Được thành lập từ năm 2007, ban đầu, Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI (FSI) định hướng kinh doanh chuyên về thiết bị văn phòng như máy in, máy fax, scan... Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, FSI nhận ra một xu hướng mới là số hóa tài liệu từ thiết bị máy scan chuyên dụng. Và FSI đã quyết định nghiên cứu về mảng số hoá này mặc dù tại thời điểm đó, xu hướng này còn rất xa lạ, và ở Việt Nam hầu như chưa có nhu cầu về nó.
Sau 5 năm kinh doanh, thị trường thiết bị văn phòng bị bão hoà và đầy tính cạnh tranh. Trong bối cảnh đó FSI đã quyết định chỉ giữ lại mảng máy scan chuyên dụng vì vẫn còn có tỉ suất lợi nhuận cao, đồng thời tập trung nguồn lực cho mảng số hóa tài liệu bắt đầu được biết đến nhiều hơn tại Việt Nam.
Là một trong số những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực số hóa tài liệu, có lẽ FSI không thể tránh khỏi những khó khăn ban đầu, thưa ông?
Đúng vậy. Vì chọn và phát triển lĩnh vực số hóa vào thời điểm khi lĩnh vực số hóa tài liệu tại Việt Nam còn khá mới lạ với nhiều đơn vị, thế nên trong giai đoạn này FSI phải nỗ lực rất nhiều trong việc tiếp thị, tư vấn giúp các doanh nghiệp thấy được các lợi ích từ số hoá để đưa vào ứng dụng trong hoạt động kinh doanh của mình.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi giai đoạn đầu chúng tôi bỏ chi phí ra nhiều nhưng lợi nhuận thu về lại không có. Tuy nhiên FSI đã kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc bởi chúng tôi tin rằng, lĩnh vực số hóa sẽ đem lại nhiều giá trị lợi ích, không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng kinh doanh mà còn đóng góp vào sự thay đổi chung của đất nước.
Có vẻ như việc chuyển hướng sang lĩnh vực hoạt động số hoá đã mang lại nhiều thành công cho DN khi FSI vừa được vinh danh Top 10 DN CNTT có năng lực công nghệ 4.0 xuất sắc và trước đó là hàng loạt giải thưởng danh giá khác?
Tôi cho rằng FSI vẫn chưa có nhiều thành công. Việc chuyển đổi sang lĩnh vực số hoá là do chúng tôi gặp được may mắn vì đây là “miền đất mới” và đang đi đúng xu hướng khi cả khối Chính phủ lẫn tư nhân đang cần nhu cầu số hoá.
Trong quá trình hoạt động, FSI đã đạt một số giải thưởng như: Sao vàng Đất Việt, Top 50 DN CNTT hàng đầu Việt Nam, Top 10 doanh nghiệp CNTT có năng lực công nghệ 4.0 xuất sắc… Quan điểm của FSI coi các giải thưởng này là nguồn động viên và động lực để phấn đấu đạt kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới. FSI cũng xác định, FSI đang trong quá trình phát triển nên còn phải học hỏi và phấn đấu rất nhiều.
Tuy nhiên điều chúng tôi thành công nhất là các giải pháp số hoá của FSI đã nhận được sự tin tưởng của nhiều khách hàng và đi đến sự hợp tác lâu dài.
Điều gì đã giúp cho các giải pháp số hoá của FSI đạt được sự tin tưởng của nhiều khách hàng và đi đến sự hợp tác lâu dài như ông chia sẻ?
FSI không tư duy sẽ đưa ra một giải pháp để cạnh tranh với giải pháp của doanh nghiệp khác mà giải pháp của FSI sẽ tập trung vào nhu cầu của khách hàng, giúp khách hàng thành công.
Cụ thể, FSI hướng đến việc mang lại cho khách hàng giải pháp công nghệ tiên phong, có thể tạo lập cơ sở dữ liệu cũng như có các ứng dụng để tự động hoá quy trình của khách hàng, giúp khách hàng chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp số hoặc tổ chức số với chi phí thấp nhất có thể.
Đặc biệt, giải pháp của FSI thuần tuý do FSI phát triển, thế nên rất linh hoạt khi có thể tuỳ biến theo nhu cầu của khách hàng; đồng thời giúp khách hàng tối ưu hơn trong việc kết nối với các sản phẩm khác của doanh nghiệp mình.
Ông có thể kể tên một vài dự án số hoá mà FSI đã thực hiện xuất phát từ sự tin tưởng?
Với những điểm nổi trội về giải pháp số hoá do FSI phát triển như kể trên, FSI đã vinh dự được lựa chọn và tham gia các dự án lớn, xây dựng cơ sở dữ liệu quan trọng trong tổng đề án xây dựng Chính phủ điện tử và chính quyền đô thị thông minh hiện đang triển khai tại các bộ ngành và các tỉnh Việt Nam.
FSI cũng đã được một số tập đoàn nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia lớn của Nhật, Mỹ, Hàn,… tin tưởng và lựa chọn giải pháp số hoá của FSI để triển khai trong doanh nghiệp của họ. Điều đáng tự hào là đa phần sự hợp tác của FSI đối với các đối tác là sự hợp tác lâu dài, năm này qua năm khác.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm trong lĩnh vực số hóa và chuyển đổi số, theo ông để các doanh nghiệp cũng như tổ chức, cá nhân chuyển đổi số thành công thì cần những yếu tố gì?
Công nghệ và giải pháp chỉ là công cụ, người quyết định doanh nghiệp chuyển đổi thành công hay không là do người đứng đầu. Bước tiếp theo là họ cần xác định một lộ trình chuyển đổi tổng thể, vì việc chuyển đổi số là công việc không thể làm trong một sớm một chiều. Sau đó, hãy chọn lựa những người đồng hành có thể là đơn vị tư vấn ngoài, có thể là các chuyên gia hoặc nhân sự nội bộ có năng lực, hiểu biết và kinh nghiệm về chuyển đổi số để đi cùng, nhằm giảm thiểu bớt thời gian và những sai sót trong quá trình chuyển đổi.
Hiện tại FSI cũng đang áp dụng các bước như vậy vào quá trình chuyển đổi số nội bộ của FSI và đã thu được những thành công nhất định. Hơn 70% quy trình nghiệp vụ của FSI đang chạy trên môi trường số.
- Xin cảm ơn ông!
FSI rất mong được tham gia và có những đóng góp nhiều hơn nữa trong lĩnh vực số hoá nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT nói riêng và phát triển nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Để hiện thực hoá những mong muốn đó, FSI đã có những hành động cụ thể như bên cạnh nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp số hoá ưu việt, linh hoạt, giúp các tổ chức, cơ quan nhà nước tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc cải cách về mặt hành chính; giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu suất làm việc, gia tăng năng lực cạnh tranh, tiết kiệm chi phí quản lý tài liệu…
FSI cũng rất tích cực trong việc tham gia và kết nối các hiệp hội ngành nghề cũng như hiệp hội doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động từ thiện tại các vùng bị thiên tai, bão lũ, vùng sâu vùng xa; tham gia hiến máu nhân đạo, ủng hộ các quỹ học đường, các đóng góp cho người có công với Tổ quốc…
Tuy nhiên một mình FSI không thể làm tốt được việc này. Do đó chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp không chỉ hoạt động trong lĩnh vực CNTT mà còn kinh doanh trong các lĩnh vực khác hãy cùng đoàn kết và là “cánh tay nối dài” trong các hoạt động thiện nguyện cũng như đưa ra nhiều sản phẩm độc đáo, sáng tạo, có ích giúp ngành CNTT cũng như nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển hơn.