Những điều bất ngờ về CPTPP dưới góc nhìn của chuyên gia đàm phán quốc tế Nguyễn Đình Lương

Ông Nguyễn Đình Lương - Nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) - một chuyên gia nhiều kinh nghiệm về các hiệp định quốc tế chia sẻ về những vấn đề liên quan đến CPTPP.
Những điều bất ngờ về CPTPP dưới góc nhìn của chuyên gia đàm phán quốc tế Nguyễn Đình Lương

Dưới góc nhìn của ông, thiếu nước Mỹ, sự kiện 11 nước tham gia ký kết CPTPP có điểm gì đặc biệt?

Thứ nhất, sự kiện này đã đánh dấu lần đầu tiên hình thành một khu vực mậu dịch tự do ở châu Á – Thái Bình Dương, điều mà ta đã từng thấy ở một số khu vực khác trên thế giới. Thứ hai, CPTPP là một sân chơi mới của các nước lớn, các nền kinh tế phát triển, trong đó có thể kể đến là Nhật Bản, Úc, Canada, Singapore …

Thứ ba, sự hình thành của CPTPP sẽ là một minh chứng cụ thể và động lực tiếp tục thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, chứ toàn cầu hóa không bị dừng lại như nhiều người vẫn nghĩ.

Cuối cùng, có thể nói rằng, việc 11 nước thành viên còn lại vẫn quyết tâm "cứu" TPP và đi đến chặng đường cuối cùng này dù không có sự tham gia của Hoa Kỳ như là một lời nhắc nhở, khuyến khích Mỹ quay trở lại. Nếu các nước thời gian vừa qua không nỗ lực thực hiện CPTPP thì CPTPP đã không thể hình thành chứ chưa nói tới khả năng Mỹ sẽ quay lại.

Nói đến việc Hoa Kỳ có thể quay trở lại bàn đàm phán TPP trong tương lai, nếu điều này xảy ra thì khối các nước tham gia CPTPP có lợi gì?

Không phải tự nhiên mà các nước tham gia CPTPP lại mong đợi và nỗ lực hành động cho sự trở lại của Hoa Kỳ như thế. Hoa Kỳ chiếm tới 62% tổng GDP của toàn khối 12 nước tham gia TPP trước đây, sự tham gia của Mỹ sẽ làm tăng thêm sức mạnh kinh tế và chính trị cho khối.

Vị thế địa chính trị của TPP sẽ khác hẳn, Hoa Kỳ sẽ là trụ cột chính của TPP, làm cho TPP bền vững hơn. Khi đó, sức hút của khu vực mậu dịch tự do này sẽ rất lớn, tạo điều kiện nhanh chóng lôi cuốn các nước khác tham gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan,…

Tại sao chính quyền Tổng thống Donald Trump lại muốn quay trở lại TPP?

Những điều bất ngờ về CPTPP dưới góc nhìn của chuyên gia đàm phán quốc tế Nguyễn Đình Lương ảnh 3

Việc ông Trump rút khỏi TPP và ưu tiên quay lại đàm phán song phương, tôi cho là một ý tưởng không thực tế. Bởi nền kinh tế thế giới ngày nay đã liên kết với nhau hết sức chặt chẽ đến nỗi những cuộc đàm phán song phương khó có thể xử lý được. Tôi lấy ví dụ, xe Toyota là thương hiệu của Nhật nhưng thực tế lại không phải hoàn toàn của Nhật, mà là chuỗi giá trị toàn cầu.

NAFTA đàm phán một năm nay đã trải qua 6 vòng mà chưa kết thúc. Nói gì thì nói, toàn cầu hóa vẫn là xu thế của thế giới. Xu hướng bảo hộ thương mại như nhiều người nói là đang lên cao, nhưng cá nhân tôi quan sát, nó chỉ nằm ở một số ngành rất cụ thể, ví dụ Mỹ bảo hộ ngành sắt thép, chứ không phải trên bình diện toàn nền kinh tế.

Hơn nữa, các tập đoàn đa quốc gia lớn của Mỹ đã khai thác quá nhiều lợi ích từ toàn cầu hóa từ trước đến nay, cho nên họ không dễ dàng bỏ qua cho quyết định làm tổn hại tới lợi ích của mình. Vừa qua có hàng chục Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa bắt đầu lên tiếng kêu gọi ông Trump quay lại TPP. Mà đằng sau những người này là ai? Đó chính là các tập đoàn kinh tế!

Khi mà 11 quốc gia thành viên của CPTPP đều mong đợi sự quay trở lại của Mỹ, liệu điều này có dẫn tới việc các quốc gia như Việt Nam phải chấp nhận phần thiệt nếu đồng ý với các điều kiện mới của Mỹ?

Đầu tiên, ông Trump muốn quay lại TPP thì phải đàm phán, nhưng tình thế ngày nay khác xưa rất nhiều, khi 11 nước đã đi đến thống nhất những điều khoản chung mới. Tình thế sẽ rất khó xử nếu 2 bên không chịu nhượng bộ nhau, vì chúng ta đều biết quan điểm của Mỹ về các vấn đề như sở hữu trí tuệ, đầu tư là rất cứng rắn. Đó là trở ngại lớn nhất mà Mỹ cần phải vượt qua.

Những điều bất ngờ về CPTPP dưới góc nhìn của chuyên gia đàm phán quốc tế Nguyễn Đình Lương - Ảnh 5.
Tuy vậy, 11 nước rất muốn Hoa Kỳ quay trở lại, đặc biệt là Nhật Bản, Úc, Singapore đang nỗ lực vận động ông Trump thực hiện điều đó. Trước đây, khi bắt đầu đàm phán TPP, tôi nghĩ các nước chủ yếu nhìn vào nước Mỹ, vì có sự tham gia của Mỹ và thấy được lợi ích từ sự tham gia này.

Vừa qua, CPTPP hoãn 20 điều khoản hầu hết do Mỹ đề xuất trước đây, nhưng chỉ là tạm hoãn chứ chưa loại bỏ hoàn toàn, cho thấy các nước đang để ngỏ cho sự trở lại của Hoa Kỳ. Thời điểm hiện nay, Hoa Kỳ đã mất thế áp đặt so với trước đây, nhưng ngược lại, các nước khác cũng muốn Mỹ quay lại nên có lẽ phải nhượng bộ. Do đó, sẽ cần có sự mềm dẻo trong đàm phán giữa 2 bên.

Cũng có quan điểm cho rằng, khi Mỹ rời bỏ TPP, Trung Quốc sẽ thay chân Mỹ. Theo ông, khả năng Trung Quốc gia nhập TPP như thế nào?

Trung Quốc hiện nay là một nước lớn nhưng đã và đang đi theo con đường của riêng mình. Trung Quốc biết lợi ích của toàn cầu hòa và khai thác lợi ích của toàn cầu hóa theo cách của họ. Tôi nghĩ lựa chọn chiến lược của Trung Quốc ngày nay sẽ không phải là TPP, mà là "Một vành đai, một con đường" (OBOR).

Cái cách Trung Quốc tận dụng lợi ích từ toàn cầu hóa cũng khác với các nước. Họ dùng các "quả đấm thép", là những tập đoàn kinh tế Nhà nước, tiên phong mở đường ra các thị trường, sau đó đi theo là dòng chảy hàng tiêu dùng phân khúc dưới. Trung Quốc khó có thể tham gia TPP, bởi TPP là sân chơi của những nền kinh tế thị trường phát triển với nhiều quy chuẩn chặt chẽ về doanh nghiệp quốc doanh, chế độ bảo hộ, trợ cấp, sở hữu trí tuệ… đòi hỏi đáp ứng cao theo nguyên tắc thị trường - những thứ mà Trung Quốc không dễ dàng chấp nhận.

Như ông nói, TPP là sân chơi với yêu cầu cao về các nguyên tắc thị trường mà Trung Quốc chưa thể đáp ứng. Thế nhưng, bản thân nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng có phần nào đó tương tự như Trung Quốc, với hoạt động của các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Tại sao Việt Nam có thể tham gia TPP còn Trung Quốc thì không?

Ở Việt Nam trước đây, các doanh nghiệp Nhà nước luôn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, chi phối các hoạt động của các chủ thể khác. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp tư nhân đang trên đà đi lên và được coi là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Chính phủ cũng đang quyết liệt thay đổi cơ chế chính sách, thực hiện xây dựng một "Chính phủ kiến tạo", xóa bỏ bớt các điều kiện kinh doanh không cần thiết, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… Đó là những thay đổi tích cực để thích nghi.

Ông đánh giá thế nào về những lợi ích kinh tế thông qua các con số về tăng trưởng GDP, xuất khẩu… mà Việt Nam có thể đạt được khi tham gia CPTPP?

Nói tới vấn đề này, trên các phương tiện thông tin hiện nay, người ta chủ yếu nói về lợi ích kinh tế khi Việt Nam gia nhập CPTPP, rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng thêm bao nhiêu, xuất nhập khẩu tăng bao nhiêu… Tuy nhiên, những lợi ích kinh tế đó, theo tôi, chưa thực sự rõ ràng, giống như "đếm cua trong lỗ".

Tôi có góc nhìn khác. Việt Nam đang bắt đầu được tham gia một sân chơi cho các nền kinh tế thị trường phát triển, thông thoáng mà ta chưa có. So với các hiệp định mậu dịch tự do mà ta đã ký trước đây, CPTPP là một loại hình mới, là "luật chơi" mới, trình độ cao của thời đại toàn cầu hóa.

Sơ bộ tôi cảm nhận được rằng nó sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn lao, một sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách điều hành và quản lý nền kinh tế ở Việt Nam. Từng câu, từng chữ trong bản tài liệu 8.000 trang của CPTPP đều có nội hàm, đều có ý nghĩa, là quyền lợi, nghĩa vụ chứ không phải là những câu chữ "nói chơi".

Đó là một khung pháp lý để vận hành một nền kinh tế hiện đại. Đó là một bộ quy tắc chi tiết, để điều tiết và dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam vào một sân chơi bình đẳng với các nước phát triển. Đó là một lộ trình thiết kế các quy tắc cho một nền kinh tế mở theo những tiêu chí cao của thế giới, một môi trường kinh tế sạch và lành mạnh. Đó là một hệ thống những cam kết mạnh về nghĩa vụ và quyền lợi để tiến tới thực hiện một khu vực mậu dịch tự do trên phạm vi rộng. Đó là một lộ trình từng bước nâng cao năng lực kinh tế của Việt Nam.

Nếu như Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) trước đây tạo sức ép Việt Nam rời khỏi nền kinh tế bao cấp thì sức ép mới của CPTPP sẽ đẩy Việt Nam bước vào nền kinh tế thị trường hiện đại. Tôi nói ví dụ, trong tài liệu của TPP ghi rất rõ về vấn đề tham nhũng: chống tham nhũng là gì, các đối tượng nào, chủ thể nào trong nền kinh tế hay ăn hối lộ, tham nhũng xảy ra do những kẽ hở nào của chính sách…

Tôi cho rằng nếu Việt Nam thực hiện nghiêm túc những điều khoản này thì tình trạng tham nhũng sẽ giảm. Khi anh xây dựng thành công nền kinh tế thị trường phát triển thì khả năng hội nhập sẽ sâu hơn, hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm