng lại chờ tôi và nói thêm: Bà có mấy luống rau mồng tơi, để sáng mai bà hái, khoảng 7h cháu sang lấy nha...

"Bà có mớ dọc mùng, cháu mang về nấu cho bà con hộ bà nhé".
"Bà có mớ dọc mùng, cháu mang về nấu cho bà con hộ bà nhé".

Khi biết mục đích của việc tôi đi xuống đây, mọi người quanh đó không hẹn trước nhưng hầu như đều đến nhà bà cùng lúc với nụ cười thường trực trên môi. Trên tay ai nấy đều mang theo nào gạo, nào trứng, nào rau. Có nhà ủng hộ 10kg gạo với chục quả trứng gà, nhà thì 15kg, có nhà góp 20 kg... Trong số những bà con mang đồ đến ủng hộ, có cô bé còn khá ít tuổi, người mướt mồ hôi đã làm tôi suýt bật khóc khi một tay giữ túi nặng trên lưng, tay kia xách thêm túi rau củ khệ nệ bước vào rồi e dè hỏi: "Chị ơi em chỉ có 10 kg gạo và 6 quả bí đỏ nhỏ, chị cho em ủng hộ có được không?"…

Thật nghĩa tình biết bao. Ngày thường không nhìn thấy mặt nhau vì mọi người còn lo “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”; nhưng khi làng xã có việc, ai nấy đều sát nhau lại, cùng một lòng hướng về. Đặc biệt những ngày dịch bệnh đang đe dọa đến sự an toàn của làng quê thì tình người nơi đây càng thêm nồng ấm.

Dù xanh hay chín, những buồng chuối người dân mang đến ủng hộ đều thắm đượm nghĩa tình
Dù xanh hay chín, những buồng chuối người dân mang đến ủng hộ đều thắm đượm nghĩa tình

Không chỉ người dân nguyện lòng giúp đỡ mà ngay cả các thế hệ học sinh tôi đã giảng dạy, giờ mỗi em đang ở mỗi phương nhưng cũng tìm cách liên hệ với cô giáo cũ để đóng góp chút công sức của mình.

- “Cô ơi. Em thấy cô có tham gia tổ nấu ăn cho bà con vùng cách ly xã mình, cô cho em góp một ít với ạ”.

- “Cô cho em số tài khoản em gửi cô với. Em không trực tiếp đến tham gia được nhờ cô cho em đóng góp động viên bà con mình ạ.”

Thậm chí có em còn bảo: “Cô ơi em đã chuyển cho cô số tiền mà em làm shipper mấy tuần qua cô ạ! Cô chuyển đến mọi người bằng những bát cơm ấm giúp em cô nhé...”

Mãn nguyện thay chữ “Tình” tôi dạy, các em vẫn còn mang theo bên mình không hề rơi rớt khi tung cánh bay trên con đường đời.

Người góp gạo, người góp rau... với mong muốn bà con phía trong khu cách ly hãy an tâm vì vòng ngoài luôn có mọi người hỗ trợ
Người góp gạo, người góp rau... với mong muốn bà con phía trong khu cách ly hãy an tâm vì vòng ngoài luôn có mọi người hỗ trợ

Trở về với căn nhà nhỏ, tôi thấy vui thay khi mình đã trở thành nhịp cầu kết nối yêu thương. Người dân nơi đây tuy nghèo nhưng sống rất nghĩa tình, đầm ấm. Số người trong khu cách ly ngày càng tăng thì sự chung tay của mọi người càng được nhân lên, và lan toả không chỉ trong vùng quê ấy mà còn sang cả những vùng quê khác.

Cầu mong bình yên sẽ sớm trở lại trên mảnh đất Quỳnh Văn yêu dấu – Mảnh đất đã làm tôi thấy thương ngay từ những ngày đầu về làm dâu nơi đây.

 Nguyễn Thị Thu - GV THPT Quỳnh Lưu 2

Có thể bạn quan tâm