Lợi nhuận từ đại dịch
Nhờ kết quả hoạt động trên mặt trận sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã được trao cơ hội kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới, ở mức 2,9%, và đặt mục tiêu 6,5% vào năm 2021.
Nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế tăng cao. Người Mỹ và châu Âu đã trải qua nhiều tháng cô lập để sửa sang nhà cửa, làm vườn và làm việc từ xa - sử dụng các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Việt Nam cũng giành được thị phần lớn hơn khi các quốc gia láng giềng châu Á buộc phải “đóng băng” nhiều hoạt động kinh doanh, sản xuất trong thời kỳ dịch bệnh.
Theo dữ liệu thống kê mới nhất, các lô hàng sản phẩm gỗ và đồ nội thất đạt trị giá 1,05 tỷ USD vào tháng 1/2020 - trước đợt phong toả toàn cầu - đã tăng 47% vào tháng 11/2020. Trong cùng kỳ, xuất khẩu điện thoại, máy tính và điện tử khác tăng 56%. Ví dụ, Samsung, cho đến nay là nhà xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam, đã báo cáo doanh thu toàn cầu cao nhất từ trước đến nay trong quý 3, trị giá 61 tỷ USD.
Điều này đã thúc đẩy vận may cho các doanh nghiệp như Viego Global, một công ty tìm nguồn cung ứng có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà sáng lập Jewel Nguyen cho biết, khách hàng đặt mua hàng may mặc và thiết bị bảo hộ cá nhân nhiều hơn bao giờ hết vì sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ Ấn Độ và Trung Quốc.
"Đối với một công ty mới như chúng tôi, đây là một cơ hội tốt," cô nói. "Đây là thời điểm để các công ty tìm kiếm các chuỗi cung ứng mới, hiệu quả.”
Công ty của Jewel Nguyen cũng đang nhận thêm đơn đặt hàng cà phê. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới, thường được dùng làm cà phê hòa tan. Các quán cà phê có xu hướng phục vụ loại cà phê arabica đắt tiền, nhưng khi người tiêu dùng ở nhà, họ dần chuyển sang loại cà phê có giá phải chăng hơn.
Các nhà đầu tư cũng xem Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có triển vọng ngay hiện nay. Việt Nam xếp thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ, trong danh sách của Euromonitor về các điểm đến có khả năng M&A nhất cho năm 2021, dựa trên các tiêu chí như sản xuất công nghiệp và sử dụng công nghệ.
"Việt Nam là thị trường duy nhất mà bạn có thể thực hiện các giao dịch", ông Truong Quang, đối tác điều hành của YKVN cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng luật của mình.
Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, Vingroup, đã bán 203 triệu USD cổ phần trong lĩnh vực kinh doanh bệnh viện cho một tập đoàn do nhà đầu tư nhà nước Singapore GIC dẫn đầu vào tháng 12, cũng như 650 triệu USD cổ phần trong đơn vị tài sản của mình cho các nhà đầu tư bao gồm KKR và Temasek Holdings vào tháng 6.
Thay vì cân nhắc bảo vệ sức khỏe cộng đồng hay nền kinh tế trước như nhiều quốc gia khác, “câu thần chú” của Hà Nội là bảo vệ cái trước sẽ bảo vệ cái sau, hay còn được gọi là "mục tiêu kép".
Năm ngoái, Việt Nam đã tham gia 3 hiệp định thương mại quốc tế. Vào tháng 11, Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết trực tuyến Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, một hiệp ước giữa 15 quốc gia ở Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng ban hành một thỏa thuận được chờ đợi từ lâu với Liên minh châu Âu vào tháng 8, tiếp theo đó là một thỏa thuận riêng vào tháng 12 với Vương quốc Anh - một trong những thỏa thuận đầu tiên của nước này hậu Brexit.
Theo dự báo vào tháng 10 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt qua Philippines. Và xét về mặt tuyệt đối, GDP của Việt Nam đã phần nào vượt qua Singapore và Malaysia - trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á.
Lan tỏa công nghệ
Theo chính phủ, Covid-19 sẽ mang lại thay đổi lâu dài hơn cho Việt Nam thay vì chỉ là một “cú hích” đối với xuất khẩu. Phản ứng của Việt Nam đối với đại dịch chứng minh cho người nước ngoài rằng đây là một nơi an toàn để đầu tư.
"Câu chuyện thành công trong cuộc chiến với [Covid-19] có thể là chìa khóa để Việt Nam giành được lòng tin từ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài", một bài đăng trên trang web chính thức của chính phủ cho biết trong tháng này.
Công cụ kinh tế mà chính phủ lựa chọn, kế hoạch 5 năm: đặt lĩnh vực công nghệ vào trung tâm của kế hoạch trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2025. Việt Nam đã ghi nhận một số khoản đầu tư lớn trong năm 2020, từ Pegatron, nhà cung cấp cho Apple và Samsung, cho dến LG Electronics, công ty phụ thuộc vào Việt Nam cho các hoạt động sản xuất xe và điện thoại thông minh.
Vào cuối năm 2021, gần như tất cả các nhà cung cấp lớn của Apple trong khu vực đã chọn Việt Nam hoặc có dự định làm như vậy. Việc di chuyển địa điểm sản xuất là xu hướng "China Plus One" giữa các công ty nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn nhất châu Á do chi phí tăng cao, rủi ro từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Vào tháng 6/2020, chính phủ Việt Nam thành lập một lực lượng thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn đầu. Hai tháng sau, Bộ Công Thương thông báo Cammsys của Hàn Quốc đàm phán hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam, bao gồm việc chuyển giao công nghệ linh kiện ô tô điện. Hai tháng sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký một thỏa thuận với EY, đồng ý giới thiệu các khách hàng đa quốc gia đến Việt Nam để đầu tư. Các quan chức của Bộ vào thời điểm đó cho biết họ đặc biệt quan tâm đến các công ty công nghệ từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Lĩnh vực điện tử đã trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng chủ yếu là sản xuất và lắp ráp cơ bản. Các quan chức chính phủ cho biết họ sẽ chấp thuận các khoản đầu tư công nghệ cao và thân thiện với môi trường với nhiều giá trị gia tăng hơn.
"Đến nay, Việt Nam không chỉ trở thành một quốc gia thành công trong việc kiểm soát và đẩy lùi đại dịch mà còn tận dụng cơ hội này để thực hiện công cuộc chuyển đổi số của đất nước", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết vào tháng 10.
Qualcomm, nhà cung cấp chip điện thoại lớn nhất thế giới, đưa ra một dấu hiệu về khả năng chuyển giao công nghệ sắp tới vào Việt Nam. Vào tháng 6, công ty đã khai trương một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội - trung tâm lớn nhất ở Đông Nam Á bên ngoài Singapore. Trung tâm sẽ làm việc với các đối tác địa phương như Viettel, Bkav… để cấp bằng sáng chế và thương mại hóa công nghệ di động.
“Đây là cơ hội quý báu để Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong bài phát biểu trên VTV. Ông cũng nói thêm, Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu đã đề ra khi "chúng ta dựa vào đổi mới, khoa học và công nghệ."
Tuy nhiên, năng lực địa phương tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Harvard đã phân tích hoạt động xuất khẩu của tám quốc gia châu Á và tính toán giá trị của các công ty địa phương. Trong đó, Việt Nam có giá trị thấp nhất, ở mức 55%. Hiện các công ty Việt Nam vẫn bị lu mờ bởi các công ty cùng ngành từ Malaysia - quốc gia có hệ sinh thái các nhà sản xuất điện tử lớn hơn, cho đến Thái Lan - nguồn đầu tư ra nước ngoài chính ở Đông Nam Á.
Hiện nay, các công ty ở Việt Nam cũng đã sử dụng thời gian “tạm ngừng” của đại dịch để nâng cao năng lực lao động. Nhiều công ty cho biết nhân viên tại Việt Nam đang phải làm việc nhiều hơn nữa khi các đồng nghiệp nước ngoài không thể nhập cảnh. Hơn một nửa, 56%, các nhà quản lý nhân sự cho biết họ sẽ ưu tiên đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng nhân viên trong quý tới, theo một cuộc khảo sát mà công ty tuyển dụng Adecco công bố vào tháng 8.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng
Tất nhiên, không phải tất cả người Việt Nam đều thoát khỏi năm 2020 vô sự. Bên cạnh những cơn bão khắc nghiệt kỷ lục tại miền Trung, đại dịch Covid-19 cũng khiến hàng trăm nghìn người thất nghiệp.
Biển hiệu "cho thuê" được dán trên vô số tòa nhà ở khắp trung tâm thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, cũng như ở các thị trấn biển từ Đà Nẵng đến Phú Quốc. Đà Nẵng, Phú Quốc là những khu vực phụ thuộc nhiều nhất vào du lịch nước ngoài, đối mặt với vô số các thách thức và khó khăn sau khi biên giới quốc gia đóng cửa. Số liệu thống kê cho biết, đến tháng 9, gần 1/3 dân số bị mất việc làm, bị cắt lương hoặc giảm giờ làm. Hầu hết những công nhân này làm việc trong các lĩnh vực khách sạn, giải trí, thực phẩm và đồ uống, xây dựng, hoặc xuất khẩu như dệt may.
Du lịch nội địa hầu như không suy giảm, mở đường cho Vietravel Airlines, hãng đã cất cánh vào tháng 12 và trở thành hãng hàng không thứ sáu của Việt Nam. Nhưng nếu không có các chuyến bay xuyên biên giới, thì các hãng hàng không vẫn phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu và tìm kiếm các gói cứu trợ từ nhà nước.
Để tăng tốc độ phục hồi tổng thể, Hà Nội đã phê duyệt khoản cứu trợ 2,7 tỷ USD. Chính phủ cũng cắt giảm thuế và phí, cung cấp các khoản vay và tăng chi tiêu công - bao gồm cả cơ sở hạ tầng cần thiết.
Cũng như phần lớn khu vực Đông Nam Á, các tuyến đường bộ và cảng của Việt Nam chưa bắt kịp với nhịp độ phát triển của một nền kinh tế đang tiến sâu hơn vào thương mại toàn cầu. Từ năm 2009 đến năm 2019, Việt Nam đã có bước nhảy vọt lớn nhất trong số 50 quốc gia được WTO xếp hạng theo kim ngạch thương mại hàng hóa, tăng 16 bậc lên vị trí thứ 23. Ngày càng có thêm nhiều dự án đang trong quá trình thực hiện để thúc đẩy sự tăng trưởng này, từ một sân bay ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu được xây dựng, cho đến một quốc lộ mới chạy dọc theo đường xương sống của đất nước. Những dự án như vậy lại có thêm sự tiếp sức mới vào năm 2020, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai các công trình công cộng, đưa ra các chế tài đối với sự chây ỳ và chậm chạp. Đến nửa đầu năm 2020, Việt Nam đã đẩy nhanh tiến độ của hơn một chục dự án lớn. Kết quả: Đầu tư nhà nước tăng 14,5% vào năm 2020 so với năm 2019, cao hơn nhiều so với mức tăng 1,6% của đầu tư tư nhân.
Philippe Richart, Giám đốc điều hành của INSEE Việt Nam và thành viên ban điều hành tập đoàn của Siam City Cement, nói với Nikkei: “Một trong những động lực chính [của sự phục hồi tại Việt Nam] sẽ là quyết định của chính phủ trong việc ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng.”
Từ việc cải thiện quản trị và nâng cấp cơ sở hạ tầng cho đến hỗ trợ người lao động và nhà cung cấp được trang bị tốt hơn, một loạt các kết quả đang chờ đợi Việt Nam ở phía trước.
Vy Le, đồng sáng lập Do Ventures, cho biết đất nước phải tận dụng thời điểm này. Việc giãn cách vì Covid-19 đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng và thúc đẩy thương mại điện tử cũng như thanh toán kỹ thuật số … “Việt Nam có lợi thế hơn vì chúng tôi có thể đi lại thoải mái trên đường phố, chúng tôi có thể gặp gỡ các đối tác, khách hàng”.
"Chắc chắn," bà Le nói thêm, "đây là cơ hội để Việt Nam tiến lên phía trước."
Caitlin Wiesen, đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: “Tôi tin rằng các bài học kinh nghiệm từ thành công này của Việt Nam về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội sẽ giúp chính phủ đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai”.
Nguồn: Nikkei Asia