Phát triển thị trường bán lẻ đảm bảo sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại

Sự bùng nổ của công nghệ số, đã vẽ lại bức tranh hoàn toàn mới cho thị trường bán lẻ, từ những phiên chợ truyền thống đến các sàn thương mại điện tử khổng lồ tạo nên sự chuyển dịch trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng...

page.jpg
Sức cạnh tranh tạo nên sự phát triển của thị trường bán lẻ

Vừa qua, tại Diễn đàn Chính sách và Pháp luật Phát triển thương mại trong nước năm 2024 do Bộ Công Thương tổ chức, các chuyên gia đã thảo luận sôi nổi về những vấn đề liên quan đến sự phát triển của thị trường bán lẻ hiện đại kết hợp phát huy những yếu tố truyền thống tại Việt Nam.

TRÁI TIM CỦA NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG LÀ SỰ CẠNH TRANH

Thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Với tỷ trọng chiếm đến 78% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 (đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng), ngành bán lẻ đã khẳng định vị thế là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng thương mại nội địa.

Cùng với sự gia tăng của các chủ thể tham gia, lĩnh vực bán lẻ đang trải qua một cuộc cách mạng thực sự. Từ những hình thức kinh doanh truyền thống, thương mại bán lẻ ngày càng chuyển mình mạnh mẽ sang mô hình hiện đại, tận dụng tối đa công nghệ số và thương mại điện tử. Sự đa dạng hóa các kênh phân phối, đặc biệt là sự bùng nổ của thương mại trực tuyến, đã tạo nên một cuộc cạnh tranh sôi động và góp phần thay đổi sâu sắc bức tranh thương mại, nhất là ở các vùng nông thôn.

Tại “Diễn đàn Chính sách và pháp luật phát triển thương mại trong nước năm 2024” do Bộ Công Thương tổ chức, nói về tầm quan trọng của phát triển thị trường bán lẻ, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, đây là vấn đề chiếm lĩnh thị trường không chỉ của riêng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ mà đó còn là công việc, thu nhập của người lao động tại các chợ truyền thống, hộ kinh doanh, cửa hàng… Đây cũng là một trong những trụ cột khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nên đòi hỏi kích cầu rất lớn.

dscf5987.jpg
Ông Võ Trí Thành phát biểu trong phiên thảo luận

Ông Thành nhấn mạnh: “Sau cùng của sự phát triển đó chính là quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với đó là những lợi ích gắn với các bên liên quan”. Sự cân bằng trong quyền lợi của chuỗi cung ứng và người tiêu dùng được chuyên gia đánh giá là yếu tố tiên quyết đảm bảo sự phát triển ổn định.

Theo chuyên gia, Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển kinh tế thị trường như: Thị trường lớn, chiếm 67% GDP; tầng lớp trung lưu mới nổi; người tiêu dùng đa phần thuộc giới trẻ có thể cập nhật xu hướng rất nhanh. Do đó, tất yếu sẽ cần những giải pháp đột phá vừa cân bằng vừa phát huy tối đa những nội lực của từng khía cạnh.

“Trái tim của nền kinh tế thị trường là cạnh tranh. Cho nên chính sách cần hoàn thiện và thực thi đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường, làm sao xây dựng được môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển. Cạnh tranh gắn với những cam kết, nguyên tắc đảm bảo tính lành mạnh”, TS. Võ Trí Thành bày tỏ quan điểm về giải pháp đẩy mạnh sự phát triển của thị trường bán lẻ.

Để có một quy hoạch và nâng cao được vai trò, tầm quan trọng của chợ truyền thống đối với người tiêu dùng Việt Nam thì người làm quy hoạch cần phải biết văn hóa chợ truyền thống..."

Cũng theo ông Võ Trí Thành, thị trường bán lẻ mang đặc thù là có sự tương tác và quan hệ giữa truyền thống và hiện đại văn minh, vậy làm sao tạo nên mối quan hệ cạnh tranh trong quá trình chuyển đổi tạo nên mối giao thoa giữa hai hình thái này. Đặc biệt, muốn phát triển thị trường bán lẻ bền vững cần bắt kịp xu thế: Xanh, văn minh, an toàn… Điều này nghe chừng sẽ đơn giản đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn, có dây chuyền hoạt động. Nhưng đối với những loại hình nhỏ lẻ như các tiểu thương trong chợ truyền thống cần có sự thích nghi và hội nhập.

Trước đó, phát biểu tại diễn đàn, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhấn mạnh, hệ thống bán lẻ đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định rằng phát triển hệ thống bán lẻ là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững.

CÂN BẰNG PHÁT TRIỂN CHỢ TRUYỀN THỐNG

Đề cập đến vấn đề quy hoạch, phát triển vai trò của chợ truyền thống trong thị trường bán lẻ, TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) bày tỏ quan điểm tại diễn đàn của Bộ Công Thương, một trong những tồn tại là thời gian qua, việc quy hoạch các chợ đầu mối, quy hoạch chợ truyền thống chưa đem lại thành công như mong muốn, một số nơi sau khi xây mới nhưng người tiêu dùng không đến mua sắm mà vẫn tìm đến những chợ cũ, thậm chí là chợ cóc.

Với câu hỏi đặt ra, tại sao chúng ta không thành công trong việc quy hoạch và phát triển, tiêu chuẩn hóa các chợ truyền thống? Theo ông Sỹ, điều này là do tầm nhìn chưa chuẩn của nhà quy hoạch. “Để có một quy hoạch và nâng cao được vai trò, tầm quan trọng của chợ truyền thống đối với người tiêu dùng Việt Nam thì người làm quy hoạch cần phải biết văn hóa chợ truyền thống, đó là những việc rất đơn giản, như: sự nhanh chóng, thuận tiện và đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng từ lương thực, thực phẩm, quần áo… và hàng hóa ở chợ truyền thống cũng là hàng tươi nhằm đáp ứng nhu cầu hiện hữu của người tiêu dùng” ông Đinh Dũng Sỹ nêu dẫn chứng.

dscf6013.jpg
TS. Đinh Dũng Sỹ nhấn mạnh vai trò của chợ truyền thống trong thị trường bán lẻ

Thực tế cho thấy, với chợ truyền thống, một số vấn đề mà người tiêu dùng còn băn khoăn, đó là dù thuận tiện, hàng hóa tươi mới, giá cả rẻ hơn so với siêu thị. Tuy nhiên, quan trọng là có đảm bảo an toàn hay không? Vì vậy, chuyên gia này cho rằng cần phải có cách nhìn khác về quy hoạch, xây dựng lại chợ truyền thống, trong đó tập trung vào các nền tảng hạ tầng bán lẻ trong văn hóa tiêu dùng của Việt Nam cũng như cơ cấu dân số Việt Nam nhất là khu vực nông thôn.

“Nếu cơ cấu và tiêu chuẩn hóa được chợ truyền thống sẽ bảo vệ được quyền lợi, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng tốt hơn. Câu chuyện của chợ truyền thống, siêu thị và trung tâm thương mại cũng là câu chuyện cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài,” TS. Đinh Dũng Sỹ nói.

Trong khi đó, bà Đào Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng tại một số địa phương, hệ thống hạ tầng bán lẻ nhất là tại vùng sâu, vùng xa chưa được quan tâm đầu tư; nhiều chợ truyền thống chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn.

Mặc dù thương mại điện tử đã có phát triển nhưng chưa đồng đều, mức độ ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử vào thương mại ở nhiều địa phương còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả phân phối hàng hóa. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại; nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ; tăng cường đào tạo nhân lực quản lý và vận hành hạ tầng bán lẻ hiện đại.

Hiện nay, hạ tầng thương mại gồm chợ truyền thống, các trung tâm thương mại và siêu thị. Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, chợ truyền thống vẫn chiếm 80% thị trường bán lẻ với 8.500 chợ, trong khi siêu thị là 1.080 và 240 Trung tâm thương mại.

Mặc dù chợ truyền thống có thể thu hẹp theo mức độ phát triển đô thị và xu hướng mới là thương mại điện tử, song theo đánh giá của chuyên gia, chợ truyền thống vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống người dân bởi những phong tục, thói quen sinh hoạt được hình thành từ rất lâu không dễ gì thay đổi.

Xem thêm

Người hâm mộ thận trọng trước chiêu lừa mua vé concert âm nhạc

Cẩn trọng bẫy lừa “săn” vé concert âm nhạc

“Săn” vé concert đang trở thành cơn sốt trong giới trẻ thời gian gần đây, nhưng cũng là cơ hội để các đối tượng xấu lợi dụng, các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, từ việc bán vé giả, tăng giá vé bất hợp lý cho đến những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội…

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng tiếp tục tăng

Giá vàng tiếp tục tăng

Giá vàng thế giới vẫn tăng mạnh dù đồng USD leo thang, trong nước, vàng miếng SJC thêm nửa triệu đồng/lượng ở cả chiều mua - bán...