Phó Thủ tướng: Giai đoạn khó khăn nhất đối với PVN đã dần qua đi

Giá dầu thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng tập đoàn vẫn hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu về được giao.
Phó Thủ tướng: Giai đoạn khó khăn nhất đối với PVN đã dần qua đi

Đây là thông tin được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đưa ra tại "Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018" do PVN tổ chức ngày 12/1, tại Hà Nội.

Về đích trước kế hoạch

Báo cáo của PVN cho biết, năm 2017, tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 25,41 triệu tấn, vượt 1,6 triệu tấn quy dầu so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm.

Trong đó, khai thác dầu thô đạt 15,52 triệu tấn, hoàn thành trước kế hoạch cả năm 32 ngày và vượt 1,32 triệu tấn so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm. Đáng chú ý, tập đoàn đã đạt mốc khai thác tấn dầu thứ 380 triệu vào ngày 20/8/2017.

Một số đơn vị thành viên của PVN như Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans) đã về đích sớm so với kế hoạch từ 35 - 60 ngày.

Đáng chú ý, tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 498 nghìn tỷ đồng, vượt 13,8% so với kế hoạch năm, tăng 10,1% so với năm 2016. Nộp ngân sách đạt 97,5 nghìn tỷ đồng, vượt 22,9 nghìn tỷ đồng (vượt 30,8%) so với kế hoạch năm, tăng 8,0% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm.

Dù đạt được nhiều kết quả nổi bật trong năm vừa qua, nhưng đánh giá lại nhiệm vụ của ngành, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chia sẻ nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành dầu khí, rõ nhất là việc giá dầu ở mức thấp đã ảnh hưởng đến nguồn thu của PVN.

Không những thế, nhiều dự án tìm kiếm, thăm dò đã phải dừng, giãn tiến độ. Một số mỏ phải đóng bớt những giếng sản lượng thấp hoặc có giá thành khai thác cao hơn giá bán để tránh lỗ.

Ngoài ra, theo Tổng Giám đốc PVN, việc thiếu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho 5 dự án yếu kém từ giai đoạn trước cũng chính là thách thức đối với PVN trong năm 2017.

Có thể thấy, việc giá dầu đứng ở mức thấp đã tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của ngành dầu khí, trong đó công tác thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Phó Tổng Giám đốc PVN cho rằng, 70% nộp ngân sách nhà nước của ngành dầu khí có sự đóng góp trực tiếp và gián tiếp của công tác tìm kiếm thăm dò. Tuy vậy, công tác này đang bi co lại bởi tình hình chính trị ở biển Đông và giá dầu đi xuống, khiến đầu tư sụt giảm.

Nhìn lại việc gia tăng trữ lượng dầu khí trong năm 2017, với 2 mỏ đưa vào khai thác theo ông Lâm đây là một ​vấn đề lo ngại và cần được đầu tư thích đáng để từ đó có thể tạo động lực cho các lĩnh vực khác của ngành dầu khí khác.

Tập trung toàn lực cho tái cơ cấu

Theo dự báo, năm 2018 kinh tế thế giới và trong nước sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, tác động lên hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành dầu khí.

Và để hoàn thành các mục tiêu đề ra của tập đoàn, ông Từ Thành Nghĩa, Tổng Giám đốc liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro) cũng nhìn nhận tầm quan trọng của công tác tìm kiếm, thăm do dầu khí nhằm gia tăng trữ lượng phục vụ cho các hoạt động dầu khí thời gian tới.

Theo ông, qua bài học kinh nghiệm thời gian qua, Vietsovpetro đề xuất năm 2018 khoan 10 giếng (vượt 2,5 lần so với 2017) và để làm được việc này, Tổng công ty đã ứng dụng được khoa học tiên tiến trên thế giới phục vụ công tác tìm kiếm, thăm dò cũng như nâng xác suất thành công trong khâu tìm kiếm dầu khí.

Để có thể hoàn thành kế hoạch gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2018 từ 10 - 15 triệu tấn dầu quy đổi, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn ​cho biết, ​PVN sẽ bám sát Nghị quyết số 01/NQ- CP năm 2018 của Chính phủ để thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình hành động của tập đoàn.

Lãnh đạo PVN khẳng định quyết tâm tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc tại 5 dự án yếu kém của ngành theo đúng chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017, đồng thời tổ chức lại bộ máy đảm bảo tinh gọn, chất lượng.

Đánh giá cao các kết quả của ngành dầu khí trong năm 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng nhấn mạnh, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, nhưng tập thể lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động của ngành dầu khí đã nỗ lực phấn đấu và hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ được giao, với những con số về các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh rất tích cực.

Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất Chính phủ giao Tập đoàn đều về đích trước kế hoạch năm từ 3-53 ngày, qua đó đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP và cân đối ngân sách Nhà nước năm 2017.

"Có thể nói giai đoạn khó khăn nhất đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã dần qua đi. Minh chứng rõ ràng nhất là việc chính trong bối cảnh khó khăn, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã nêu cao tinh thần đoàn kết, giữ vững niềm tin, tập trung phấn đấu và hoàn thành khá toàn diện nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 và đã có định hướng, giải pháp rõ ràng cho thực hiện kế hoạch năm 2018," Phó Thủ tướng nói.

Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà ngành dầu khí cần tập trung khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới, trong đó lãnh đạo Chính phủ ​đề cập đến quy mô, năng lực, công nghệ còn chậm, chưa đồng bộ so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Bên cạnh đó, năng lực điều hành và khả năng kinh doanh của PVN còn hạn chế so với một số nước trong khu vực. Mô hình, phương thức quản lý của Tập đoàn và các đơn vị thành viên còn chậm được hoàn thiện, bộc lộ nhiều bất cập. Việc tái cấu trúc tập đoàn tuy đã được tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nhưng kết quả vẫn còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Về nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu PVN tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Chiến lược Phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, đồng thời tập trung toàn lực cho việc tái cơ cấu toàn diện bộ máy quản lý từ Công ty Mẹ đến các đơn vị thành viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình thực tế tiến độ giải ngân các dự án, nguồn bổ sung vốn chủ sở hữu trong từng thời điểm để đáp ứng nhu cầu đầu thư theo kế hoạch và xây dựng các giải pháp để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn của các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án của Tập đoàn.

"Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tích cực các đồng chí, đặc biệt là các dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, các dự án trọng điểm của Nhà nước về dầu khí mà Tập đoàn đang thực hiện," Phó Thủ tướng nêu rõ.

Theo Vietnamplus

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...