Ông Cao Hoàng Anh - Phó TGĐ FSI: “Cần đầu tư nghiêm túc và quyết liệt hơn cho chuyển đổi số trong doanh nghiệp”

Đó là nhận định của ông Cao Hoàng Anh - Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI về quá trình chuyển đổi số (CĐS) trong doanh nghiệp (DN). Ông khẳng định, CĐS là xu hướng tất yếu khách quan không thể đảo ngược, là động lực quan trọng để phát triển KT-XH nhanh và bền vững.
Ông Cao Hoàng Anh - Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI
Ông Cao Hoàng Anh - Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI

Theo ông Cao Hoàng Anh, mặc dù cộng đồng DN nhận thức rõ tầm quan trọng của CĐS, tuy nhiên việc đầu tư nguồn lực để triển khai CĐS một cách nghiêm túc, bài bản thì còn rất ít. Lý giải nguyên nhân này, Phó TGĐ FSI cho rằng, DNNVV ở nước ta chiếm đến 97%, lại chịu sự bào mòn đáng kể sau 2 năm đại dịch COVID-19, do đó lực lượng này đang gặp các hạn chế về nguồn lực, khả năng tiếp cận công nghệ…

- Là đơn vị cung cấp dịch vụ và các giải pháp chuyển đổi số cho các DN, ông có thể đưa ra nhận xét về những lợi ích cơ bản mà quá trình CĐS mang lại đối với các tổ chức, DN trong thời đại số?

CĐS ở nước ta là quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất từ sản xuất thủ công bán tự động sang phương thức sản xuất thông minh, có sự tham gia của các cơ chế tự động thông minh thay thế con người trong một số công đoạn hay cả quy trình sản xuất.

Lợi ích mà CĐS thể hiện rõ nhất ở 2 khía cạnh: Máy làm thay người công việc trí óc: tính toán, xử lý; Máy làm thay người công việc chân tay: Thực hiện các thao tác vật lý (mức độ thay thế càng cao thì độ trưởng thành số càng cao).

DN CĐS sẽ giúp cắt giảm chi phí vận hành, xây dựng được mối quan hệ với khách hàng trong thời gian dài. CĐS cũng sẽ giúp DN tăng doanh thu, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như tăng trải nghiệm khách hàng và đặc biệt là tăng giá trị thương hiệu DN ….

Bên cạnh đó, đối với chính phủ, Bộ ban ngành, cơ quan nhà nước, việc áp dụng công nghệ tiên tiến giúp nâng cao năng lực quản lý, điều hành các lĩnh vực nhanh và hiệu quả hơn. Người dân, DN được thụ hưởng, trải nghiệm các dịch vụ trên môi trường số. Tiết kiệm thời gian, giải quyết nhanh chóng.

Theo ông, thời gian qua việc CĐS của các DN diễn ra như thế nào? Ngành nghề và lĩnh vực nào đi tiên phong trong hoạt động này và hiệu quả của nó ra sao, thưa ông?

Toàn bộ cộng đồng DN bao gồm đủ các lĩnh vực đã có nhận thức cơ bản về CĐS và đã bắt đầu hành động, thực hiện triển khai CĐS dù ở một khía cạnh hay toàn diện. Tuy nhiên, quá trình này cơ bản mới dừng ở nhận thức. Việc đầu tư nguồn lực để triển khai một cách nghiêm túc, bài bản thì còn rất ít. Đối với các DN, tập đoàn lớn sẽ có nhiều tiềm lực ứng dụng các công nghệ số cao hơn.

Xét về lĩnh vực, tiên phong CĐS phải kể đến tài chính, ngân hàng, hàng không, vận tải (Grab), lưu trú (Airbnb), bán lẻ, logistics. Đó là những nơi chịu sức ép phải thay đổi từ quốc tế, có tiềm lực tài chính, năng lực công nghệ và con người.

Xét về tính hiệu quả, CĐS mang lại hiệu quả rất rõ ràng. Với khách hàng sẽ được trải nghiệm dịch vụ nhanh gọn, bảo mật, an toàn như mua vé máy bay online, tự check in, gửi tiền, thanh toán trực tuyến, mua sắm tại nhà, tự tìm nơi lưu trú ưng ý, chọn xe khi cần di chuyển,… Đối với DN sẽ sắp xếp được bộ máy tinh gọn, khoa học và tối ưu chi phí hoạt động.

- Trong quá trình cung cấp dịch vụ, những vấn đề gì khiến FSI thấy trăn trở nhất? Xin ông chia sẻ những câu chuyện thực tế, gây ấn tượng nhất cho đơn vị khi thực hiện việc CĐS cho các tổ chức, DN?

Khi thực hiện CĐS cho DN, chúng tôi nhận thấy DN đang gặp phải những vấn đề chính như sau:

Thứ nhất, DN đang còn lúng túng trong vấn đề tổ chức dữ liệu. Ngoài việc lúng túng trong vấn đề tạo lập dữ liệu, xử lý dữ liệu thì việc cập nhật dữ liệu, trong đó cập nhật dữ liệu tự động từ các IoT khiến DN lúng túng nhất.

Thứ hai, DN ứng dụng quá nhiều apps. Hiện nay có rất nhiều DN mắc phải sai lầm khi thực hiện CĐS là áp dụng càng nhiều apps càng tốt. Do đó, rất nhiều trong số họ bị rối trong ma trận các apps và chưa lập được chiến lược CĐS phù hợp. Kết quả là CĐS chưa thấy đâu nhưng hệ thống quy trình thêm phức tạp và nhân viên nhiều phen bị “khiếp sợ” trong mớ bòng bong của apps.

FSI giới thiệu các giải pháp công nghệ do FSI nghiên cứu và phát triển
FSI giới thiệu các giải pháp công nghệ do FSI nghiên cứu và phát triển

Thứ ba, nhiều quy trình vẫn chưa được tự động hóa. Các DN SMEs vẫn duy trì phương pháp làm việc thủ công và hiện họ đang phải tập trung để giải quyết sự yếu kém từ phương pháp làm việc truyền thống này.

Điều chúng tôi trăn trở nhất khi đi tư vấn đó chính là vẫn còn rất nhiều DN áp dụng phương pháp làm thủ công với bảng tính excel, không có công cụ hỗ trợ làm việc, giám sát và đánh giá hiệu quả công việc khi làm từ xa, khiến nhà quản lý tốn rất nhiều công sức để có thể quản lý hiệu quả.

Bên cạnh đó là quản lý công việc còn quá cồng kềnh. Ví dụ như một tổng công ty có tới  4-5 hệ thống thì lãnh đạo cần phải mở 4-5 màn hình để thao tác, nhân viên phải nhập liệu thủ công 2-3 lần một dữ liệu trên nhiều hệ thống khác nhau. Việc này làm mất thời gian và gây ức chế cho hệ thống nhân sự.

DN đang gặp phải những vấn đề chính như: tổ chức dữ liệu, ứng dụng quá nhiều apps, nhiều quy trình vẫn chưa được tự động hóa, quản lý công việc còn quá cồng kềnh...

- Quá trình tiến hóa số diễn ra trong 3 nội dung là số hóa (Digitization), xây dựng mô hình hoạt động mới dựa trên công nghệ số (Digitalization) và CĐS (Digital transformation). Theo ông, nội dung nào sẽ đóng vai trò quyết định trong quá trình CĐS?

Theo tôi đó là phải thực hiện số hóa dữ liệu và xây dựng mô hình hoạt động mới dựa trên công nghệ số một cách nghiêm chỉnh.

Số hóa dữ liệu là quá trình chuyển dữ liệu tương tự (analog) thành dữ liệu số (digital) bằng cả phương pháp thủ công (do người nhập vào) hay tự động (sử dụng IoT). Xây dựng mô hình hoạt động mới dựa trên công nghệ số là quá trình hình thành các quy trình sản xuất mới dựa trên những khả năng mới mà kết quả xử lý dữ liệu đã số hóa mang lại. Đó là các cơ chế tự động thông minh được “ghép” vào các quy trình sản xuất truyền thống và làm thay đổi chúng. Đây là khâu quyết định mà rất nhiều DN bỏ qua hoặc không chú trọng đúng mức.

- Theo ông, những yếu tố nào trong các tổ chức, DN sẽ quyết định sự thành công đối với việc CĐS? Để giúp các tổ chức, DN thành công trong việc CĐS, ông có những khuyến nghị gì?

Từ kinh nghiệm tư vấn và cung cấp giải pháp CĐS cho hơn 5.500+ khách hàng là các DN, tập đoàn lớn, chúng tôi rút ra 5 yếu tố sau đây sẽ ảnh hưởng lớn đến sự thành công của việc CĐS.

Thứ nhất đó là nhận thức. Trước khi bắt tay CĐS, các DN cần nhận thức đúng và đầy đủ về hành trình CĐS để tránh mất tiền mà không đi đến đâu hoặc bỏ dở giữa chừng vì đầu tư sai hướng.

Thứ hai là chọn cách tiếp cận. Khi đã hiểu bản chất của CĐS thì chọn cách tiếp cận nào phù hợp với tổ chức mình là rất quan trọng. Đối với các SME, cách tối ưu nên bắt đầu từ những việc nhỏ, đầu tư ít để đánh giá kết quả, sau đó mở rộng dần. Khi đã nhận ra sự hơn hẳn thì chuyện mở rộng là không khó.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch thực hiện. Cần xây dựng một kế hoạch trung hạn, ít nhất 5 năm với những mục tiêu rõ ràng nhưng tập trung cụ thể hóa kế hoạch của năm đầu tiên. Kế hoạch này bao gồm 2 nội dung chính là chọn lựa công nghệ nào để thay đổi quy trình sản xuất và thực hiện việc đó như thế nào. DN cần nghiên cứu, chọn lựa nhà cung cấp phù hợp, có kinh nghiệm và đặc biệt là có giải pháp đơn giản giúp mình đạt được mục tiêu.  

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực số. Không phải là việc tuyển dụng các kỹ sư CNTT hay công nghệ số vào làm việc mà là trau dồi, rèn luyện kỹ năng số cho cán bộ, người lao động trong DN, đặc biệt là những người am hiểu sâu nhất về quy trình sản xuất của DN.

Để CĐS thành công, DN và các tổ chức nên xác định cho mình một khung CĐS tổng thể. Điều này giúp DN có cái nhìn dài hạn và có thể bắt tay CĐS từng phần. Khung CĐS được xem là “kim chỉ nam” giúp DN xác định mục tiêu, xây dựng lộ trình CĐS hiệu quả, đo lường, đánh giá quá trình thực hiện mục tiêu, tránh lãng phí, bỏ dở khi chưa thấy kết quả như ý muốn.

Tiếp đó, DN, tổ chức cần lập kế hoạch và lộ trình theo từng giai đoạn, xây dựng, triển khai các kế hoạch đó trong thực tiễn.

Cuối cùng, DN cần xây dựng kho dữ liệu tổng thể và ứng dụng các công nghệ 4.0 như AI, Blockchain, Cloud để đưa ra các mô hình sản xuất, kinh doanh mới.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm