Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn đang chật vật với khó khăn. Nhiều người ví gói hỗ trợ này giống như người bệnh đã được cấp máy trợ thở nhưng chưa có oxy, vậy đâu là “nút thắt”?
Nhằm hỗ trợ DN gặp khó khăn có thêm nguồn tài chính để trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/ NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0%/ năm, số tiền 16.000 tỷ đồng hỗ trợ DN vay trả lương cho người lao động.
Triển khai các quy định này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 05/2020/ TT-NHNN ngày 7/5/2020 để hướng dẫn triển khai. Được biết, NHNN và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã chuẩn bị sẵn sàng về thủ tục, quy trình, nguồn vốn để triển khai cho vay.
Điều kiện vay thiếu thực tế
Theo chia sẻ của một số DN, thủ tục cho vay của gói hỗ trợ này còn nhiều bất cập. Đơn cử như việc duyệt cho vay theo quy định của Quyết định 15 là theo từng tháng và DN phải gửi hồ sơ trước ngày mùng 5 hàng tháng. Tháng sau, muốn vay tiếp DN lại phải chờ xét duyệt.
Theo Điều 13 Quyết định 15, người sử dụng lao động muốn vay vốn từ gói hỗ trợ này cần phải đảm bảo các điều kiện: có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 01 tháng liên tục trở lên, đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020; đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc; không có nợ xấu tại TCTD tại thời điểm ngày 31/12/2019.
Trước những quy định được cho là khá ngặt nghèo này, chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc đưa ra điều kiện DN không có nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2019 là khá khó khăn bởi lẽ trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh hầu hết các DN đều có những khoản vay vốn ngân hàng, yêu cầu này dường như đã loại đi một tỷ lệ lớn DN không đủ điều kiện được vay.
Những tiêu chuẩn, điều kiện được vay gói 16.000 tỷ đồng còn khá ngặt nghèo, thậm chí có quy định còn chưa hợp lý.
TS. Nguyễn Đình Cung
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Dẫn ví dụ điều kiện về số lao động tham gia bảo hiểm xã hội và thời gian ngừng việc, ông Cung phân tích, trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhiều DN chỉ thực hiện cắt giảm giờ làm hoặc làm luân phiên chứ không cho người lao động ngừng việc để giữ chân người lao động sẽ không đáp ứng đủ điều kiện của gói vay.
Do đó, có thể kéo theo hệ lụy DN sa thải nhân viên để đạt được đủ tiêu chuẩn vay vốn như vậy sẽ đi ngược lại với chủ trương khuyến khích DN cố gắng giữ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh...
Ngoài việc đáp ứng được các điều kiện theo Điều 13 của Quyết định 15, cơ sở để NHCSXH duyệt cho vay là dựa vào danh sách phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh - nơi khách hàng gửi đề nghị xác nhận đủ điều kiện vay gói 16.000 tỷ đồng từ cấp huyện.
Trải qua một vòng thủ tục như vậy trong khi hạn mức vay ưu đãi lại thấp, bởi gói vay này hỗ trợ DN đã trả trước 50% lương tối thiểu, tức là chỉ có thểm vay thêm dưới 2 triệu đồng theo mức lương cơ bản/người nhiều DN cho biết “mượn tiền ở ngoài còn hơn tiếp cận gói hỗ trợ”.
Làm gì để đánh thức?
Chia sẻ với báo chí trong một dịp gần đây, ông Nguyễn Hồng Dân – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội thừa nhận việc cho DN vay gặp trở ngại là ở quá trình xét duyệt hồ sơ bởi theo quy định DN vẫn có doanh thu và nguồn để chi trả thì những người lao động trong đơn vị đó không được hỗ trợ.
Thực tế, có những DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng chỉ cho khoảng 30% người lao động nghỉ việc; 70% người lao động vẫn hoạt động, đồng nghĩa DN vẫn có doanh thu. Điều này dẫn tới 30% người lao động nghỉ việc không được hỗ trợ.
Trước đó, theo chia sẻ của đại diện NHCSXH, do Chính phủ đã làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 các DN quay trở lại hoạt động bình thường, người lao động tiếp tục đi làm, không có lao động dừng việc liên tục mà chỉ có nghỉ luân phiên. Bên cạnh đó, DN cũng không quá khó khăn đến mức không còn đủ tiền chi trả 50% lương tối thiểu vùng.
Cũng theo vị đại diện này, đây là gói cứu trợ ngắn hạn nhằm giúp DN yên tâm sản xuất chứ không phải là gói kích cầu nền kinh tế. Nhờ công tác chống dịch tốt nên DN, người lao động đã ổn định, hoạt động trở lại nên họ không vay nữa. Việc cho DN vay gói 16.000 tỷ gặp trở ngại chủ yếu ở khâu xét duyệt hồ sơ.
Tuy nhiên, theo điều tra nhanh từ 124 DN của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), 75% DN đã chịu thiệt hại lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, bình quân 25 tỷ đồng với mỗi DN. Có 24% DN chưa xác định được thiệt hại; khoảng 1% cho rằng doanh thu của họ đã giảm 70%. Đến nay, các DN trong ngành gỗ mới chỉ khôi phục được khoảng 50% công suất sản xuất so với hồi trước dịch, một lãnh đạo Vifores cho biết.
Dệt may cũng là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch vừa qua và viễn cảnh vẫn rất u ám khi sức mua cả trong nước và nước ngoài đều suy giảm, thậm chí nhu cầu xuống dưới 50% so với hồi trước dịch.
Như vậy, nhu cầu của DN còn rất lớn nhưng điều kiện tại gói hỗ trợ lại đang làm khó. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas) cho hay, “với quy mô DN dệt may trung bình khoảng 1.000 lao động mà không có doanh thu, trong tài khoản không còn khả năng chi trả tiền lương cho người lao động thì coi như đóng cửa”, ông Giang nói.
Trước trạng thái “ngủ đông” của 16.000 tỷ đồng tại NHCSXH nhiều người đã đặt ra câu hỏi số tiền này sẽ đi về đâu? Đây thực tế là gói hỗ trợ hay chỉ mang tính chất truyền thông? Thậm chí có người ví von DN như một bệnh nhân bị nhiễm virus Covid-19 dù được thăm khám ngay, được cấp thuốc thậm chí cho sử dụng máy trợ thở nhưng lại yêu cầu làm rõ tiêu khối oxy vào bộ phận nào trên cơ thể.
Mong muốn của các DN hiện nay là việc thực hiện triển khai các gói cứu trợ nên có sự tiếp cận từ thực tế thị trường, điều chỉnh lại các tiêu chí để DN có thể vay được gói hỗ trợ trong khoảng thời gian nào đó miễn là họ “còn sống” để công nhân của họ bị sa thải để được cấp oxy.