Quốc hội lấy ý kiến về việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Trước thềm biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản xin ý kiến các đại biểu về 2 phương án cấm nồng độ cồn khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông đường bộ...

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phương án nhận được nhiều ý kiến tán thành
Cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phương án nhận được nhiều ý kiến tán thành

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có văn bản xin ý kiến đại biểu Quốc hội về quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, có 2 phương án được xin ý kiến.

Phương án 1 là quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ưu điểm của phương án này là tiếp tục kế thừa của quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (khoản 8 Điều 8) và thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 (khoản 6 Điều 5).

Đồng thời, góp phần phòng ngừa vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, làm giảm tai nạn giao thông đường bộ, giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm ẩn do việc sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính người điều khiển, người tham gia giao thông đường bộ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình và toàn xã hội.

Thực tiễn áp dụng phương án 1 đang phát huy kết quả tốt, được cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân đồng tình ủng hộ, thực hiện, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tốt hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định.

Phương án 1 sẽ góp phần phòng ngừa các hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích do bị kích thích bởi nồng độ cồn trong người tham gia giao thông đường bộ khi có va chạm giao thông.

Về mặt hạn chế, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn có thể làm thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia của một bộ phận người dân Việt Nam trong sinh hoạt văn hóa như đám hiếu, hỷ, liên hoan, lễ, Tết… Làm giảm mức tiêu thụ đồ uống có cồn và tác động tới việc làm, thu nhập của một bộ phận người lao động và người chủ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn.

Theo thống kê, 31/50 đoàn đại biểu Quốc hội và 9 đại biểu Quốc hội phát biểu, thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 7 tán thành với phương án 1. Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an (cơ quan soạn thảo) nhất trí, 25 thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho ý kiến, 22 thành viên nhất trí phương án 1.

Bên cạnh đó, phương án 2 là quy định cấm theo mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Ưu điểm của phương án này là không làm thay đổi thói quen của một bộ phận người sau khi đã sử dụng rượu, bia vẫn có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Ít tác động tới mức tiêu thụ đồ uống có cồn, hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn và tác động tới người lao động trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, hạn chế là tiếp tục có nguy cơ gia tăng vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các vụ tai nạn giao thông đường bộ, dẫn đến nguy cơ làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ gây ra như các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Khi quy định ngưỡng nhất định, người sử dụng rượu, bia khó xác định ngưỡng để dừng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý. Song song với đó là nguy cơ xảy ra các vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có va chạm giao thông bị kích thích do đã sử dụng rượu, bia.

Có 19/50 đoàn đại biểu Quốc hội và 7 đại biểu Quốc hội phát biểu, thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 7 đồng ý với phương án 2, 3 đại biểu Quốc hội đề nghị đưa ra 2 phương án xin ý kiến, 25 thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho ý kiến (trong đó có 3/25 thành viên nhất trí phương án 2).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội lựa chọn một trong hai phương án trên, thời gian hoàn thành trước 9h30 ngày 24/6. Theo dự kiến, sáng 27/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

VACOD-HBA “đón sóng” AI, sôi động chuỗi sự kiện lớn tháng 10

VACOD-HBA “đón sóng” AI, sôi động chuỗi sự kiện lớn tháng 10

Chủ trì chương trình “Bữa sáng Doanh nhân” ngày 21/9, TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA đề cập xu thế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động hiệp hội cũng như lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và công tác chuẩn bị cho chuỗi sự kiện lớn của hai Hiệp hội sắp diễn ra trong tháng 10 tới…

VACOD-HBA đón đầu “làn sóng” ứng dụng trí tuệ nhân tạo

VACOD-HBA đón đầu “làn sóng” ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Nắm bắt xu thế ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, ngày 18/9, hai Hiệp hội HBA-VACOD đã phối hợp với GenAI tổ chức buổi tập huấn dành cho lãnh đạo, cán bộ, nhân viên hai văn phòng và Tạp chí Thương gia nhằm khai thác tiềm năng của sản phẩm Aidu…

Doanh nhân kỳ vọng AI “thổi luồng sinh khí mới” vào hoạt động doanh nghiệp

Doanh nhân kỳ vọng AI “thổi luồng sinh khí mới” vào hoạt động doanh nghiệp

Tại chương trình “Bữa sáng Doanh nhân” ngày 14/9, các doanh nhân thuộc hai Hiệp hội VACOD-HBA hết sức hào hứng trước xu thế bùng nổ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong mọi lĩnh vực và bày tỏ mong muốn sắp tới AI sẽ thực sự trở thành trợ thủ đắc lực giúp nâng tầm hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Xử lý ra sao các trường hợp chiếm đoạt tiền từ thiện, làm giả sao kê và “đu trend” cứu trợ bão lũ?

Xử lý ra sao các trường hợp chiếm đoạt tiền từ thiện, làm giả sao kê và “đu trend” cứu trợ bão lũ?

Dù đóng góp và giúp sức với bất kỳ hình thức nào, người của công chúng nói riêng và người dân nói chung nên có sự tìm hiểu kĩ càng, không nên mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi ngay tại thời điểm khó khăn này, để dẫn đến những hành vi đánh bóng tên tuổi hay phô trương phản cảm...