Nhiều cửa hàng xăng, dầu tạm ngưng hoạt động: Găm hàng chờ tăng giá?

Trong quá trình kiểm tra kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng một số tỉnh ở phía Nam đã ghi nhận nhiều cây xăng tạm ngừng hoạt động do áp lực về nhu cầu tăng cao trong dịp Tết nên nguồn cung không đảm bảo.

Nhiều cửa hàng xăng, dầu đồng loạt ngưng hoạt động!

Tại Tiền Giang, thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh này cho biết, thực hiện Công điện khẩn số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và chỉ đạo của Tổng cục QLTT, ngày 29/01/2021 Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389/TG chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo 389/TG, Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Trong đợt ra quân đồng loạt từ ngày 29/01/2022 đến ngày 08/02/2022, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã tiến hành giám sát 433/597 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh (chiếm 72,5% tổng số cửa hàng). Kết quả, các cửa hàng này hoạt động bình thường, chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Ngày 07/02/2022, đã kiểm tra đột xuất đối với 01 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang do ngừng kinh doanh mặt hàng xăng. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế do không còn hàng nên cửa hàng ngừng bán mặt hàng này. Đến chiều ngày 08/02/2022, cửa hàng đã nhập 6.000 lít xăng để cung cấp cho người tiêu dùng.

Tại An Giang, thời gian qua trước áp lực về nhu cầu tăng cao trong dịp Tết, nguồn cung không được đảm bảo, nhưng nhìn chung phần lớn các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn vẫn đảm bảo, duy trì hoạt động kinh doanh và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, tuy nhiên lực lượng QLTT An Giang cũng ghi nhận một số trường hợp đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trên địa bàn huyện Thoại Sơn, huyện Phú Tân, huyện Châu Thành và huyện Châu Phú, huyện An Phú.

Điển hình như trên địa bàn huyện Thoại Sơn, lực lượng QLTT ghi nhận 07 trường hợp cửa hàng không còn xăng để bán cho người tiêu dùng, phải ngừng hoạt động, gồm: 04 cửa hàng xăng dầu Trung Thắng (đến ngày 7/2 đã hoạt động lại 01 cửa hàng; còn 03 cửa hàng đóng cửa); 01 Cửa hàng xăng dầu Thoại Giang; 01 Cửa hàng xăng dầu thuộc Xà lang xăng dầu Năm Mới (đến ngày 7/2 đã hoạt động lại); 01 Cửa hàng xăng dầu Trương Anh Kiệt.

Nguyên nhân tạm ngưng hoạt động là do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời - thuộc hệ thống PVoil. Các trường hợp này đều có báo cáo gửi về Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Thoại Sơn và Sở Công thương tỉnh An Giang) theo quy định.

Trong khi đó tại huyện Phú Tân, lực lượng QLTT An Giang ghi nhận 05 trường hợp ngưng hoạt động gồm: DNTN Nguyễn Văn Việt - thị trấn Chợ Vàm; DNTN xăng dầu Hiệp Vinh - thị trấn Phú Mỹ; DNTN xăng dầu Trần Thanh Bởi - thị trấn Phú Mỹ; DNTN xăng dầu Kim Hồng I - xã Hiệp Xương: Ngưng hoạt động. Lý do, sang nhượng cửa hàng cho Công ty TNHH Phúc Lâm PETRO Tây Đô – thành phố Cần Thơ, đang làm thủ tục sang tên; Cửa hàng dầu khí An Giang số 6 - Công ty TNHH MTV DV TM Vạn Vạn Phúc - xã Phú An: Ngưng hoạt động từ ngày 02/02/2022 đến nay. Phòng Kinh tế - Hạ tầng đề nghị UBND xã Phú An lập biên bản hiện trạng, sau Tết Nguyên đán mời chủ doanh nghiệp làm việc.

Trên địa bàn huyện Châu Thành, lực lượng QLTT An Giang ghi nhận 05 trường hợp ngưng hoạt động gồm: Thanh Long 2; Bảy Mẫn; Út Tuyết; Nguyễn Văn Đến; Cửa hàng xăng dầu số 20 Út Rô với lý do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời. Được biết, tất cả đều thuộc hệ thống PVOil. Trước đó, PVoil đã gửi thông báo cho đại lý với nội dung: “Kính gửi quý khách hàng! Do tàu xăng dầu không về kịp, Kho An Giang dừng cung cấp xăng 95 cho đến khi có thông báo mới, dầu Do và E5 vẫn cung cấp bình thường”.

Tại địa bàn huyện An Phú, Châu Phú, lực lượng QLTT An Giang cũng ghi nhận nhiều trường hợp ngưng hoạt động cũng với lý do hết xăng!.

Theo ghi nhận của báo Lao Động ngày 8/2/2021 tại TP Hồ Chí Minh nhiều cửa hàng xăng dầu cũng ngưng phục vụ xăng cho khách lẻ, có cửa hàng chỉ phục vụ mặt hàng dầu, còn mặt hàng xăng thì ngưng kinh doanh.

Nhận định về nguyên nhân, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho hay, hiện TPHCM có 548 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đến thời điểm báo cáo đang kinh doanh bình thường.

Theo ông Đạt, những ngày qua, do nguồn cung ứng xăng bị hạn chế, chiết khấu bán hàng gần như không còn đã dẫn đến bán lẻ xăng dầu bị lỗ. Thương nhân phân phối xăng dầu phản ánh gặp khó khăn trong việc mua xăng, để cung ứng cho đại lý hoặc thương nhân nhận quyền, khả năng có một số cửa hàng xăng dầu đứt nguồn xăng RON 95 dẫn đến sẽ ngừng bán.

Nhiều cửa hàng xăng dầu ngừng hoạt động vì hết xăng
Nhiều cửa hàng xăng dầu ngừng hoạt động vì hết xăng

Có hiện tượng hạn chế bán hàng để chờ tăng giá!

Trước tình hình trên, chiều 8-2, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp cùng với lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam... về tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng nhấn mạnh: "Mặt hàng xăng dầu là mặt hàng dự trữ chiến lược đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế, do đó việc quản lý, điều hành cần đảm bảo khoa học, chặt chẽ".

Hiện nay, dự trữ trong nước đủ lớn, đồng thời, Việt Nam có đầy đủ các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để bình ổn, đáp ứng đủ xăng dầu cho tiêu dùng và sản xuất. Chính phủ đã giao Bộ Công thương có đủ thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu nên cần phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý. Vì thế, Bộ Công thương cần chủ động hơn trong điều hành, tuyệt đối không được để thiếu xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân".

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công cần thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi găm hàng nhằm trục lợi, đồng thời phải đảm bảo cân đối giữa sản xuất và nhập khẩu xăng dầu, có kế hoạch chi tiết, chính xác hơn, đảm bảo chủ động, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.

Trước phản ánh về tình trạng các cửa hàng, cây xăng đóng cửa, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay việc thiếu hụt xăng dầu chỉ mang tính cục bộ. Hiện nay, nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu.

Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn (chiếm trên 90% thị phần), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay.

Việc các cửa hàng đóng cửa với lý do thiếu nguồn cung, ông Hải cho hay Bộ Công thương chỉ đạo sở công thương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, theo đó, hầu hết các cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá.

Các bộ, ngành, doanh nghiệp đầu mối cũng khẳng định tình trạng thiếu hụt xăng dầu chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng đại lý của các doanh nghiệp nhỏ do tâm lý găm hàng nhằm trục lợi.

Có thể bạn quan tâm