
Giữa lúc giá nhà thương mại vẫn neo cao, nhà ở xã hội đang trở thành “làn gió mát” với người dân có nhu cầu an cư. Tại Hà Nội, nhiều dự án nhà ở xã hội được khởi công, với giá bán dự kiến chỉ từ 18,4 triệu đồng/m2, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ thị trường.
GIÁ CHỈ TỪ 18,4 TRIỆU ĐỒNG/M2
Thời gian gần đây, tại Hà Nội, hàng loạt dự án nhà ở xã hội đã được khởi công xây dựng, tạo nên “cơn sốt” trên thị trường bất động sản. Các dự án này nhanh chóng thu hút sự quan tâm đặc biệt từ người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng có thu thấp đang có nhu cầu an cư, bởi mức giá hợp lý.
Cụ thể, dự án nhà ở xã hội tại ô đất ký hiệu NO1, thuộc khu đô thị mới Hạ Đình (nhà ở xã hội Hạ Đình), xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội được khởi công vào cuối năm 2024 có giá bán dự kiến khoảng 25 triệu đồng/m2.
Theo giới đầu tư bất động sản mức giá này vô cùng hợp lý, thu hút nhiều người dân đăng ký mua. Bởi dự án nằm cạnh đường Vành đai 3, gần trung tâm thành phố, có nhiều tiện ích quanh khu vực này.
Nhà ở xã hội Hạ Đình do liên danh Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, Công ty Cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội, Công ty Cổ phần Kinh doanh và phát triển nhà DAC Hà Nội làm chủ đầu tư.

Theo quy hoạch, công trình nhà ở xã hội cao 25 tầng gồm 5 tầng đế, 20 tầng căn hộ và 1 tầng hầm, diện tích xây dựng là 3.722m2, tổng diện tích sàn là 62.550m2, tổng số căn hộ là 440 căn, quy mô dân số là 1.230 người.
Dự kiến, trong tổng số 440 căn hộ có 110 căn cho thuê, thuê mua; 255 căn hộ để bán và 75 căn hộ để kinh doanh thương mại. Được biết, công trình sẽ được thi công trong thời gian 30 tháng.
Một dự án khác tại Đông Anh là nhà ở xã hội CT3 - thuộc dự án nhà ở xã hội Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội (Thăng Long Green City) khởi công vào đầu tháng 3/2025 cũng có mức giá khá mềm.
Trên website của Tổng công ty Viglacera – CTCP (chủ đầu tư dự án) cho biết, dự kiến giá bán dự án này 18,4 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT 5% và phí bảo trì 2%).
Theo tìm hiểu, chủ đầu tư nhà ở xã hội Kim Chung là liên danh Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) và Tổng Công ty Viglacera – CTCP. Công trình CT3 gồm 3 đơn nguyên nhà ở chung cư cao tầng có ký hiệu CT3A, CT3B, CT3C. Mỗi tòa cao 12 tầng và 1 tum với 1.104 căn hộ. Trong đó, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 109.410,2m2; diện tích tầng hầm khoảng 15.660m2; diện tích xây dựng tầng 1 khoảng 7.804m2; diện tích sàn từ tầng 2 đến tầng tum 85.946,2m2.
Dự án hoàn thành đáp ứng chỗ ở cho gần 3.900 người thuộc đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ quý 4/2026.
Dự án nhà ở xã hội Kim Hoa được khởi công xây dựng vào tháng 5/2023, trên 4 ô đất CT01, CT02, CT03, CT04 tại khu nhà ở đô thị Kim Hoa, huyện Mê Linh có giá bán dự kiến là 21,2 triệu đồng/m2.
Nhà ở xã hội Kim Hoa có quy mô hơn 3,4ha, với 9 tháp, mỗi tháp cao 9 tầng nổi và một tầng hầm. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp 720 căn chung cư, diện tích từ 62m2 đến gần 70m2, mật độ 10 căn mỗi tầng. Số lượng căn để bán gồm 648 căn, còn lại cho thuê mua.
Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội hiện có một số dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng ở các quận, huyện khác nhau. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giá bán cụ thể của những dự án này vẫn chưa được công bố.
TRIỂN KHAI NHÀ Ở XÃ HỘI KHÔNG DỄ
Theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, cũng như Quyết định 338 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2021 – 2025, chỉ tiêu Chính phủ giao cho UBND thành phố Hà Nội có 18.700 căn và phải hoàn thành 16.000 căn theo Quyết định 444 vừa qua.
Tính đến hết 2024, thành phố Hà Nội đã hoàn thành 11.330 căn hộ và đưa vào sử dụng. Trong năm 2025 tiếp tục hoàn thành 8 dự án đầu tư với khoảng 4.670 căn, đáp ứng theo chỉ tiêu giao tại Quyết định 444 của Thủ tướng Chính phủ vừa qua.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội đã gặp phải một số khó khăn.
Do đó, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã có những đề xuất để tháo gỡ. Thứ nhất, theo quy định của Luật Đất đai, trước đây các dự án đang triển khai đấu thầu và chọn chủ đầu tư, phải căn cứ vào quy hoạch phân khu đô thị. Với Luật Quy hoạch đô thị, thành phố Hà Nội cũng như TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác, triển khai quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1:5000 và 1:2000. Nhưng Luật Đất đai 2024 quy định đấu thầu và chọn chủ đầu tư buộc phải quy hoạch 1:2000.
Dù chuẩn bị quỹ đất rất rộng lớn nhưng rơi vào khu vực quy hoạch tỷ lệ 1:5000, không đảm bảo điều kiện tỷ lệ 1:2000, phải triển khai phân khu 1:2000, chứ không phải triển khai quy hoạch chi tiết 1:500. Do đó, phải lựa chọn nhà đầu tư mới thiết lập được quy mô chỉ tiêu 1:5000. Vì vậy vướng mắc ngay từ bước này.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, đối với các khu nhà ở xã hội tập trung nói chung hay các khu nhà ở xã hội riêng lẻ nói riêng, căn cứ để đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư, cho phép căn cứ vào quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1:5000, vì các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch đô thị cho phép.
Thứ hai, trên cơ sở một quy hoạch lựa chọn ranh giới cho một khu vực phát triển đô thị thì cho phép thực hiện ngay đầu tư giải phóng mặt bằng, không phải trông chờ vào việc thiết lập chủ trương đầu tư hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thành công, sau đó mới giải phóng mặt bằng. Nhà nước thực hiện công tác giải phóng mặt bằng sẽ tăng cường quỹ đất chủ động.
Thứ ba, ông Tuấn kiến nghị phải giảm các thủ tục hành chính, phải giảm tối thiểu 30%. Tất cả phải rà soát quy trình, giao cho Bộ Xây dựng hay Bộ Tài chính đưa ra một quy trình liên quan đến dự án đầu tư nhà ở xã hội, cũng như là đấu thầu.
“Làm sao rút thời gian về khoảng 3 tháng, 6 tháng thì sẽ đảm bảo nguồn lực để chuẩn bị cho nhà ở xã hội lớn hơn”, ông Dương Đức Tuấn cho hay.