Gần 38% doanh nghiệp FDI báo lỗ trong năm 2017, mức kỷ lục lớn nhất kể từ năm 2012 đến nay. Đây là con số do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố gần đây. Con số này khiến cho nhiều chuyên gia kinh tế đặt nghi vấn về việc các doanh nghiệp FDI chuyển giá. Đây không phải là câu chuyện mới, khi vài năm trở lại đây đã có hàng loạt công ty như Metro, BigC... bị cơ quan thuế phanh phui hoạt động chuyển giá và bị truy thu về ngân sách hàng trăm tỷ đồng.
Cơ sở để nhiều người đặt ra nghi vấn chuyển giá của các doanh nghiệp FDI đó là dù báo lỗ kỷ lục gần 38% nhưng phần lớn các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục mở rộng quy mô tại Việt Nam.
Cụ thể, năm 2017, Tổng Cục thuế tiến hành thanh tra trên 700 doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đã truy thu, truy hoàn và phạt trên 2.200 tỷ đồng, giảm lỗ trên 9.200 tỷ đồng, tất cả đều tăng khoảng 30% so với năm 2016.
Việc chuyển giá hiện nay không chỉ trong quá trình kinh doanh sản xuất, mà còn chuyển giá ngay từ khâu đầu tư như kê khai trang thiết bị giá cao hơn để trích khấu hao chuyển giá.
Ông Phạm Ngọc Lai - Quyền Vụ trưởng Thanh tra - Tổng cục thuế - cho biết: "Đa số các doanh nghiệp đều có dấu hiệu về chuyển giá. Chúng tôi đã xác định lại giá thị trường đối với các đơn vị và đã truy thu 719 tỷ đồng, giảm lỗ thêm trên 7.400 tỷ đồng".
Hiện cả nước có gần 22.000 doanh nghiệp FDI, nhưng năm 2017, các cơ quan thuế chỉ thu được trên 55.000 tỷ đồng từ thuế thu nhập doanh nghiệp, tức trung bình mỗi doanh nghiệp FDI chỉ thu được khoảng 2,5 tỷ đồng.
Ông Phạm Ngọc Lai nói: "Chúng tôi sẽ tăng cường rà soát các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, báo lỗ liên tục để đưa vào kế hoạch thanh tra 2018".
Năm nay, nhiều các doanh nghiệp FDI bán lẻ cũng sẽ nằm trong tầm ngắm thanh tra thuế bởi năm 2017, qua thanh tra 12 doanh nghiệp bán lẻ tại 3 thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Hải Phòng, cơ quan thuế đã giảm lỗ được gần 300 tỷ đồng và truy thu, giảm khấu trừ trên 23 tỷ đồng.
Theo VTV