PVN đứng đầu danh sách doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn ra nước ngoài

Trong hơn 6,6 tỷ USD vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài, PVN có số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện lớn nhất với gần 4 tỷ USD (chiếm 60% tổng số vốn), sau đó là Viettel với 1,47 tỷ USD (chiếm 22%) và VRG đứng thứ ba với 770,8 triệu USD (chiếm 12%).
PVN đứng đầu danh sách doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn ra nước ngoài

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tính đến hết năm 2021 có 30 DNNN, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư 137 dự án tại nước ngoài. So với năm 2020, tăng thêm 2 DNNN và tăng 6 dự án.

Tuy nhiên, việc đầu tư ra nước ngoài của khối DNNN không hoàn toàn do công ty mẹ trực tiếp đầu tư, mà đầu tư trực tiếp hoặc qua các công ty con cấp 1, cấp 2.

Trong số này, 10 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, 9 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng. Các bộ: Công Thương, Y tế, mỗi bộ có 1 doanh nghiệp.

Hà Nội, TP HCM mỗi địa phương 2 doanh nghiệp. Các tỉnh Hà Tĩnh, Đắk Lắk, An Giang, mỗi địa phương 1 doanh nghiệp.

Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của các dự án là 6,61 tỷ USD, bằng 55% vốn đăng ký. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) là 3 DNNN có vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, chiếm 94% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của khối DNNN.

Về kết quả, năm 2021, số vốn thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài là 509,75 triệu USD, lợi nhuận chuyển về nước là 278,56 triệu USD. Trong đó như PVN thu trên 288,3 triệu USD, Viettel hơn 147 triệu USD; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam 35 triệu USD, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 8,3 triệu USD. 

Lũy kế đến hết năm 2021 đã thu về 3,6 tỷ USD, chuyển về nước hơn 1,74 tỷ USD.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, bên cạnh các dự án có báo cáo có lãi, vẫn có 30 dự án bị lỗ với tổng số lỗ phát sinh trong năm 2021 là 335,53 triệu USD, tăng 42% so với số lỗ của các dự án báo lỗ năm 2020.

Cụ thể, tổng số lỗ từ 8 dự án trong lĩnh vực viễn thông là 293,32 triệu USD, bằng 87% tổng số lỗ phát sinh trong năm 2021. Nguyên nhân chính là lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện của các dự án tại thị trường Myanmar của Viettel với giá trị 246,98 triệu USD do thị trường Myanmar có chính biến, tỷ giá biến động mạnh.

Tổng lỗ luỹ kế tính tới 31/12/201 là 1,3 tỷ USD, với 44 dự án ghi nhận lỗ luỹ kế, giảm 2 dự án nhưng tăng 164,04 triệu USD so với cùng thời điểm năm 2020.

Có thể bạn quan tâm