Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Hồi trung tuần tháng 7, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp lại khoảnh khắc một nhóm tình nguyện viên mặc áo xanh trong trang phục bảo hộ kín mít, ngồi choàng vai nhau trên thùng chiếc xe bán tải, dưới cơn mưa tầm tã như trút nước.
Nhóm tình nguyện viên ôm nhau cho đỡ lạnh dưới cơn mưa nặng hạt. (Ảnh: Mai Xuân Tứ)
Nhóm tình nguyện viên ôm nhau cho đỡ lạnh dưới cơn mưa nặng hạt. (Ảnh: Mai Xuân Tứ)

Ít ai biết rằng, tác giả bức ảnh gây xúc động đối với nhiều người Việt Nam trong thời điểm cả nước đang hết sức mình chống dịch Covid-19 là bạn Mai Xuân Tứ, tình nguyện viên của nhóm “Phản ứng nhanh vì Sài Gòn”, và sau này chính các bạn là những tình nguyện viên nỗ lực của dự án thiện nguyện “Trao oxy-Trao Sự sống”.

Khi ấy, bạn Tứ chở đội ngũ tình nguyện viên xịt khuẩn đang chạy phía sau. Cả đội sau khi phun khử khuẩn xong về gặp trời mưa như trút nước, mà đoạn đường không có chỗ trú. Do tính chất công việc nên người trong và ngoài xe không được tiếp xúc cho đến khi về đến trạm để khử khuẩn nên các bạn choàng vai ôm nhau cho đỡ lạnh dưới trời mưa trắng xóa.

Hồi đầu, khi chuyển oxy vào các bệnh viện, vì tuân thủ an toàn phòng bệnh nên chúng tôi không biết mặt nhau, chỉ nghe mệnh lệnh khoa cấp cứu cần oxy là lên đường
Hồi đầu, khi chuyển oxy vào các bệnh viện, vì tuân thủ an toàn phòng bệnh nên chúng tôi không biết mặt nhau, chỉ nghe mệnh lệnh khoa cấp cứu cần oxy là lên đường

Đội “Phản ứng nhanh vì Sài Gòn” bao gồm gần 100 tình nguyện viên đủ mọi ngành nghề là doanh nhân, kỹ sư CNTT, giám đốc các dự án vì cộng đồng, kiến trúc sư, chuyên gia tài chính, môi trường, du lịch… Các bạn dùng xe bán tải cá nhân tham gia công tác vận chuyển hàng hoá, thực phẩm, suất ăn, vật phẩm y tế... hỗ trợ người nghèo ở các khu bị phong tỏa, cách ly, bệnh viện dã chiến. Những chuyến xe của các bạn đã vận chuyển miễn phí hàng trăm tấn nông sản và thực phẩm (gạo, rau, thịt, trứng...), nấu nhiều bữa cơm miễn phí, phát quà hỗ trợ người lao động nghèo, vận chuyển các thiết bị đến các bệnh viện dã chiến...

Bình oxy nặng tới 75kg kg nhưng tất cả đều phải tự bê vác, vận chuyển, khử khuẩn
Bình oxy nặng tới 75kg kg nhưng tất cả đều phải tự bê vác, vận chuyển, khử khuẩn

Từ tháng 8, khi dịch bệnh lên tới đỉnh điểm tại TPHCM, với con số bệnh nhân tử vong có ngày lên tới hơn 700 người, những trái tim nhiệt huyết của các bạn đã sẵn sàng làm tình nguyện viên để vận hành dây chuyền thứ hai của dự án Trao oxy-Trao Sự sống, với nhiệm vụ thu vỏ rỗng tại các bệnh viện, đi nạp đầy oxy và giao tới tận các khoa cấp cứu của các bệnh viện.

Những con đường từ trạm oxy Linh Trung, Thủ Đức hay từ VICASA Biên Hòa tới các bệnh viện tại Trung tâm thành phố đã ghi dấu chân của các tình nguyện viên. Hàng nghìn lượt bình oxy không đồng, hàng trăm chuyến xe bán tải 0 đồng, đã được quay vòng không kể ngày đêm như thế.

Bước qua lằn ranh đ

Khi vận hành dây chuyền thứ hai của dự án thiện nguyện này, điều chúng mình lo ngại nhất là nguy cơ lây bệnh rất cao cho các tình nguyện viên khi bước chân vào bệnh viện, đó là chưa kể 100% bình oxy là giành cho bệnh nhân F0 nặng, nếu không được khử khuẩn cẩn thận thì cũng từ đó mà bị nhiễm bệnh.

Khi anh em đi giao oxy thì chị em ở kho quận tranh thủ chia thuốc để xe quay về còn kịp giao cho các bệnh nhân dương tính đang ngóng chờ
Khi anh em đi giao oxy thì chị em ở kho quận tranh thủ chia thuốc để xe quay về còn kịp giao cho các bệnh nhân dương tính đang ngóng chờ

Còn nhớ tôi gặp em Thái Phương Thanh, điều phối viên chính của đội vào một buổi chiều nắng như đổ lửa tại điểm tập kết bình oxy bên quận 9, nhìn em nhỏ bé, mình nghĩ bụng sao có thể điều phối dây chuyền vận chuyển oxy căng thẳng cho các bệnh viện, hầu như toàn gọi cấp cứu vào buổi tối. Vậy mà em cùng đồng đội đã vượt qua được lằn ranh đỏ, nỗ lực hoàn thành xuất sắc, những nhiệm vụ mà theo tôi chỉ có thể là mệnh lệnh là từ trái tim.

Hồi đầu, vì phải 5K nên chúng tôi đều điều phối qua điện thoại, rồi cả đội ai cũng đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ nên chả ai biết mặt ai. Mãi sau này, do hỗ trợ oxy liên tỉnh nên ngày nào cũng phải test, khi chắc chắn tất cả đều khỏe mạnh, thì chúng tôi có dịp gần nhau hơn. Chả biết từ bao giờ, cái kho mượn tạm từ một nhà hảo tâm, nóng bức, muỗi đốt, và tối sầm ở Bến Bình Đông, quận 8 đã trở thành ngôi nhà chung của nhóm.

Những bữa “buffet” vội vã, ai có gì thì mang đi nấy, bao gồm mỳ gói, cơm chiên, bánh mỳ, chúng tôi bày biện nhanh ngay gốc cây phượng già nở hoa đỏ rực rỡ sau kho, giữa trưa nắng gắt, ăn vội vàng để còn tiếp tục công việc…

Bữa trưa của các tình nguyện viên, cạnh cây phương, và... bãi rác. Dịch giã mà, kiểm được một chỗ nghỉ chân là may lắm rồi, đợi anh em về ăn nhanh còn giao oxy cho BV dã chiến Bình Chánh
Bữa trưa của các tình nguyện viên, cạnh cây phương, và... bãi rác. Dịch giã mà, kiểm được một chỗ nghỉ chân là may lắm rồi, đợi anh em về ăn nhanh còn giao oxy cho BV dã chiến Bình Chánh

Nhờ những bữa cơm đạm bạc của mùa dịch mà các tình nguyện viên có dịp bộc bạch hoàn cảnh của nhau. Có bạn đã từng là F0, vậy mà sau khi khỏi bệnh, bạn xin đi phát thuốc cho các F0 khác không mệt mỏi. Có bạn thì cả gia đình là F0, bạn xin vào bệnh viện chăm sóc cho cả gia đình và chăm luôn cả những bệnh nhân cấp cứu khác nữa. Vậy mà bạn lại không dính bệnh, cả nhà xuất viện cũng là lúc bạn lái xe đi trao oxy cho các bệnh viện. Nhiều bạn có người thân qua đời vì covid, vậy mà không sợ hãi, vẫn xung phong đi vào tuyến đầu.

100 thành viên thuộc các ngành nghề khác nhau, tưởng từ ngày đầu tắt mặt tối vì vận chuyển oxy thì các bạn sẽ nghỉ ngơi, ai ngờ sau khi giao oxy xong còn tranh thủ chở giúp gạo, rau, củ, quả, nhu yếu phẩm cho các nhóm thiện nguyện khác. Rồi có bạn dậy từ 5h sáng xung phong đi đưa đón y bác sĩ đi tiêm vaccine, đi test mẫu, xịt khuẩn... tối lại đi nạp oxy chở về bệnh viện.

Bệnh nhân cấp cứu oxy tại nhà. Giang ơi, đi mau, thôi quần xà lỏn cũng được, mùa dịch mà, cứu người phải nhanh nhanh...
Bệnh nhân cấp cứu oxy tại nhà. Giang ơi, đi mau, thôi quần xà lỏn cũng được, mùa dịch mà, cứu người phải nhanh nhanh...

Trung bình mỗi thành viên bỏ tiền túi ra hai ngày một lần khoảng 1 triệu đồng để đổ xăng, dầu, vé cầu đường. Người nào có sức, có tiềm lực thì chạy nhiều, ai có ít thời gian và “nghèo” hơn chạy ít hơn. Vậy mà khi có mạnh thường quân gọi điện, hỏi thăm và muốn ủng hộ, hỗ trợ xăng dầu các bạn đều từ chối. “Bọn mình làm từ thiện là từ tâm, có sức bao nhiêu thì tự nguyện đóng góp bấy nhiêu thôi. Đến chỗ nào mà thấy bà con khó khăn quá, anh em lại tự góp tiền lại hỗ trợ, còn ai có lòng hảo tâm thì cứ mua thiết bị bình oxy để tặng bệnh viện”, một thành viên tâm sự như vậy.

Còn gần chục bình cấp cứu cho các bệnh nhân nặng tại nhà, bọn em chưa kịp ăn đâu...
Còn gần chục bình cấp cứu cho các bệnh nhân nặng tại nhà, bọn em chưa kịp ăn đâu...

Hôm các bạn chở oxy đến các khu cách ly và điều trị F0 tại Trung tâm y tế quận 4, y sỹ Trúc đã thốt lên với mình: “Trời ơi! Em không thể tưởng tượng nổi đấy là các kiến trúc sư, họa sỹ, rồi cả giám đốc doanh nghiệp chị ạ. 80 bình oxy cỡ lớn, mỗi bình nặng tới 75kg mà các anh mang vác ngon lành, lại còn lái được cả xe tải vượt mấy chục km từ điểm nạp oxy Biên Hòa nữa chứ, lực lượng tuyến đầu như bọn em, còn ngưỡng mộ nữa là”.

Nỗi sợ và và niềm tin

Khi tôi hỏi Giang, một tình nguyện viên mới 21 tuổi, ngoài giờ đi giao oxy, em còn là người nhiệt tình nhất khi vác bình oxy cỡ nhỏ đi cứu F0, rằng em có sợ lây bệnh không, lúc ấy em đã tiêm phòng chưa. Em bộc bạch, khi em tham gia thì em chưa được tiêm mũi nào và em nói rằng rất lo lắng việc lây bệnh, nhưng khi em nhìn thấy các tình nguyện viên khác lớn tuổi hơn, vẫn dũng cảm chở oxy vào bệnh viện thì em cảm thấy mình không thể nào hèn nhát được. "Em cảm nhận được cả nước đang chung tay với Sài Gòn và em cũng cảm nhận được tình thương của mọi người dành cho nhân viên y tế và người bệnh đang ở trong khu cách ly điều trị, nên em sẵn sàng tham gia thôi" - Giang bộc bạch.

Kỷ niệm giao oxy ở Bệnh viện đa khoa Tiền Giang
Kỷ niệm giao oxy ở Bệnh viện đa khoa Tiền Giang

Trong đại dịch, có mất mát, có cực khổ nhưng với các tình nguyện viên, đây cũng là lúc tất cả đều nhìn rõ nhân sinh quan hơn.

"Khi lên đường đi tình nguyện, em nghĩ đơn giản đây là cuộc chiến chung, nước mất thì nhà tan, chỉ có cách chung sức không để virus lây lan, và cứu chữa bệnh nhân thì chúng ta mới hy vọng sẽ không mất đi người thân, bạn bè mình".

"Em luôn tin rằng khi em giúp đỡ mọi người thì cũng sẽ có ai đó giúp lại em và người thân khi chúng em gặp khó khăn hay bệnh tật". "Mẹ em ở quê, trong hoàn cảnh này, nếu mẹ bệnh, thì em cũng không thể nào giúp được. Thế nên, em xung phong làm tình nguyện viên ở đây để mong muốn lan tỏa tình yêu thương và trách nhiệm với cộng đồng, cố gắng hết sức cứu người, với hy vọng ở quê, mẹ em, người thân luôn cũng có những tình nguyện viên giúp đỡ ”. “Đại dịch đến, em lo lắm, nhưng khi đi làm tình nguyện viên được sống trong vòng tay của các anh chị thì em không còn lo nữa, em tin nếu em ốm thì sẽ có rất nhiều ở bên cạnh, nâng đỡ em để em vượt qua đại dịch”.

Tạm biệt Bệnh viện dã chiến Đức Hòa, Long An và Bệnh viện đa khoa Tiền Giang. Trên đường về cả nhóm giải cứu dừa cho bà con Mỹ Tho, anh em góp tiền mua hai nghìn quả dừa để về nấu thạch dừa tặng y bac sỹ BV dã chiến TPHCM.
Tạm biệt Bệnh viện dã chiến Đức Hòa, Long An và Bệnh viện đa khoa Tiền Giang. Trên đường về cả nhóm giải cứu dừa cho bà con Mỹ Tho, anh em góp tiền mua hai nghìn quả dừa để về nấu thạch dừa tặng y bac sỹ BV dã chiến TPHCM.

Đồng đội của tôi, những công dân trẻ của Sài Gòn đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, sự dấn thân, tinh thần dũng cảm, không ngại khó, ngại khổ trên tuyến đầu chống dịch bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Hình ảnh của các bạn đã để lại dấu ấn đầy xúc động không chỉ riêng tôi mà tôi tin là với tất cả mọi người. Mai này, chia tay nhau, sẽ nhớ mãi kỷ niệm của những ngày bão lửa, khi chúng ta đã nắm chặt tay nhau, để cùng lan tỏa yêu thương, vượt qua đại dịch.

Chia sẻ của Nhà báo Hoàng Anh

Có thể bạn quan tâm