Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 10.860 tỷ đồng, nhích nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, nhờ mức cắt giảm mạnh tay chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Dù vậy, hoạt động cốt lõi có phần chững lại khi thu nhập lãi thuần giảm 3%, còn hơn 13.687 tỷ đồng, trong khi lãi từ hoạt động dịch vụ lao dốc tới 44%, chỉ còn gần 806 tỷ đồng.
Ở chiều tích cực, các nguồn thu ngoài lãi khởi sắc rõ nét. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng vọt 69%, đạt 2.024 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 60%, đạt 37 tỷ đồng; còn lãi từ hoạt động khác cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng 30%, lên 623 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động trong quý tăng 12%, lên 5.652 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 5%, còn 11.612 tỷ đồng.
Điểm sáng trong quý là việc Vietcombank chỉ trích lập hơn 752 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, giảm tới một nửa so với cùng kỳ. Nhờ đó, ngân hàng vẫn khép lại quý đầu năm với lợi nhuận trước thuế gần 10.860 tỷ đồng – tăng nhẹ 1%.
Tính đến cuối quý 1/2025, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng, nhích nhẹ 1% so với thời điểm đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng gần như đi ngang, lần lượt ghi nhận gần 1,47 triệu tỷ đồng và hơn 1,5 triệu tỷ đồng.
Về chất lượng tín dụng, đến ngày 31/03/2025, tổng nợ xấu của ngân hàng tăng 8% so với đầu năm, lên mức 15.036 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vì vậy cũng tăng nhẹ từ 0,96% lên 1,03%.
Vừa qua, ngân hàng Vietcombank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2025. Tại đại hội, cổ đông Vietcombank đã thống nhất chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ đạt 42.734 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đặt mục tiêu tăng 3,5%, ước khoảng 43.714 tỷ đồng.
Ngân hàng cũng đặt các chỉ tiêu tăng trưởng tổng tài sản đạt tối thiểu 10%, đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 16,28%; huy động vốn trên thị trường 1 tăng 8% hoặc điều chỉnh theo mức tăng trưởng được giao, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.
Đồng thời, ngân hàng dự kiến phát hành 543,1 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% số cổ phiếu đang lưu hành, cho tối đa 55 nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá lên tới 5.431 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2025-2026, tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của nhà đầu tư.
Sau phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ 83.557 tỷ đồng lên khoảng 88.988 tỷ đồng.
Trước đó, ngân hàng đã phát hành hơn 2,76 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, nâng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.
Ngoài kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Vietcombank đang xây dựng phương án tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại các năm 2022 và 2023, trình cơ quan thẩm quyền xem xét và sẽ triển khai sau khi được phê duyệt.
Theo đó, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là 21.680 tỷ đồng năm 2022 và 22.770 tỷ đồng năm 2023. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cân nhắc sử dụng thêm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
Hiện Vietcombank là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, với quy mô hơn 478.000 tỷ đồng và là doanh nghiệp duy nhất có trên 8 tỷ cổ phiếu niêm yết. Trên thị trường, giá cổ phiếu VCB hiện ghi nhận ở mức 57.300 đồng/cổ phiếu.