PGS.TS Bùi Thị An cho biết, liên ngành được lập ra là để xác minh chặt chẽ thông tin, và phải hành xử trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đúng thì đồng tình..Gây hậu quả nghiêm trọng, liệu có bình yên vô sự?Sự kiện đường ống nước Sông Đà 18 lần bị vỡ khiến dư luận Hà Nội vô cùng bức xúc. Như Báo Giáo dục đã đăng tải trong bài “Liên ngành Tư pháp là gì mà quyền lực khiếp thế”, đề cập tới việc ông Phí Thái Bình – nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và các cộng sự được “liên ngành” đề nghị miễn truy tố trách nhiệm hình sự, với những lý do rất ít người đồng thuận: phạm tội lần đầu, nhân thân tốt...Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhận định, liên ngành tư pháp lập ra nhằm để xác minh chặt chẽ thông tin về các vụ việc, qua đó có đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về hướng giải quyết.“Tuy nhiên ngay cả trong đề xuất cũng phải thực hiện trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong trường hợp liên ngành đưa ra đề xuất hướng xử lý không đúng với tinh thần thượng tôn pháp luật, cơ quan có thẩm quyền phải bác bỏ và tiếp tục thực hiện đúng quy định của pháp luật.Trong vụ việc vỡ đường ống nước Sông Đà, hậu quả đã rất rõ ràng, không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của hàng nghìn hộ gia đình. Cơ quan điều tra cũng đã kết luận: Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.Nếu không truy cứu trách nhiệm đối với những người gây ra sự việc này, vậy thì còn nhiều vụ việc khác sẽ rơi vào tình trạng nhờn luật”, bà An nêu quan điểm.Theo thông tin đã được công bố, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), đồng thời chuyển hồ sơ tới Viện KSND Tối cao và giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố 9 bị can về tội danh này như viện dẫn tại bản kết luận điều tra từ trước đó.Các bị can trong vụ án gồm: Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc và Vũ Thanh Hải, nguyên Phó giám đốc Công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex;Đỗ Đình Trì, nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát của Công ty CP nước và môi trường Việt Nam - Bộ Xây dựng (Viwase);Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân, đều nguyên là cán bộ Công ty Viwase;Hoàng Thế Trung, Nguyễn Văn Khải, Trương Trần Hiển, nguyên là Giám đốc, Phó giám đốc và Trưởng phòng Vật tư thiết bị - Ban QLDA đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội.Kết quả điều tra bổ sung, cơ quan Công an xác định dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội do Vinaconex làm chủ đầu tư, được xây dựng từ năm 2004.Dự án được nghiệm thu đưa vào sử dụng năm 2009.Tuy nhiên, trong quá trình vận hành khai thác, trong vòng ba năm từ 2012- 2015, đã xảy ra 14 lần vỡ đường ống nước với số lượng 18 cây ống composite cốt sợi thuỷ tinh bị phá huỷ (đến nay đã 18 lần).Doanh nghiệp khai thác đã phải chi hơn 13 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục các sự cố.Những lần vỡ ống nước đã ngừng cung cấp nước sạch cho 177.000 hộ dân với thời gian dừng cấp nước là gần 350 giờ và lượng nước là 1,5 triệu m³ nước.Theo kết quả điều tra bổ sung, từ thời điểm năm 2004, các thành viên của HĐQT Vinaconex gồm: Ông Phí Thái Bình - Chủ tịch HĐQT, Nguyễn Văn Tuân - Tổng giám đốc, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm là các ủy viên đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình.Cụ thể là quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng;Lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, kinh nghiệm để cung cấp sản phẩm composite cho dự án, sản phẩm cung cấp không đảm bảo chất lượng khiến công trình xây dựng liên tục xảy ra sự cố khi vận hành sử dụng gây hậu quả nghiêm trọng.
Chi phí khắc phục sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà lên đến hơn 13 tỷ đồng. ảnh: Hồng Liên. |
Bà Bùi Thị An nói thẳng: “Đảng ta nhất quán quan điểm là phải đảm bảo sự công bằng, điều này một lần nữa được khẳng định tại Đại hội XII vừa qua.Tổng Bí thư đã nói rất rõ là không có vùng cấm khi xử lý các vụ việc liên quan đến cán bộ. Cán bộ là do dân bầu ra để làm việc, và anh cũng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp khi vi phạm các quy định về quản lý, gây ra hậu quả.Vì vậy, tôi tin chắc rằng nhân dân, cử tri mong muốn các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm là hoàn toàn chính đáng”.Niềm tin của dân là vô giáCũng theo bà Bùi Thị An, Hiến pháp 2013 đã nói rõ về trách nhiệm của Tòa án, Viện Kiểm sát, thực hiện quyền tư pháp, phải đảm bảo công bằng, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.Vì vậy, xử lý nghiêm minh đối với những cá nhân, tổ chức gây ra “hậu quả nghiêm trọng” cho dù họ đã từng giữ chức vụ gì cũng chính là nhiệm vụ cần phải thực thi, bởi nó đúng với mệnh đề “tất cả vì quyền lợi của nhân dân”.