Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu

Ngày 13/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 10 năm 2022, định hướng các tháng cuối năm 2022.
Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, nhấn mạnh trong 9 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 10 năm 2022, công tác điều hành giá đối mặt với nhiều áp lực.

"Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ ngành, địa phương, sự ủng hộ, đồng hành của nhân dân, doanh nghiệp, chúng ta đã nỗ lực điều hành giá hiệu quả theo mục tiêu đề ra", Phó Thủ tướng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng, trong những tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là diễn biến giá xăng dầu rất khó lường.

Ở trong nước, tới cuối năm nay một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết thời hạn, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng rất cao; nhu cầu hàng tiêu dùng dịp tết nhất là lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng cũng tăng mạnh trong những tháng cuối năm; tác động của thiên tai, dịch bệnh… sẽ tác động tới công tác điều hành giá.

"Công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời tạo tuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát cả năm 2023", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, theo dõi sát kinh tế và lạm phát thế giới và các biện pháp ứng phó của các nước, đặc biệt là các nước lớn, các đối tác thương mại quan trọng của nước ta; cập nhật sát tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường để kịp thời có các biện pháp điều hành giá chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo mục tiêu đề ra, phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành tín dụng, lãi suất, tỷ giá phù hợp,…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp điều hành giá
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp điều hành giá

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để chủ động thực hiện các biện pháp điều hành giá phù hợp, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: Xăng dầu, năng lượng, lương thực thực phẩm, dịch vụ vận tải…

"Bộ Công Thương triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung và hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định, hiệu quả", Phó Thủ tướng lưu ý.

Đối với những mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (dịch vụ y tế, giáo dục, điện), Phó Thủ tướng giao các bộ ngành chủ động các phương án để triển khai điều chỉnh vào thời điểm thích hợp.

Các bộ ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thông tin truyền thông, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải chủ động, kịp thời cung cấp công khai, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dụng và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với công tác quản lý, điều hành giá.

Trước đó, tại thông báo kết luận cuộc họp của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về quản lý, điều hành xăng dầu trong nước của Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, có biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu; báo cáo Chính phủ trong tháng 10 năm 2022.

Xem thêm

HAGL “bác” tin đồn về ông Đoàn Nguyên Đức

HAGL “bác” tin đồn về ông Đoàn Nguyên Đức

Hoàng Anh Gia Lai khẳng định, những ngày vừa qua, ông Đoàn Nguyên Đức vẫn trực tiếp chỉ đạo hoạt động sản xuất tại các nông trường, nông trại của tập đoàn, di chuyển hàng ngày giữa các nông trường, nông trại để giám sát và điều hành.

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...