Nhật ký chống dịch Covid-19: Mẹ ơi, ráng thở trên biển, mẹ nhé!

Em là y tá xung phong vào lực lượng chống dịch tuyến đầu, đã ở bệnh viện dã chiến tại TP.HCM nhiều tháng nay không về nhà.
Các tình nguyện viên của dự án "Trao oxy- Trao Sự sống" và "Phản ứng nhanh vì Sài Gòn" chở oxy vào Khu thu dung và điều trị bệnh nhân Covid 19 của Hà Tiên
Các tình nguyện viên của dự án "Trao oxy- Trao Sự sống" và "Phản ứng nhanh vì Sài Gòn" chở oxy vào Khu thu dung và điều trị bệnh nhân Covid 19 của Hà Tiên

Cách đây một tuần, khi đi trao quà cho bệnh viện nơi em làm việc, tình cờ biết tôi là thành viên của dự án “Trao oxy-Trao Sự sống”, em vội níu áo, nói trong nước mắt: “Chị ơi, Kiên Giang đang là tâm dịch, bố mẹ em ở Hà Tiên, nhà tuốt ở huyện đảo, mẹ em hen suyễn mỗi lần phát bệnh phải cấp cứu bằng xuồng, nghe nói dịch hành dữ lắm. Người dân quê em cần bình oxy, địa hình đi lại khó khăn, nhóm các anh chị giúp người dân quê em với”.

Chúng tôi quyết định lên kế hoạch về Hà Tiên, khi nắm chắc thông tin các ca F0 ở nơi này tăng chóng mặt cũng như việc thiếu thốn trang thiết bị y tế và nhân lực y tế. May quá, lãnh đạo của Cty Dược phẩm Hoàng Hường sẵn lòng hỗ trợ 100 bình oxy 40L gửi từ Hà Nội vào và xin thêm được 50 đồng hồ từ lòng hảo tâm đóng góp của bạn bè.

Khu thu dung và điều trị cho 1.100 bệnh nhân nhưng chỉ có 6 bác sỹ 10 y tá, họ đã làm việc 300% sức lực, chúng mình chia lửa bằng việc lắp đặt và trao bình oxy
Khu thu dung và điều trị cho 1.100 bệnh nhân nhưng chỉ có 6 bác sỹ 10 y tá, họ đã làm việc 300% sức lực, chúng mình chia lửa bằng việc lắp đặt và trao bình oxy

Anh em tình nguyện viên trong nhóm 3 tháng qua chưa ngưng nghỉ ngày nào, từ vận chuyển oxy cho các bệnh viện tới vận chuyển lương thực miễn phí cho các bếp ăn, cho y bác sỹ bệnh viện dã chiến và bà con nghèo trong các khu cách ly phong tỏa.

Tôi ngần ngại nói về quãng đường quá xa, trong khi 100% anh em tình nguyện viên đều phải tự lo tất tật mọi chi phí đi lại, xăng dầu, test nhanh… Nhưng không một ai từ chối, thậm chí nhiều anh em xung phong nhưng phải ở nhà vì co hẹp đội hình để đảm bảo an toàn.

Quãng đường từ TP.HCM xuống tới Hà Tiên, Kiên Giang, đi qua những cánh đồng lúa chín vàng trổ bông, những miệt vườn xanh mướt hoa trái sum xuê, những làng hoa Sa Đéc nên thơ, nhưng lòng nhói đau khi tất cả đều ngủ yên.

Phố xá, làng mạc không một bóng người, không một cánh cửa mở, chỉ có những chốt giao thông với những đôi mắt thâm quầng, gương mặt phờ phạc lo âu của lực lượng y tế, công an, bảo vệ. Nhưng khi thấy những chiếc xe chở đầy bình oxy, các anh ánh lên niềm vui và nhanh chóng thông chốt. 

Nắng như đổ lửa, nhưng đồng đội tôi khẩn trương làm việc, để oxy được hỗ trợ kịp thời
Nắng như đổ lửa, nhưng đồng đội tôi khẩn trương làm việc, để oxy được hỗ trợ kịp thời

Cả đoàn ăn vội bánh mỳ, lương khô để lên đường, khổ nhất là không thể tìm được trạm nạp oxy cho đầy 100 bình 40L. Tới 8 giờ tối thì may quá, trưởng nhóm Mạnh Thắng liên hệ mua được oxy tại huyện Hòn Đất, nạp đầy bình đã 10h đêm, về tới Trung tâm TP Hà Tiên gần 12h đêm. Mệt mỏi vì đường xa và mất ngủ nhưng những gì mà chúng tôi trải qua không thấm tháp gì so với tinh thần chống dịch của lực lượng tuyến đầu nơi đây.

Hà Tiên, một thương cảng sầm uất bậc nhất từ giữa thế kỷ 17, thơ mộng khi có sông Giang Thành bắt nguồn từ Campuchia, đổ vào vũng Đông Hồ với chiều rộng cửa sông trên 200 m, các ngọn núi Tô Châu, Đá Dựng, Bình San, Thạch Động… bãi biển Mũi Nai từng là niềm cảm hứng xướng họa thi ca của Tao đàn Chiêu Anh dưới thời Đô đốc Mạc Thiên Tứ cai quản xứ sở này. Biển, sông, núi thơ mộng là vậy nhưng lại là một trở ngại lớn cho hành trình đẩy lùi dịch Covid-19.

Vượt biển cấp cứu F0, thương lắm Hà Tiên, thương lắm Kiên Giang!
Vượt biển cấp cứu F0, thương lắm Hà Tiên, thương lắm Kiên Giang!

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tiên Mai Quốc Thắng bộc bạch, lực lượng y tế mỏng lắm chị, trong khi phải thần tốc lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc F0 trong cộng đồng, thời tiết mùa này lại không thuận lợi do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 5 và gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh nên xảy ra mưa to, gió mạnh trên diện rộng. Rồi nhiều ấp, bà con lại sinh sống ở đảo như xã đảo Tiên Hải. Có những trạm y tế chỉ có 10 người nhưng phụ trách xét nghiệm cho 485 hộ dân, 1.804 nhân khẩu. Ở ấp Hòn Giang và ấp Hòn Tre, tôi chứng kiến, dù phải di chuyển bằng vỏ, bằng xuồng nhỏ hay phải đi bộ qua các dãy núi mới tới được nhà dân trong khi mặc đồ bảo hộ và mang vật tư y tế cồng kềnh nhưng nụ cười lúc nào cũng luôn thường trực trên môi các chiến sĩ áo trắng.

Sáng sớm, cả nhóm ăn vội mỳ gói, vượt thêm 8km đường núi để lắp đặt và trao tặng bình oxy, đồng hồ oxy tại cơ sở Thu dung điều trị Covid-19 thuộc Trung tâm y tế Hà Tiên Mỹ Đức, là nơi thu dung và điều trị cho gần 1.100 bệnh nhân F0 của các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và TP Hà Tiên. Vừa mưa vậy mà đã nắng như đổ lửa, anh em nhễ nhại mồ hôi đứng giữa sân bệnh viện, nhưng chẳng thấm gì so với sức làm việc của y bác sỹ nơi đây, khi mà chỉ có 6 bác sỹ mà phải khám điều trị cho 1.100 bệnh nhân.

Chở vật tư xét nghiệm ra tàu để vượt biển sàng lọc và điều trị cho bệnh nhân nào. Cố lên!
Chở vật tư xét nghiệm ra tàu để vượt biển sàng lọc và điều trị cho bệnh nhân nào. Cố lên!

Bác sỹ Nghĩa, giám đốc khu Thu dung điều trị rưng rưng: “Thiết bị bình oxy và van đồng hồ oxy đã được hỗ trợ rất kịp thời, chúng tôi mừng lắm, giờ thì đã yên tâm điều trị cho các bệnh nhân nặng, chúng tôi chỉ mong được hỗ trợ thêm y bác sỹ để giành lại sự sống cho bệnh nhân”.

Có đi, có đến, thì mới thấu hiểu, công cuộc phòng chống dịch bệnh thật nhiều khó khăn trong đó bao gồm cả việc kỳ thị, sợ hãi và xa lánh các F0, điều này ở TP.HCM ban đầu cũng có, nhưng sau một thời gian thì mọi việc đã trở nên dễ dàng hơn. Tại TP.HCM có rất nhiều những tổ chức tình nguyện viên, thiện nguyện, sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân F0. Nhưng tại các tỉnh thì bệnh nhân F0 khó khăn hơn gấp bội lần vì tâm lý cộng đồng rất sợ hãi với F0.

Cô ơi con muốn sữa và đèn ông sao! Con và cả nhà cố lên, sắp khỏi bệnh về nhà rồi. Có bình oxy thở đã rồi chúng mình đón trung thu nhé!
Cô ơi con muốn sữa và đèn ông sao! Con và cả nhà cố lên, sắp khỏi bệnh về nhà rồi. Có bình oxy thở đã rồi chúng mình đón trung thu nhé!

Phong trào tình nguyện viên, các đội phản ứng nhanh, cứu trợ xã hội, cánh tay nối dài F0 ở các tỉnh còn khá mờ nhạt. Bởi vậy mình rất thắt lòng khi một cháu bé 6 tuổi cố vùng khỏi tay mẹ, nhoài ra khỏi hàng rào của dãy nhà điều trị F0, vẫy tay với mình: "Cô ơi, con muốn uống sữa, cô ơi, con muốn cái đèn ông sao".

Mình quay sang hỏi một bác sĩ ở bệnh viện dã chiến Hà Tiên, có ai cho con sữa không, anh nói cả khu có 1.100 bệnh nhân nhưng chỉ có 6 bác sỹ, tìm một tình nguyện viên vào trong khu này khó lắm, huống gì là thiện nguyện viên. "Thôi, con ráng chờ vài bữa cả nhà khỏi bệnh thì có đèn ông sao và bánh trung thu nha! Ráng lên con!"

Con đừng sợ nhé, buồn ngủ đúng không, 1h sáng rồi, cô kiểm tra chút thôi để cả huyện đảo mình an toàn
Con đừng sợ nhé, buồn ngủ đúng không, 1h sáng rồi, cô kiểm tra chút thôi để cả huyện đảo mình an toàn

Anh bác sĩ kéo mình ra xa khỏi hàng rào, anh hỏi sao chị là phụ nữ bé nhỏ thế kia mà lặn lội xuống đây, chị không sợ F0 à, lại còn đứng hỏi chuyện thế? Mình thì chỉ thấy hối tiếc vì không kịp chuẩn bị theo thùng sữa hay vài thùng bánh ngọt...

Chúng mình đi tới nơi xa xôi này, để thấy, và thấu cảm, nơi nào có dịch bệnh, nơi nào có bệnh nhân F0 thì nơi ấy rất cần nhiều, thật nhiều hơn nữa tình yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau. Với quyết tâm kiểm soát dịch bệnh đưa thành phố sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”, mong sao Đông Hồ, Bình San, Mỹ Đức, Pháo Đài, Tô Châu, Thuận Yên, Tiên Hải của thành phố Hà Tiên sớm thoát khỏi dịch bệnh.

Tạm biệt Hà Tiên, mong rằng bình oxy sẽ ế, sớm khỏe nhé Kiên Giang ơi!
Tạm biệt Hà Tiên, mong rằng bình oxy sẽ ế, sớm khỏe nhé Kiên Giang ơi!

Mình về tới Sài Gòn vào đêm khuya, và nhận được tin nhắn của y tá Mai sau khi em xem Facebook và nhìn thấy những bình oxy được các tình nguyện viên của nhóm “Trao oxy- Trao Sự sống” và nhóm “Phản ứng nhanh vì Sài Gòn" trao tận tay cho Bệnh viện dã chiến Hà Tiên, em khóc: “Vậy là có oxy rồi, em yên tâm phục vụ bệnh nhân ở TP.HCM rồi, mẹ em sẽ sống, em không lo mẹ em tắt thở trên biển nữa”.

Sẽ không ai phải tắt thở trên biển em ạ, khi tất cả chúng ta đều nắm chặt tay nhau, lan tỏa tình yêu thương, cùng nhau chia lửa, thì sẽ vượt qua đại dịch!

Chia sẻ của Nhà báo Hoàng Anh

Có thể bạn quan tâm