Sáng 26/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành chức năng cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hết sức chú ý tham khảo, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới về cách thức quản lý tài nguyên, khoáng sản, theo nguyên tắc “rõ trách nhiệm người quản lý, người sử dụng”, không để “một việc, hai người”, “không quy định cứng những vấn đề, nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ như bộ máy tổ chức, ngân sách,…”.
“Luật cần có quy định về trình tự điều chỉnh quy hoạch về địa chất, khoáng sản theo hướng rút gọn do tiến bộ khoa học công nghệ giúp hiệu quả đầu tư tăng lên, bảo vệ môi trường tốt hơn, phù hợp xu thế thời đại… nhưng không làm thay đổi mục tiêu, quy mô, quá trình thực hiện quy hoạch”, Phó Thủ tướng nêu.
Bên cạnh đó, Luật phải quy định cơ chế, chính sách phân bổ, bố trí ngân sách để điều tra, thăm dò, đánh giá trữ lượng những loại khoáng sản có trữ lượng lớn, mang tính chiến lược trong phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành về đầu tư, ngân sách…
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật về tiêu chí trường hợp phải đấu giá và không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xử lý, giải quyết chồng lấn về quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch khác; sử dụng đất, đá thải từ hoạt động khai thác mỏ như vật liệu san lấp; các hành vi bị cấm;…
“Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, tập trung hoàn thiện dự án luật, bảo đảm cho dự án luật thực sự trí tuệ, chất lượng và khi trình ra Quốc hội, dự án luật phải đạt được sự thống nhất cao”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao nhiệm vụ.
Về báo cáo những nội dung cụ thể cần tiếp thu, hoàn thiện dự án luật, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, cần có sự tiếp cận khoa học hơn nữa đối với các vấn đề về trách nhiệm quy hoạch khoáng sản; phạm vi liên quan đến khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; chồng lấn quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch khác… từ đó có thể xác định sát hơn về phạm vi điều chỉnh, bảo đảm tính khả thi, thống nhất của dự án luật.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dự thảo đưa ra 2 phương án về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản và phân tích ưu nhược điểm của từng phương án để lấy ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch khoáng sản hoặc giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản.
Tiếp thu ý kiến trên, cơ quan soạn thảo đã quy định Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý có chuyên môn sâu về lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Đây là cơ quan đã hình thành từ nhiều năm, hoạt động độc lập với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về tài nguyên khoáng sản.
Về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, dự thảo luật đã quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch và các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch theo hình thức rút gọn và theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Đáng chú ý, liên quan đến đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quy hoạch khoáng sản tại Bình Phước, Đắk Nông (một số đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội nêu tại Kỳ họp thứ 7), tại cuộc họp đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, hiện có một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn như chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội nằm trong khu vực quy hoạch khoáng sản; việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích; việc đóng cửa mỏ từng phần, bàn giao nhanh diện tích đã khai thác hết trữ lượng cho địa phương đưa vào sử dụng.
Cùng với đó, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, san lấp trên diện tích quy hoạch khoáng sản; thu hồi khoáng sản trong quá trình thi công công trình, dự án nằm trong khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác…
Liên quan đến điều 5 về nguyên tắc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản; điều 10 về những hành vi bị cấm, điều 28 về khu vực hoạt động khoáng sản, quy hoạch hoạt động khoáng sản, bà Phan Thị Thanh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cần tiếp tục rà soát, bảo đảm tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong chính các điều này cũng như trong sự tương quan với các quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan về quản lý các loại tài nguyên.