Phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng: Mảnh đất màu mỡ...

Phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) chiếm 39% doanh thu bảo hiểm nhân thọ năm 2021 và chiếm trung bình 37% trong tổng thu nhập phí năm 2021 của các ngân hàng niêm yết. Kênh phân phối này giúp hai bên bảo hiểm và ngân hàng thu về lợi nhuận lớn, tuy nhiên cũng bộc lộ những hạn chế.

Kênh phân phối tiềm năng

Theo Bộ Tài Chính, ngành bảo hiểm Việt Nam có 77 công ty, bao gồm 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, 19 công ty bảo hiểm nhân thọ, 2 công ty tái bảo hiểm, 24 công ty môi giới bảo hiểm, và 1 chi nhánh của một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Vào năm 2021, tổng tài sản của tất cả các công ty bảo hiểm là 710 nghìn tỷ đồng, trong đó các công ty bảo hiểm phi nhân thọ chiếm 14,7% (tương đương 104 nghìn tỷ đồng), và các công ty bảo hiểm nhân thọ chiếm 85,3% (606 nghìn tỷ đồng).

Bancassurance được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng
Bancassurance được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng

Tổng vốn chủ sở hữu của các công ty bảo hiểm là 152 nghìn tỷ đồng, trong đó mảng bảo hiểm phi nhân thọ chiếm 23,6% và bảo hiểm nhân thọ chiếm 76,4%. Các công ty nội địa thống lĩnh thị phần mảng bảo hiểm phi nhân thọ. Bảo hiểm Bảo Việt là công ty có thị phần doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất với 16%, theo sau đó là Bảo hiểm PVI (14%), Bảo hiểm PTI (10%), Bảo hiểm Bảo Minh (8%), và MIC (7%). Xét về tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ. Bảo hiểm Bảo Việt và Manulife đồng hạng nhất với 19% thị phần. Theo sau đó là Prudential (18%), Dai-ichi Life (12%) và AIA (10%).

Triển vọng tăng trưởng tích cực do tỷ lệ thâm nhập vẫn còn thấp Chỉ có 11% dân số Việt Nam tham gia mua bảo hiểm nhân thọ trong năm 2021, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với Malaysia (~50%), Singapore (~80%), và Mỹ (~90%). Mức độ thâm nhập của mảng bảo hiểm nhân thọ khá thấp - chỉ chiếm khoảng 2% tổng GDP năm 2020 - so với Thái Lan (3,1%), Singapore (9,8%), Đài Loan (13,7%), và Hong Kong (19,7%).

Mặc dù thị trường Việt Nam chưa thể so sánh với Singapore và các thị trường Đông Bắc Á, nhưng những con số này hàm ý rằng vẫn có cơ hội tăng trưởng đầy tiềm năng cho ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam nói chung và mảng bancassurance nói riêng.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2021 là 217 nghìn tỷ đồng. Doanh thu phí khai thác mới (FYP) năm 2021 là 49,5 nghìn tỷ đồng, và doanh thu phí bảo hiểm bancassurance năm 2021 chiếm khoảng 39% tổng FYP.

Một số “ông lớn” ngân hàng đang tham gia vào thị trường này như Ngân hàng TMCP Á Châu. Theo đó ACB đã ký kết hợp đồng bancassurance độc quyền có thời hạn 15 năm với Sun Life vào năm 2020. ACB có lợi thế vượt trội trong việc bán bancassurance do ACB là một ngân hàng bán lẻ thực thụ.

Vietinbank cũng đã ký kết hơp đồng phân phối bancassurance độc quyền thời hạn 16 năm với Manulife trong năm 2022. Ngân hàng này xếp vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng tổng doanh thu phí APE trong 4 tháng đầu năm 2022 với 324 tỷ đồng.

Tổng doanh thu khai thác mới của bancassurance. Nguồn: IAV, ước tính của Yuanta Việt Nam
Tổng doanh thu khai thác mới của bancassurance. Nguồn: IAV, ước tính của Yuanta Việt Nam

HD Bank đã ký kết hơp đồng phân phối bancassurance độc quyền có thời hạn 10 năm với Dai-ichi Life vào năm 2015. Tuy nhiên, 2 bên đã gỡ điều khoản độc quyền trong hợp đồng. HDB hiện đang tìm kiếm đối tác bancassurance độc quyền mới.

Không như những ngân hàng khác, MB Bank vận hành một công ty bảo hiểm – MB Ageas Life – với tỷ lệ cổ phần sở hữu là 61%. Công ty được thành lập dựa trên sự hợp tác với các đối tác bảo hiểm nhân thọ như là Ageas of Belgium (công ty này sở hữu 29%) và Muang Thai Life Insurance của Thái Lan (10%) đã đi vào hoạt động từ năm 2016.

Dữ liệu từ FiinPro cho thấy MBBank đang là ngân hàng đứng đầu về doanh thu từ bán bảo hiểm, đạt hơn 5.060 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, tăng 30% so với cùng kỳ 2021. Năm ngoái, MB Bank cũng là ngân hàng đứng đầu về khoản mục này, đạt 8.386 tỷ đồng.

Một số thỏa thuận bancassurance khác được ký độc quyền như: Ngân hàng TMCP Phương Đông với Prudential thời hạn 20 năm vào năm 2020, Sacombank và Dai-ichi Life thời hạn 20 năm vào năm 2017 nhưng sau đó họ đã tái đàm phán và ký hợp đồng mới vào năm 2021, TP Bank với Sun Life thời hạn 15 năm vào năm 2019, Techcombank với Manulife thời hạn 15 năm vào năm 2017, Vietcombank với FWD thời hạn 15 năm, VIB Bank với AIA thời hạn 15 năm vào năm 2017, VPBank với AIA thời hạn 15 năm vào năm 2017…

Ưu thế từ các ngân hàng nhà nước

Theo một báo cáo phân tích của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta Research), bancassurance là một kênh phân phối tiềm năng giúp các công ty bảo hiểm mở rộng hệ thống phân phối và cơ sở khách hàng của họ. Các ngân hàng có mạng lưới hoạt động rộng lớn và tệp khách hàng tiềm năng là những gì mà các công ty bảo hiểm đa quốc gia còn thiếu, và đây cũng là một lợi thế cạnh tranh rất lớn trong việc bán bảo hiểm.

Các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước như Vietinbank và Vietcombank đang đứng đầu xét về số lượng khách hàng và mạng lưới hoạt động trên toàn quốc. Các ngân hàng thương mại như VPBank, MB Bank và HD Bank cũng có tệp khách hàng quy mô lớn. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là những khách hàng của các công ty con tài chính. Thu nhập hằng tháng của những khách hàng này được xếp vào nhóm thu nhập thấp.

Vì thế, Yuanta cho rằng có thể bán sản phẩm bancassurance cho các khách hàng từ các công ty tài chính tiêu dùng thấp hơn so với các khách hàng của ngân hàng. Do đó, nếu không tính đến số lượng khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng, thì các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước hiện đang là những ngân hàng có số lượng khách hàng bancassurance tiềm năng nhiều nhất.

Tuy nhiên, theo Yuanta, thị trường bancassurance còn thiếu các sản phẩm đáp ứng các nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng.

Yuanta cho rằng hầu hết các sản phẩm bancassurance đều kết hợp giữa việc tiết kiệm và quản trị rủi ro, hoặc tiết kiệm và đầu tư, sự kết hợp này có thể gây mâu thuẫn với hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Do đó có thể tác động đến việc bán các sản phẩm bancassurance trong điều kiện thanh khoản trên thị trường ngân hàng ở mức thấp.

Khách hàng thường không hiểu rõ những lợi ích khác nhau của các loại bảo hiểm, và họ thường mua bảo hiểm chỉ để nhận lãi suất ưu đãi hoặc chỉ để tuân thủ theo các điều khoản cho vay.

Nhân viên ngân hàng chịu trách nhiệm về việc bán bảo hiểm, nhưng chỉ có một số ít nhân viên thực sự hiểu về sản phẩm bảo hiểm một cách toàn vẹn để có thể đưa ra những tư vấn hữu ích và đúng đắn cho các khách hàng. Những nhân viên này đơn giản chỉ muốn bán bảo hiểm để hoàn thành KPI. Điều này giúp tạo ra doanh thu và thu nhập phí, nhưng tình trạng này có thể làm ảnh hưởng xấu đến nhận thức của khách hàng về các ngân hàng và mảng bảo hiểm bancassurance. Vì thế, khách hàng có thể chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sớm hơn so với thời hạn.

Xử nghiêm ngân hàng ép khách mua bảo hiểm

Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có các quy định nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm ép buộc khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Ngân hàng Nhà nước cũng có chỉ đạo các tổ chức tín dụng yêu cầu phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động bảo hiểm trên toàn hệ thống.

Mới đây, trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam - Đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ xử lý nghiêm những trường hợp ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc cho biết, thời gian qua, cơ quan quản lý tiền tệ đã nhận được phản ánh về tình trạng một số nhân viên ngân hàng bắt khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, chỉ giải ngân nếu khách mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ.

Người đứng đầu NHNN cho hay đã chỉ đạo các ngân hàng rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng. Trong đó, bảo đảm quá trình phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng được thực hiện đúng quy định.

Với các hợp đồng bán bảo hiểm qua ngân hàng, NHNN yêu cầu các nhà băng thực hiện chào bán, giải thích điều kiện, điều khoản của bảo hiểm cũng như các hoạt động đại lý bảo hiểm khác cho khách hàng có nhu cầu, giúp khách hàng hiểu đúng/đủ quyền và lợi ích, các điều kiện/điều khoản thanh toán của hợp đồng.

Đồng thời, cơ quan quản lý cũng yêu cầu mỗi ngân hàng phải quán triệt, phổ biến pháp luật kinh doanh bảo hiểm đối với từng nhân viên tín dụng và cán bộ tham gia hoạt động đại lý bảo hiểm. Trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Đại diện NHNN chia sẻ đã chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Đồng thời, lồng ghép nội dung thanh tra việc thực hiện chỉ đạo của NHNN đối với hoạt động này vào kế hoạch thanh tra hàng năm.

NHNN dự kiến thời gian tới xã tiếp tục có văn bản chỉ đạo về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng. Trong đó, chỉ đạo các ngân hàng phải hướng dẫn, niêm yết, công bố công khai tại trụ sở, các chi nhánh, phòng giao dịch về các sản phẩm bảo hiểm, quyền và lợi ích hợp pháp, điều kiện/điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm.

“Nghiêm cấm hành vi bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm. NHNN sẽ chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động này và việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của NHNN. Trường hợp phát hiện vi phạm, NHNN sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Bên cạnh đó, trên cơ sở các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến đại lý bảo hiểm, tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Có thể bạn quan tâm