PGS. TS. Trần Đình Thiên: “Những doanh nghiệp như VinFast là nền tảng tốt để Việt Nam khẳng định vị thế”

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên (thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), những chiếc ô tô điện của VinFast tới tay người dùng Mỹ là khởi đầu cho một “cuộc đua” đầy thách thức với VinFast và cả với Việt Nam...

Để chiến thắng, VinFast cần chỗ dựa, sự chung tay của mỗi người Việt, để lòng tự hào Việt Nam thực sự được bồi đắp vững chắc hơn.

“Logic đi ngược” của VinFast tạo nên sự đột phá

Ngày 2/3 theo giờ Việt Nam, ô tô điện VinFast đã chính thức giao tới khách hàng tại Mỹ. Sự kiện này gợi cho ông cảm xúc gì?

Cảm giác đầu tiên là tự hào! Sự kiện đánh dấu một kết quả thực tế của ô tô điện Việt Nam, không còn chỉ là “giấc mơ” hay kế hoạch trên giấy như nhiều người vẫn nói. Thực tế này thực sự có ý nghĩa tạo động lực, giá trị thúc đẩy và tính lan tỏa, cổ động lớn tới cộng đồng.

Ở góc độ khác, cũng phải thấy rằng, đối với VinFast, cuộc đua bây giờ mới thực sự bắt đầu. Cần xác định, một khi đã cạnh tranh, đặc biệt là ở đẳng cấp thế giới thì không chỉ có ngọt ngào. Bởi thế, chúng ta cần bình tĩnh, không hoa mắt vì thắng lợi bước đầu, để tập trung “đối đấu” và nỗ lực giành chiến thắng.

Chỉ 5 năm sau màn ra mắt tại Paris Motor Show 2018, VinFast hiện đã có ô tô điện chạy trên đường phố Mỹ. Thời gian ngắn như vậy là khá khó tin bởi nhiều hãng ô tô lớn nhất thế giới cũng từng phải mất nhiều thập kỉ để chạm tới “Giấc mơ Mỹ”, ông có đánh giá thế nào?

Logic của thời đại hiện rất khác. Nó cho phép đảo ngược quy trình. Thời gian chinh phục thị trường ngắn hay dài phụ thuộc vào khả năng làm chủ công nghệ, quy trình sản xuất... Riêng tôi, tôi thích logic “đi ngược” của VinFast, tức là VinFast đi sau nhưng không đi theo, đi từng bước tuần tự mà mượn sức, nỗ lực làm chủ đỉnh cao công nghệ của thế giới, biến nó thành của mình để bứt phá, nhanh chóng lấp đầy khoảng cách và tiến vượt. Đó là cách tiếp cận tích cực, phù hợp logic thời đại và cho phép các nước đi sau như Việt Nam nhanh chóng tiến kịp thế giới và thời đại.

Bởi thế, điều đáng tự hào không chỉ là thời gian bao lâu để thuyết phục thị trường mà là cách VinFast thử nghiệm logic phát triển mới. Chúng ta không tung hô vô căn cứ nhưng phải thừa nhận, chỉ có cách đó mới cho phép tạo ra bước ngoặt lớn. Tôi hi vọng, với tinh thần Vingroup, VinFast sẽ vượt qua thách thức và chứng minh được thành công của mô hình mang tính đột phá của mình.

Dù logic phát triển của VinFast như ông nói là đặc biệt và tích cực nhưng đem chuông đi đánh xứ người với những đối thủ lớn đã giao cả triệu chiếc ô tô điện trong 1 năm vẫn là thử thách không nhỏ với VinFast?

Tương lai của thế giới nằm ở xe điện. Trong tương lai ấy, không phải cứ người đi trước sẽ chiếm hết phần bởi khả năng biến đổi công nghệ và thị trường là vô tận. VinFast có thể chậm hơn một nhịp so với một vài đối thủ nhưng cách tiếp cận của VinFast không phải “đi theo”. Đi theo thì mãi đi sau thôi. Logic của VinFast là nhảy vọt và tiến vượt. Tôi ủng hộ logic ấy và hi vọng với từng lựa chọn, bước đi cụ thể, VinFast sẽ bắt kịp và vượt lên những đối thủ chạy trước.

ô tô điện VinFast

Cần chung tay vì “niềm tự hào Việt Nam”

Chính phủ Mỹ vừa thông qua khoản tài trợ thuế lên tới 7.500 USD/xe cho ô tô VinFast. Rõ ràng, chính phủ các nước đang rất quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển bền vững như VinFast. Còn tại Việt Nam, thái độ của chúng ta với những doanh nghiệp như VinFast nên ra sao, thưa ông?

Hiện nay, ô tô điện là một hướng ưu tiên chiến lược mang tính toàn cầu. Chính phủ Mỹ hỗ trợ VinFast thể hiện thái độ ưu tiên đó. Nhưng đó cũng là cách họ khuyến khích làm lợi cho nước Mỹ - để người dân Mỹ có môi trường sống trong lành, để nước Mỹ củng cố thực lực đi đầu, để các doanh nghiệp tiên phong công nghệ được khuyến khích, qua đó, làm tăng thêm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Mỹ.

Các nước cũng cần hành động như vậy. Và họ sẽ hành động như vậy. Vì đó là cách làm hợp xu thế thời đại, lại rất khôn ngoan.

VinFast là doanh nghiệp Việt, đang nỗ lực khẳng định năng lực và vị thế Việt Nam, không có lý gì chúng ta lại không quan tâm như vậy. Chúng ta càng cần phải quan tâm tới VinFast bằng sự ủng hộ mạnh mẽ cả về vật chất lẫn theo tinh thần. Mà trước tiên, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt phải là hành động thực tiễn của Nhà nước, của Chính phủ.

Ở góc độ vĩ mô, từ trường hợp của VinFast, theo ông, chiến lược xây dựng nền công nghiệp ô tô Việt nên tập trung theo hướng nào để thực sự giúp các doanh nghiệp trưởng thành và không cảm thấy đơn độc?

Chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận. Thay vì hỗ trợ cả nghìn doanh nghiệp làm “công nghiệp hỗ trợ”, quỹ không nhiều nhưng chia mỗi nơi một ít, ta nên hỗ trợ theo chuỗi. Đơn cử như ô tô, chúng ta có thể hỗ trợ cho VinFast - doanh nghiệp đầu tàu, đứng đầu chuỗi, theo sau là hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ. Tự VinFast sau đó sẽ tính toán cần hỗ trợ cái gì, bao nhiêu, cho những doanh nghiệp cụ thể nào trong chuỗi để hiệu quả chuỗi được cải thiện mạnh mẽ nhất.

Tất nhiên, những doanh nghiệp đầu tàu phải có cam kết hỗ trợ một cách công khai, minh bạch - danh sách, quy trình, mức độ… với ràng buộc và chế tài nghiêm khắc. Nguyên tắc này cho đến nay tuy đã được đặt ra nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Nhưng việc hỗ trợ, nếu có, liệu có thể gây phản ứng tiêu cực với người dùng không, thưa ông, đặc biệt là khi mỗi bước di của VinFast đều được theo dõi sát sao?

Ta phải nhìn nhận đúng người, đúng việc. VinFast mang lại tự hào cho người Việt Nam thì rõ ràng cần ủng hộ. Mỗi người đều có thể phê bình hay “chê” VinFast về các sai sót, khiếm khuyết ban đầu, chỉ ra vấn đề nhưng phải trên tinh thần thông hiểu, góp ý và chia sẻ chứ không phải là xỉ vả, “xúc đất đổ đi”, thiếu trách nhiệm, dễ thui chột, triệt tiêu khát vọng, động lực của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt như ô tô, phải đối mặt với rất nhiều thách thức, vấp ngã, sai sót là bình thường và khó tránh. Nhưng điều chúng ta cần là thái độ đúng mực, sự chia sẻ, ủng hộ. Với tư cách là người Việt, tôi muốn gửi gắm tới mọi người rằng, đây là lúc ta cần bồi đắp, để lòng tự hào Việt Nam thực sự vững chắc, to lớn và xứng đáng hơn.

Truyền thông thế giới từng nói về việc Việt Nam có thể kì vọng trở thành một cường quốc ô tô từ sự xuất hiện của VinFast. Theo ông, nhận định này có thực tế không?

Với tầm nhìn, khát vọng và với những gì được trải nghiệm, tôi cho rằng, có nhiều điều kiện khả thi để VinFast khẳng định tầm vóc và vị thế của mình. Khởi sự của những doanh nghiệp như VinFast sẽ là nền tảng tốt để Việt Nam từng bước khẳng định vị thế của mình trên thế giới. Và, sau đó, cùng với một số tập đoàn lớn khác, VinFast hoàn toàn có thể giúp Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ trở thành một thế lực toàn cầu về ô tô điện tương lai.

Sẽ không dễ dàng. Không có cái gì hay và đẹp lại dễ dàng đạt được cả. Nhưng tôi hoàn toàn tin vào khả năng của VinFast và của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…