Theo báo cáo giải trình, Petrolimex cho biết, hoạt động kinh doanh xăng dầu quý III/2022 vẫn phát sinh lỗ do giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến bất thường theo xu hướng giảm và chi phí khâu tạo nguồn, khâu lưu thông thực tế tăng cao hơn chi phí định mức theo quy định được tính trong giá cơ sở.
Khoản lỗ của hoạt động kinh doanh xăng dầu được bù đắp nhờ lợi nhuận từ hoạt động lĩnh vực khác tăng, trong đó một số công ty con kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay đã trở lại hoạt động ổn định.
Cụ thể, trong quý III/2022, doanh thu hoạt động tài chính của Petrolimex tăng 5,6% đạt 279 tỷ đồng, đồng thời chi phí tài chính cũng tăng 48,6% lên mức 319 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 25% và 31,5% so với cùng kỳ, lên 2.407 tỷ đồng và 196 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận đạt 302 tỷ đồng, tăng rất mạnh, gấp 3,6 lần quý III/2021. Cộng thêm khoản lợi nhuận khác, Petrolimex báo lãi trước thuế 313 tỷ đồng trong quý III vừa qua, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2021. Lãi sau thuế đạt 190 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần quý III/2021, trong đó, lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 99 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ gần 30%.
Lũy kế 9 tháng, Petrolimexđạt 225.697 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 88,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, lãi trước thuế 9 tháng chỉ đạt 614 tỷ đồng; lãi sau thuế là 498 tỷ đồng, chỉ bằng 20,7% kết quả cùng kỳ.
Tại ngày 30/9, giá trị tài sản ngắn hạn của "ông lớn" này đạt 45.378 tỷ đồng, tăng 4.075 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp ghi nhận đạt 14.692 tỷ đồng tại ngày cuối tháng 9, tăng 1.529 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, Petrolimex phải tăng gần gấp đôi dự phòng giảm giá hàng tồn kho từ 224 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 432 tỷ đồng tại ngày 30/9.