Nhiều Bộ vẫn nợ đọng văn bản, chậm cải cách

Trong thời gian tới, các bộ và cơ quan liên quan cần tập trung cao độ cho việc xây dựng, hoàn thiện, ban hành các văn bản để chính thức áp dụng phương án đơn giản, cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra
Nhiều Bộ vẫn nợ đọng văn bản, chậm cải cách

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ tập trung, gấp rút hoàn thành các dự thảo các văn bản còn nợ đọng. Theo thống kê hiện nay, vẫn còn có đến 76 nhiệm vụ, 41 đề án quá hạn; nợ 7 nghị định, 1 quyết định, 9 thông tư; qúa trình cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đạt thấp, 

Cụ thể, báo cáo số 290/BC-TCTTTg ngày 30/7/2018 về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và ban hành các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết, 7 tháng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 13.296 nhiệm vụ.

Trong đó có 5770 nhiệm vụ đã hoàn thành; 7350 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn; 176 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,9% tăng 0,3% so với tháng trước).

Về chương trình công tác, theo kế hoạch, 7 tháng có 195 đề án các bộ, cơ quan phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hết tháng 7, các bộ đã trình 154 đề án (đạt 79%), trong đó 56 đề án đã được ban hành (chiếm 36,4% số đề án đã trình); 41 đề án đã quá thời hạn chưa trình theo tiến độ.

Về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, báo cáo cũng cho biết, hiện còn 7 nghị định và 1 quyết định cần ban hành thuộc trách nhiệm soạn thảo của các Bộ: KHĐT (2 nghị định); Tài chính (1 nghị định), Nội vụ (1 nghị định), LĐ-TB&XH (1 nghị định), NN&PTNT (1 nghị định), Ngoại giao (1 nghị định), VHTT&DL (1 quyết định).

Các bộ cũng còn nợ 9 thông tư, gồm: Công an (3 thông tư), Công Thương (2 thông tư), TTTT (1 thông tư), Tài chính (1 thông tư), Công an – VKSNDTC – TANDTC – Quốc phòng (1 thông tư liên tịch), Công an – VKSNDTC – TANDTC (1 thông tư liên tịch).

Về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, báo cáo cho biết, “đến nay đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 616/9339 (mới đạt 6,6%) danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành của các ngành: Công Thương, TT&TT, Xây dựng, LĐ-TB&XH, KH&CN, Y tế.

Có 1249 danh mục (tương đương 13,3%) dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 6 bộ: Y tế, NN&PTNT, GTVT, TN&MT, VHTT&DL, Công an. Nhìn chung, tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành (kể các số đã cắt giảm và số lên phương án) đạt thấp so với yêu cầu đặt ra (19,9%).

Về đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đến nay đã chính thức cắt giảm được 900/5905 điều kiện kinh doanh (tương ứng 15,2%) của các ngành: Công Thương, Xây dựng, GD&ĐT, TTTT.

Còn 2363 điều kiện kinh doanh (40%) đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 14 Bộ: GD&ĐT, TTTT, Y tế, NN&PTNT, TN&MT, GTVT, LĐ-TB&XH, KH&CN, VHTT&DL, Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Ngân hàng nhà nước.

Tổ công tác kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Các bộ tập trung, gấp rút hoàn thành các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh còn nợ đọng trình Chính phủ thông qua hoặc ban hành theo thẩm quyền. Đồng thời chú ý việc soạn thảo, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực pháp luật trong thời gian tới, không để phát sinh nợ đọng mới.

Đề nghị lãnh đạo các Bộ dành thời gian thỏa đáng để giải quyết các vướng mắc, đặc biệt là những ý kiến còn khác nhau trong quá trình xây dựng văn bản.

Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành các văn bản.

Các Bộ, cơ quan tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao; quan tâm việc xây dựng và trình các đề án theo chương trình công tác, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...